Có một Phái ‘chèo’

10:19 | 19/01/2022

Phái “Phố” được coi là định danh cho họa sĩ Bùi Xuân Phái hàng chục năm qua. Sắc màu của ông có nỗi ám ảnh phủ tràn qua lớp rêu phong của những mái ngói thâm nâu trong những con phố nhỏ. Đó là những gánh hàng rong trong mưa phùn gió bấc. Hay đó còn là chiếc xích lô lụi hụi đi trong đêm với ánh đèn le lói. Hoặc con phố vắng tịnh buồn đến nao lòng. Những con phố cổ Hà Nội làm nên đặc trưng với phong cách biểu hiện dịu dàng, thơ mộng và nặng trĩu tâm trạng của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tuy vậy danh họa này còn một mảng tranh nữa về Hà Nội mà sự ảnh hưởng nghệ thuật của nó không kém gì tranh phố. Đó chính là mảng hội họa về sân khấu chèo Hà Nội. Không gây sức tỏa sáng như tranh về phố nhưng họa sĩ Bùi Xuân Phái lại gây dư chấn cho người xem mỗi khi ngó tới tranh chèo của ông. Không buồn và thâm trầm như tranh phố mà câu chuyện ở chèo sắc màu Bùi xuân Phái thơ mộng hơn, tươi sắc với nhịp điệu rộn ràng. Và đôi khi đó còn là nụ cười.

Danh họa Bùi Xuân Phái cùng chân dung tự họa.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái làm quen với những làn điệu chèo như một sự tình cờ. Vì mưu sinh ông đã theo đoàn chèo Hà Nội để vẽ phông cảnh sân khấu. Đó là câu chuyện khởi sự của ông về nghiệp chướng cuộc đời mà ông thầm lặng kiếm cơm dưới ánh đèn màu. Đạo diễn Trần Hoạt là người đã đưa họa sĩ Bùi Xuân Phái vào làng chèo. Cho dù trước đó họa sĩ đã vẽ nhiều con phố rất phiêu diêu làm xao xuyến lòng người. Nhưng đó là những sáng tác mang cảm xúc nghệ sĩ và khó giao lưu trao đổi vào thập kỷ 60. Còn với sân khấu chèo đó là đồng tiền bát gạo sau khi họa sĩ từ kháng chiến về thủ đô. Người ta hay bàn về tranh phố của ông với hồn vía tâm linh qua những hòa sắc trầm buồn. Ngược lại với sân khấu chèo tranh của họa sĩ lại ẩn chứa những tâm trạng và suy ngẫm về cuộc đời. Sắc màu dân gian được xuất phát từ nội tâm nghệ sĩ đã đem lại tranh của ông có sự hòa đồng cộng cảm dạt dào sức sống. Đó là một thiên chức sáng tạo của họa sĩ Bùi Xuân Phái suốt mươi năm theo đuổi sàn diễn khi thì chèo, khi thì kịch nói và cải lương. Tranh của ông tập trung cho đời sống của những nghệ sĩ chèo Hà Nội qua nhiều cung bậc cảm xúc bao la và huyền ảo.

Điệu chèo quê hương.

Chèo là một bộ môn nghệ thuật dân tộc mang yếu tố ước lệ và cách điệu dân gian pha yếu tố trào lộng. Sự phong phú ấy trong bài trí và trang phục cũng như hóa trang đã làm cho Bùi Xuân Phái phát huy tối đa năng lực sáng tạo. Một tốc độ làm việc vật vã với từng đêm diễn và mỗi nhân vật. Người đạo diễn trình bầy một hệ thống kết nối tình tiết và hành động để kịch tính dâng cao làm bật lên chủ đề kịch bản. Đó là mạch ngầm dữ dội hay trữ tình của câu chuyện. Nhưng bên cạnh đó họa sĩ phải làm sáng bừng vẻ đẹp của kịch mục qua những sắc mầu trên sàn diễn. Họa sĩ còn thiết kế trang phục cho nhân vật. Mỗi vai một cá tính và phương thức trình diễn. Tất cả cần phải đẹp. Điều đó thuộc về họa sĩ Bùi Xuân Phái. Có thể nói ông là một trong những người đầu tiên thiết kế thời trang sân khấu chèo Hà Nội.

Chuẩn bị ra sân khấu.

Tuy vất vả hàng đêm cùng theo đoàn đi diễn đó đây nhưng họa sĩ Bùi Xuân Phái luôn quan sát đời sống của các nghệ sĩ để vẽ. Đó là những đào, kép và người chuyên đóng những vai phụ như hề gậy, hề mồi, lão say…Ông luôn ngồi sau cánh gà bên cạnh gian phòng ngăn cho nghệ sĩ thay trang phục hay tô son điểm phấn. Nơi đó chính là đời sống thật của mỗi nghệ sĩ được bày tỏ trước khi bước ra sân khấu để đóng các vai ông hoàng bà chúa. Do quan sát tinh tế bằng những ký họa và những sáng tác khá nhanh nên bức tranh nào của Bùi Xuân Phái cũng luôn ấm nóng sự đời. Có tiếng thở dài qua tranh ông. Cũng có những niềm vui và sự tất bật của đời người phả lên tranh ông tươi rói. Phải nói đây là dịp may hiếm có đã tạo nên cảm quan và trực giác độc đáo cho họa sĩ Bùi Xuân Phái. Những trải nghiệm thực tế ngay cả trong bóng tối cũng đem lại cảm xúc bồi hồi qua tranh làm ám ảnh lòng người.

