Thành ngữ Việt Nam có câu “Công như công cốc”. “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: “Công cốc: Công sức bỏ ra vất vả khó nhọc nhưng bản thân người làm không được hưởng hoặc không đem lại kết quả: Tốn tiền của, thời gian mà rốt cuộc là công cốc”.
Tuy nhiên, tại sao công lại đi chung cốc? Với từ công, ai cũng hiểu là công sức, công lao, công việc… Vậy cốc có nghĩa là gì? Sở dĩ đặt ra câu hỏi này vì ta biết rằng có những từ đôi, cả hai từ đều có nghĩa nhưng trải theo năm tháng, nghĩa của từ thứ hai đã phai đi, do đó khó có thể giải thích rõ ràng, chẳng hạn: chùa chiền, chợ búa, gà qué, khóc lóc, la lối… Do đó, tìm hiểu cốc là cần thiết để hiểu rõ vai trò của sự kết hợp này.
Đôi khi, cũng là công cốc nhưng còn tùy ngữ cảnh nữa, không thể áp dụng theo định nghĩa vừa nêu. Thí dụ, trong phóng sự “Nghệ thuật băm thịt gà”, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt (…). Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra” (“Việc làng và các tập phóng sự” – NXB Văn hóa Thông tin – 2008, tr.37). Ở đây ta hiểu công cốc lại nhằm chỉ động tác/thao tác tạo ra âm thanh. Nghĩa này hầu như từ điển không ghi nhận, nếu có chỉ là “cốc cốc” ngầm hiểu mô phỏng theo: “Tiếng mõ kêu: Gõ mõ cốc cốc”. Nghĩa rộng là gõ kêu như mõ gọi là cốc: “cốc đầu” – theo “Việt Nam tự điển” (1931). Thú vị ở động tác “cốc đầu”, người miền Trung dùng từ “cú/cú đầu”, người Nam còn dùng từ “ký/ký đầu”. Ngoài ra, cốc còn có nhiều nghĩa nữa nhưng tôi không nêu ra, vì không liên quan gì đến cốc/công cốc mà “Đại từ điển tiếng Việt” đã giải thích.
Vậy cốc nghĩa là gì? Trước khi trả lời, ta hãy đọc lại câu ca dao: “Cồng cộc bắt cá dưới sông/ Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ”. Cồng cộc là tên gọi khác của cốc/chim cốc. “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Y học – 1998) của Võ Văn Chi miêu tả: “Chim cỡ khá lớn với thân hình trứng và cổ dài. Mỏ có kích thước trung bình, thuôn tròn nhưng chóp mỏ hơi phình to hơn và có móng con, sắc…”. Cốc sống ở ao hồ lớn, sông, cửa sông; ăn cá, tôm, ếch, nhái, đôi khi cả côn trùng… Sở dĩ cốc kết hợp với công/công cốc là vì bao đời nay bà con nông dân đã nuôi cốc, huấn luyện cốc để phục vụ mình: “Người ta đeo một vòng mây hay sừng vừa khít cổ cốc, xong thả cho nó đi mò cá. Khi được cá thì cốc không thể nuốt vào cổ, mà để chủ gỡ ra một cách dễ dàng” (tr. 124).
Thế thì bao nhiêu công sức con cốc đã làm đều bị chủ tước đoạt, vì thế tục ngữ còn có câu “Cốc mò cò xơi”. Cò hiểu theo nghĩa bóng chính là ngư ông, là người nuôi cốc. Cái sự công cốc này còn có từ tương đương “công toi” mà “Từ điển tiếng Việt” (1977) do Văn Tân chủ biên đã ghi nhận.
Lê Minh Quốc
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/cong-coc-2022070220292894.htm