Công bố lá thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ Nixon 8 ngày trước khi qua đời

16:12 | 29/08/2019

Ít ai biết rằng 8 ngày trước khi Bác Hồ qua đời, Bác còn gửi một lá thư tới Tổng thống Mỹ Richard Nixon với lời lẽ đanh thép yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, cho tới khi lá thư ấy lần đầu được công bố vào hôm nay 28-8 tại Hà Nội.


 

Triển lãm thu hút rất đông khách tham quan – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong những ngày kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay 28-8, ngay tại không gian mà Bác Hồ từng sống những năm tháng cuối đời – Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch – đã diễn ra khai mạc triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế.

Triển lãm chia làm ba phần: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng và vị lãnh tụ thiên tài; Bản Di chúc thiêng liêng: Sự kết tinh tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trưng bày thư của Tống thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15-7-1969 thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam và thư hồi đáp của Bác Hồ chỉ 8 ngày trước khi Bác mất, thể hiện lập trường cứng rắn về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25-8-1969 về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam là một tư liệu gây xúc động mạnh cho người xem, trong số hơn 100 tư liệu quý của Việt Nam và Mỹ, Nga, Pháp được trưng bày lần này.

Chỉ 8 ngày trước khi mất, Bác đã viết một bức thư với lời lẽ đanh thép, thể hiện rõ ý chí giành độc lập đến cùng của nhân dân Việt Nam trước Hoa Kỳ.

Năm đó, khi Hoa Kỳ ngày càng sa lầy và chịu tổn thất nặng nề cũng như sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và cả trong chính nước Mỹ, Tổng thống Richard Nixon đã phải gửi bức thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15-7-1969 thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Và hơn 1 tháng sau, tuy sức khỏe suy yếu nhiều, Bác vẫn dành tới những hơi thở cuối cùng cho dân cho nước, cho nền độc lập của dân tộc khi gửi lá thư phúc đáp tới Tổng thống Hoa Kỳ.

Thư có đoạn: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.

Lần đầu tiên được nhìn bức thư ấy những ngày đặc biệt này, ngay tại nơi Bác sống những năm tháng cuối đời, bất cứ ai cũng phải xúc động trước tấm lòng với dân với nước của Người.

Lá thư Bác Hồ gửi Tổng thống Richard Nixon ngày 25-8-1969 – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong số những tư liệu, hình ảnh mà Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cung cấp cho triển lãm lần này, người xem còn được thấy rất nhiều những lá thư quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho các Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kể từ năm 1946 cho tới trước khi Bác qua đời vào năm 1969.

Có thể kể tới những tài liệu vô cùng quý giá mà bấy lâu các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam tìm kiếm sưu tầm nhưng chưa có được, như: thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 22-10-1945 về việc nền độc lập của Việt Nam cần sự công nhận của Liên Hiệp Quốc;

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18-1-1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam;

Bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 28-2-1946 đề nghị giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của người Pháp…

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18-1-1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Triển lãm cũng đem đến những tài liệu quý giá do phía cơ quan lưu trữ của Liên bang Nga cung cấp. Đó là những tư liệu, hình ảnh liên quan đến quãng thời gian Bác Hồ sống và hoạt động tại Liên Xô mà lịch sử đã ghi lại nhưng chúng ta lại không có những bằng chứng cụ thể.

Tại triển lãm, công chúng sẽ lần đầu được xem thư của Nguyễn Ái Quốc gửi từ Hongkong về Moscow thuộc Ban Pháp thuộc Quốc tế Cộng sản ngày 27-2-1930 báo cáo việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất từ các nhóm khác nhau có khuynh hướng Cộng sản…

Bản thông tin cá nhân về Nguyễn Ái Quốc với những hình ảnh Bác Hồ khi còn trẻ mà mật thám Pháp thu thập được – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong khi đó, Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp lại mang đến những hồ sơ tài liệu mà mật thám Pháp điều tra về Nguyễn Ái Quốc trong mấy thập kỷ.

Tại đây, công chúng sẽ được xem Bản thông tin cá nhân về Nguyễn Ái Quốc với những hình ảnh Bác Hồ khi còn trẻ mà mật thám Pháp thu thập được.

Công chúng cũng lần đầu được xem thư ngày 25-11-1932 của Lãnh sự Pháp tại Hongkong Soulange Teissier gửi Toàn quyền Đông Dương về Nguyễn Ái Quốc.

Thậm chí có cả Tiểu dẫn về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ khi sinh ra đến năm 1943 của Cơ quan Liên lạc với người bản xứ thuộc lãnh thổ của Pháp ở Hải ngoại dài nhiều trang.

Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình và hình ảnh biển người dự lễ tang Bác Hồ – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Một nốt trầm xúc động trong triển lãm này là những tư liệu, hình ảnh từ cơ quan lưu trữ Việt Nam về đám tang Bác Hồ.

Với nhiều người, đây có lẽ là lần đầu tiên họ được thấy một thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đăng trên báo Nhân dân ngày 6-9-1969.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968, 1969 đang được trưng bày tại triển lãm Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Hình ảnh Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình ngày 9-9-1969 và hình ảnh biển người tại Quảng trường Ba Đình tới dự lễ tang của Người là những hình ảnh xúc động với nhiều người xem.

Triển lãm kéo dài đến ngày 7-9.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Cần có sự hỗ trợ của chiếc nạng, nhưng vị khách nước ngoài này đã theo dõi triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm chú – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Anh Chu Xuân Tuấn cùng nhóm bạn mang hoa huệ trắng tới nhà sàn Bác Hồ để tưởng nhớ Bác và xem triển lãm – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Triển lãm trưng bày hơn 100 tài liệu lưu trữ, hình ảnh của Việt Nam và Mỹ, Nga, Pháp về Bác Hồ, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu được công bố tại Việt Nam – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965 đang được trưng bày tại Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Thư ngày 25-11-1932 của Lãnh sự Pháp tại Hongkong Soulange Teissier gửi Toàn quyền Đông Dương về Nguyễn Ái Quốc. Nguồn từ Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Tiểu dẫn về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ khi sinh ra đến năm 1943 của Cơ quan Liên lạc với người bản xứ thuộc lãnh thổ của Pháp ở Hải ngoại. Nguồn từ Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi từ Hongkong về Maxcoxva thuộc Ban Pháp thuộc Quốc tế Cộng sản ngày 27-2-1930 báo cáo việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất từ các nhóm khác nhau có khuynh hướng Cộng sản do Lưu trữ Liên bang Nga cung cấp – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Phiếu cá nhân của nghiên cứu sinh năm thứ nhất Lin (Nguyễn Ái Quốc) tại Khoa Sử, Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa với kết quả kiểm tra học kỳ 1,2 môn Chủ nghĩa Duy vật biện chứng Lịch sử cổ đại, Lịch sử trung đại, Lịch sử hiện đại, do Lưu trữ Liên bang Nga cung cấp – Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bà Trần Việt Hoa – giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 – giới thiệu về triển lãm cho các đại biểu nước ngoài – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Theo Tuoitre

Cùng chuyên mục

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

Thủ tướng bổ nhiệm 2 tân Thứ trưởng Bộ Công an

Thủ tướng bổ nhiệm 2 tân Thứ trưởng Bộ Công an