Sắc mầu của họa sĩ vì thế mà cũng đậm chất dân gian qua những bảng màu cơ bản vàng, xanh, đỏ, trắng. Chúng đua chen giăng mắc với biết bao khắc họa qua gần 200 làn điệu chèo. Khác với tranh phố ông thường vẽ không có người còn tranh chèo lại chủ yếu mô tả nét thần thái của những chân dung. Đó là sự vật lộn của cuộc sống nghệ sĩ trước giờ bước ra ánh đèn nghệ thuật. Có những bức vẽ nghệ sĩ đang trong giờ hóa trang. Họ bất ngờ thần người khi chợt nhớ ra điều gì còn dở dang. Lại có bức vẽ cô đào đang ngắm gương với nét tươi thắm diễm lệ nhưng không giấu được khóe mắt buồn sâu lắng trong lòng. Hoặc có bức anh hề đang tập trung vai diễn nhưng lại để lộ tâm trạng nhớ nhung rầu rĩ. Trước khi bước ra sân khấu gây cười cho khán giả họ cần giấu nhẹm đi sự sầu muộn của cuộc đời. Họ đã cất tiếng hát phơi phới với làn điệu bay bổng đem lại sự hưng phấn cho khán giả. Nhưng ai biết đâu người nghệ sĩ đang khóc trong tâm can. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã chớp được những giây phút đó và ông vẽ. Họa sĩ đã làm bật ra tiếng lòng của cuộc đời thực còn vấn vương qua tiếng cười và ánh mắt của nghệ sĩ. Đó chính là thời khắc quý báu khi họa sĩ sáng tác.

Nét đặc sắc của tranh chèo Bùi Xuân Phái còn ở chỗ tạo nên những đường nét run rẩy và những vết xước của màu trên bức tranh. Khi thì hóm hỉnh hồn nhiên. Hoặc lại có lúc xao động vấn vương. Đâu đó có nét mỉm cười qua vóc dáng và gương mặt nhòa đi trong bóng tối. Với nét đặc trưng ước lệ và cách điệu của nghệ thuật chèo cũng được nhập thần vào những bức tranh của Bùi xuân Phái. Đó là những đường viền gãy đột ngột hay nhưng vết xước tự nhiên làm cho tác phẩm biến thành những nhịp điệu sắc mầu ẩn hiện rất phiêu linh. Chính vì lẽ đó khi ta xem bức dàn nhạc công đang biểu diễn mà như họ đang bay trong không gian thánh đường nghệ thuật. Ở đó nhưng làn điệu được cất lên và âm thanh hội làng réo rắt bay bổng. Đâu đây những chàng trai cô gái gọi nhau về hội làng. Tiếng cô gái ngọt ngào dặn bạn: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoan xoan lớp lớp rung rơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay” (Nguyễn Bính)

Dàn nhạc công chèo.

Tranh chèo của Bùi Xuân Phái nghe như có tiếng đàn, sáo nhị vang lên vì lẽ đó. Nhịp điệu của sắc màu đậm chất dân gian và sinh động của tranh đã làm nên hiệu ứng bất ngờ cho người xem. Nhiều tranh của ông vẽ người nhưng không chú ý diễn tả khuôn mặt hoặc những chi tiết quá cụ thể. Ông ưu tiên cho diễn tấu về sắc màu giàu sức biểu cảm. Thậm chí có những bức tranh tưởng như nhân vật đã bước ra khỏi khuôn hình mà cất lên tiếng lòng ai oán trong lòng. Ở đây câu hát “Quân tử phu dịch” trong vở chèo Lưu Bình-Dương lễ được cô đào cất lên não nuột rằng: “Em chẳng dám quên ai. Những ưu phiền đôi lứa tưởng những lúc chiều Đông tựa cửa. Ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng…”.

Sau cánh gà sân khấu và trong phòng thay đồ.

Đặc biệt những hình tượng “Nude” trong cảnh thay quần áo của nữ diễn viên trong đêm tối đã để lộ ra nét kỳ thú của vóc dáng huyền ảo gợi cảm hồn nhiên nhưng rất kín đáo. Phải chăng đó là nét thần giao cách cảm của người xem mỗi khi thưởng thức tranh chèo của ông. Đó cũng là nét bí ẩn trong bộ tranh chèo của Bùi Xuân Phái. Vậy nên có nhà chuyên môn còn đặt cho ông thêm cái tên Phái “chèo” bên cạnh Phái “phố”. Một “Song kiếm hợp bích” mà không mấy ai được hòa nhịp trong vũ điệu sắc màu bay xa như ông- họa sĩ Bùi Xuân Phái.

HNM CT Nhâm Dần (2022)

Vương Tâm

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng