Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề dệt của dân tộc Dao họ ở Bảo Thắng (Lào Cai) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với đồng bào dân tộc Dao họ, dệt vải là một nghề độc đáo đòi hỏi kỹ thuật cao. Quần áo được may từ những mảnh vải dệt có một ý nghĩa quan trọng, được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt diễn ra trong suốt cuộc đời.
Kỳ công dệt một tấm vải
Mới đây, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Thắng đã tổ chức công bố, trao Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề dệt của dân tộc Dao họ ở huyện Bảo Thắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với người Dao họ, những phụ kiện hay trang phục phải được may từ chính những mảnh vải do họ dệt theo quy trình gắn với những điều kiêng kỵ tuyệt đối. Trước đây, bà con chủ yếu dệt bằng sợi bông, vì nhà nào cũng có nương bông để quay sợi. Bây giờ, hầu hết dùng chỉ bán sẵn, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian gấp nhiều lần so với trồng bông rồi xe thành sợi.
Tuy vậy, việc dệt của người Dao họ vẫn giữ nguyên các kỹ thuật truyền thống. Nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo mà chỉ phụ nữ mới làm được. Trong khi đó, người đàn ông sẽ căn chỉnh và sửa chữa khung dệt.
Việc xe sợi, luộc sợi, hồ sợi, cuốn sợi thành lô, kéo sợi và lắp vào khung dệt mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, đó chưa phải việc khó nhất, bởi người Dao họ dệt vải có những điều kiêng kỵ tuyệt đối. Như khi kéo sợi, không được nói những điều không hay hoặc không được bước chân qua.
Phụ nữ Dao họ không bao giờ mua sẵn quần áo ngoài chợ về mặc. Với họ, việc dệt vải và may vá thêu thùa thể hiện sự khéo léo đảm đang. Hơn nữa, quần áo may sẵn mua ngoài chợ không được hồ sợi trước khi dệt, nên không phù hợp với trang phục truyền thống và nhanh bạc màu.
Công đoạn làm ra một tấm vải của người Dao họ cực kỳ phức tạp. Sau khi xe sợi xong thì đem các nắm sợi cho vào nồi nước đun sôi theo quy trình, tránh bị rối sợi. Luộc sợi phải liên tục trong 6 giờ, không được đun lửa quá to hoặc quá nhỏ. Bếp lửa phải cháy đều để khi dệt, sợi mới mềm.
Theo cách thức truyền thống, họ còn nấu một nồi cháo bằng gạo tẻ rồi lọc lấy nước cháo để đổ lên các nắm sợi, rồi vò đi vò lại thật nhuyễn để hồ thấm vào sợi. Sợi vải khi thấm thêm hồ lại được cho lên sào phơi nắng thật khô. Khi đó, kéo sợi không sợ bị đứt, khi dệt mới ra được tấm vải đẹp.
Trong các khâu làm nên bộ trang phục của người Dao họ, vất vả nhất là khâu “nhuộm chàm” vì vừa khó vừa kỳ công. Một tấm vải phải nhuộm đi nhuộm lại khoảng 20 lần. Tấm vải có mềm, bền màu hay không tùy thuộc vào kỹ thuật của người nhuộm.
Việc thêu thùa cũng có quy chuẩn họa tiết, hoa văn riêng, màu chủ đạo ở khăn đội đầu, nẹp áo, yếm, thắt lưng, ống quần, xà cạp, túi trầu, khăn quàng cũng khác nhau. Tất cả hoa văn đều được thêu từ mặt trái, không lộ mối chỉ.
Giữ nghề để bảo tồn văn hóa
Là nghề truyền thống, nhưng bởi có nhiều kỹ thuật phức tạp nên việc thành thạo tất cả các công đoạn để làm ra một tấm vải là không đơn giản. Đặc biệt, công đoạn vắt, móc đan sợi vào khung có rất ít người biết làm – bởi yêu cầu quá tỉ mỉ, không bỏ hay rối sợi nào.
Để làm thành thạo, phải học trong nhiều năm. Ngay từ độ tuổi 15 – 16, các cô gái đã được truyền dạy công đoạn đếm sợi, chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách dệt những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Và khi đến độ tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ người Dao họ đã phải giỏi việc dệt may – đó cũng là tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ.
Trước đây bà con thường lên rừng để tìm cây chàm, nhưng giờ đây các gia đình đã tự trồng trong vườn để tiện cho việc nhuộm trang phục. Chàm cho vào ngâm với nước vôi và nước tro bếp khoảng 1 tháng mới dùng được. Theo kinh nghiệm của mỗi người khi nhuộm sẽ thử màu, nếu màu dính ra tay và lên màu như ý muốn thì lúc đó mới có thể cho vải vào nhuộm.
Tết đến xuân về, phụ nữ Dao họ đều chuẩn bị vài bộ trang phục mới để diện. Với họ, việc gìn giữ phát triển nghề dệt vải truyền thống không chỉ là nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, mà còn là cách để lưu giữ các giá trị mà cha ông truyền lại.
Bà Lê Hải Thanh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bảo Thắng cho biết: Sau khi nghề dệt của người Dao họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng năm để triển khai thực hiện hiệu quả đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số.
Hiện, Lào Cai có 38 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm “Nghi lễ Then của dân tộc Tày” và “Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày, Giáy”.
Trong 37 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải kể đến các di sản nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Pa Dí, người Nùng Dín Mường Khương, người Dao đỏ Sa Pa, người Mông hoa Bắc Hà.
Các nghi lễ truyền thống: Cúng thổ công bản của người Tày, lễ cầu làng “Áy lay” người Dao họ Văn Bàn, lễ cúng rừng của người Mông Si Ma Cai, nghề làm tranh thờ, nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ Sa Pa…
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/cong-phu-nghe-det-vai-dan-toc-dao-ho-post604756.html#604756|zone-timeline-6|7