Cho tới bây giờ, cái thói quen ấy vẫn thỉnh thoảng còn khi tôi vào quán ăn cơm rồi gọi “ Chị ơi, cho thêm đĩa cơm trắng”. Ăn ở Sài Gòn thì bạn bè nhắc khẽ “ Anh gọi cho đĩa cơm thêm là đủ, cơm nào chả trắng”. Tôi im lặng.
Nhưng bạn ơi, thế hệ chúng tôi ở Quảng Bình, thuở bé thơ, hai chữ CƠM TRẮNG là khao khát, là mong ước, vì khi tết đến, nhà nhà mới có vài bữa cơm trắng, ngày giỗ cũng may ra có một chút cơm trắng, còn lại là ba phần khoai sắn, một phần cơm, thậm chí có giai đoạn, cơm độn với cám gạo, nâu quánh trong nồi.
Tôi đã nhìn mạ tỉ mẩn với mấy nhánh cây xương rồng non cắt về, tỉ mẫn bóc võ xanh bên ngoài, cắt gai, xong thái nhỏ, rồi ngâm với nước vo gạo và thêm chút muối suốt đêm, hôm sau thì cả nhà có thêm trong bữa ăn dĩa xương rồng xào, hơi đăng đắng nhưng nuốt trôi cơm độn.
Tôi đã từng thấy mạ dùng đũa lách trong nồi ra những lát sắn, lát khoai, khéo léo và kiên nhẫn tách ra từng nhúm cơm trắng cho vào bát con cái, như tôi, cứ khóc đòi ăn cơm trắng.
Tôi đã từng cùng lũ con nít trong xóm lân la bên những bếp ăn của các chú bộ đội cao xạ, giả tảng chơi đùa, đợi cho các chú ăn xong thì rón rén vào, xin những miếng cháy hoặc cơm trắng còn sót lại trong nồi, vắt thành từng nắm nhỏ, vừa chạy vừa ăn, ríu rít.
Thời trẻ thơ ấy đói khát và thiếu thốn. Gạo hiếm lắm, rất hiếm, hiếm ở mức mà khi đau ốm, được ăn một bát cơm trắng như là uống thuốc bổ. Gạo đã hiếm, lại còn dồn sức cho chiến trường, nông nghiệp sản xuất ra, mang lúa về là giao nộp, giao nộp hết trong hạnh phúc, giao nộp hết để nuôi bộ đội, để nhanh tới ngày hòa bình. Nên có câu “ Thóc không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người” là thế. Tất cả vì tiền tuyến hết, gạo, thịt, rau củ quả, tất cả vì tiền tuyến. Vì thế nên đói khát, lũ chúng tôi thèm ăn hàng ngày, rất thèm ăn, và tất nhiên, thèm cơm trắng. Đi học nghe khoe nhau “ Nhà mình trưa nay có cơm trắng ăn đấy”.
Có những xe bộ đội chở gạo, khi đi qua Quảng Bình mùa mưa lũ, sa lầy, gạo ướt, bà con ra mang gạo về, mỗi nhà vài bao rồi ngồi đốt lửa, đặt chảo, đặt mâm sắt lên hong gạo cho khô, hong xong lại cho vào bao, đóng lại, giao lại cho xe, không thiếu một hạt. Tôi vẫn ngồi bên mạ nhìn mạ hong gạo và thỉnh thoảng, mạ thương, mạ ngó lơ cho tôi nhón một nhón gạo cho vào miệng nhai, ngon, ngọt, béo, bùi, thơm như nhai sâm.
Có những nhà, thiếu thốn gì nói sau, ăn gì nói sau, những cũng cất kỹ trên gác, trong chum, trong bồ một vài cân gạo, để nhỡ khi có giỗ chạp, tết nhất, hoặc có khách quý ở xa ghé lại thì thết đãi nhau bát cơm trắng. Tôi bao giờ cũng làm cái việc ham thích, khách khứa ăn xong, tôi xách cái nồi đất nấu cơm xuống bếp, cẩn thận và tỉ mẫn gỡ những hạt cơm dính đáy nồi, nhón thêm mấy hạt muối, ăn, không hẳn đói mà thèm cơm trắng, ăn mãi không hết thèm, cảm giác quý giá và thèm cơm trắng chạy suốt tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, vào bộ đội, ăn toàn cơm trắng mà vẫn không hết cái cảm giác thèm cơm trắng, rất lạ.
Viết thế là vì tối nay khó ngủ, ngồi xem trên mạng, hình ảnh, clip những tổ, nhóm, những mẹ, những chị ở khắp nơi dọc tuyến quốc lộ chứ không phải chỉ mỗi Quảng Bình, tự nguyện góp tiền, góp bầu bí, góp gạo, thổi cơm, CƠM TRẮNG, cho cơm vào đĩa, vào hộp để hỗ trợ đồng bào từ Nam về quê trong mưa gió.
Nhìn và nghĩ, chắc chắn thế giới không có ai như nước Việt mình lại có nghĩa tình đồng bào đến như thế. Họ cứ làm, ngày này sang ngày khác, nấu cơm, kho cá, luộc rau rồi chờ bà con đi xe máy trong Nam qua thì chạy ra, hoặc là kéo họ vào nhà ăn, hoặc vội quá thì dúi vào tay họ những hộp cơm nóng hổi, rồi nói cười, rồi dặn dò và cả khóc.
Như ở một số điểm làng dọc tuyến Quốc lộ, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình, xúc động lắm, các mẹ các chị nấu cơm, rồi phân công nhau ra đứng bên vệ đường, tay cầm nón, cứ thấy đoàn xe máy nào bồng bế, cồng kềnh đồ đạc từ Nam ra là gọi thật to, vẫy nón, vẫy nón, vẫy nón và gọi, rồi hân hoan đón mọi người, tất tưởi la mắng nhau đưa cơm ra cho nhanh, rồi cười, rồi ôm nhau khóc vì thương, như đó là ruột thịt máu mủ.
Hay vừa rồi, xem clip thấy một thành niên người Quảng Bình cầm cả xấp tiền 500 ngàn, đón đoàn xe máy về quê, im lặng phát mỗi xe 1 tờ tiền, phát mãi, phát mãi thế, bà con có người quay được hình nhưng người thanh niên đó là ai, tên gì thì không biết.
Chị em phụ nữ, đoàn viên thanh niên Quảng Bình thay nhau vào từng làng, từng nhà, thấy quả bí xin quả bí, thấy quả mướp xin quả mướp, thấy nắm rau xin nắm rau góp lại để hỗ trợ cho các cơ sở cách ly tập trung thêm thực phẩm. Tôi cứ nghe đối thoại này mà ứa nước mắt: “ Mệ ơi, quả mướp nữa mệ ạ”-“ Ừ, cả giàn còn sót lại đó, lấy đi lấy đi”. Lấy đi, lấy đi, nhẹ nhàng vậy thôi, mình không ăn thì người khác ăn, mình chịu nhịn chút cho người khác ăn, lấy đi lấy đi, cuộc sống cho và nhận nhẹ nhàng vậy thôi trong sâu nặng nghĩa đồng bào.
Đừng phân tích, trách cứ hoặc ỉ ôi bà con tháo chạy về quê. Với người Việt mình, mảnh làng, cái nhà bố mẹ, tình làng nghĩa xóm nó sâu nặng khủng khiếp lắm, không quên được. Vui và làm ăn khấm khá thì tìm cách về quê, khoe, giúp bà con, nghèo túng, cùng quẫn thì cũng nhào về quê tìm chốn nương náu tạm thời, về đề khóc, để kể, để quàng tay bá chân an ủi, níu nhau cốc rượu, bữa cơm. Rồi sẽ trở lại thôi, họ sẽ trở lại thành phố kiếm việc, kiếm việc với số đông bà con nghèo đôi khi chỉ đơn giản là kiếm bữa cơm trắng thôi, dằn lưng từng đồng bạc cho con ăn học, khấm khá nữa thì về sửa lại, làm lại căn nhà cho mình ở quê, xây được bức tường nhà, quét chút vôi ve để mát mặt mát mày cha mẹ.
Còn nhiều lắm những hộ dân chưa vượt qua được bữa cơm trắng đâu.
Còn nhiều lắm những phận người gian nan.
Có điều này thì tôi cảm nhận ra, không hiểu vì sao, người nghèo lại rất phóng túng giúp đỡ nhau, giúp đỡ đến đồng bạc cuối cùng, hạt gạo cuối cùng cho bạn bè, bà con mình, không đắn đo.
Có điều này thì tôi nhận ra ở ngay chính Quảng Bình của mình, khổ mấy cũng lạc quan, lạc quan vô cùng, khổ mà vẫn hát, vẫn làm thơ. Khổ từ xưa rồi, từ xưa còn để lại những câu hát câu hò, đọc và ngẫm thấy thấm lắm, rất thấm và xúc động:
…”Chứ em hỏi anh nì/ Trong trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?/ Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?/ Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt?/ Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu?/ Em hỏi thì anh xin thưa: Trong trăm thứ dầu, nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp/ Trong ngàn thứ bắp, lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp không rang/ Trong vạn thứ than, than thở, thở than là than không quạt/ Trong triệu thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu”…
Đúng rồi, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu.
Nghĩ rộng ra trên cả nước, nhân dân ở đâu cũng vậy hết, sống bằng tình bằng nghĩa, căm ghét việc bạc tình bạc nghĩa.
Nhân dân đã sống hết nghĩa hết tình như thế với Tổ Quốc qua ngàn thế hệ, thì lãnh đạo cũng đừng bạc tình bạc nghĩa với nhân dân.
Lại ngân nga câu cuối: “Thương dân, dân lập bàn thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ, thối xương”.
Giới quan chức hành sự ở các cấp chính quyền hãy hành động, hãy ứng xử với nhân dân theo cách: Biết đưa hai tay nâng lên bát cơm trắng đến nhân dân mình. Bắt đầu là như thế thôi. Làm ra bát cơm trắng rồi nhưng còn phải nâng lên cho nhân dân. Vậy là NGƯỜI.
Nguyễn Quang Vinh