Thật may mắn, thời kỳ làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi đã có dịp về làng Quỳnh – cách nói tắt về làng cổ Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Một làng nhỏ chỉ 5.000 nhân khẩu mà có gần trăm nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo “Báo chí học!”.
Ngày đó, dưới ánh trăng rằm tôi được nghe thân mẫu nhà báo Hồ Quang Lợi kể chuyện về bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nghe bà hát ví, đọc vè và ngâm thơ – cả một bài thơ dài về làng Quỳnh từ thời các bậc tiền bối về đây dựng làng, hơn 600 năm có lẻ. Chuyện đã lâu mà đến lúc này tôi vẫn da diết đến lạ, nhớ về một làng cổ văn hóa đặc biệt!
Tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 48 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam điện thoại báo tin cho tôi, anh và các đồng nghiệp đang về Quỳnh Đôi.
Bốn tháng trước, đầu tháng 12/2022, Hồ Quang Lợi và gần chục nhà báo, nhà văn quê ở làng Quỳnh cùng một lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về đây dâng hương, đúng dịp UNESCO quyết định vinh danh kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ tài hoa – bà chúa thơ Nôm Việt Nam sinh ra tại làng Quỳnh. Dịp đó nhà báo Hồ Quang Lợi được quê nhà tặng cuốn sách quý, tập thơ của Hồ Xuân Hương với lời đề tặng: “Vạn đại vi dân”!
Sinh hoạt văn hóa là nét đẹp của Quỳnh Đôi.
Để hiểu hơn về làng Quỳnh, tháng 4 lịch sử này tôi đã tìm đọc một loạt sách mới, đều là các tác giả quê làng Quỳnh viết: Tự truyện “Khoảng khắc & cuộc đời” của cựu Tổng Giám đốc đài Truyền hình Việt Nam Hồ Anh Dũng; “Cuốn gia phả bị thất lạc” của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu; “Thiên thu định luận” của Thanh Đạm – Hoàng Nhật Tân; “Phong thủy đất Quỳnh Đôi” của Lê Trọng Ngạch; tiểu thuyết lịch sử “Tể tướng Hồ Sỹ Dương” của nhà văn Hồ Ngọc Quang. Đó là những tác phẩm quyện chặt chất ký sự và văn học.
“Cuốn gia phả bị thất lạc” là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, theo Tiến sĩ Hồ Bất Khuất đó là câu chuyện của làng cổ văn hóa Quỳnh Đôi, nơi được coi là “Nam Thanh – Bắc Nghệ”; trên mỗi trang sách người đọc có thể chỉ đích danh các nhân vật của làng Quỳnh bằng da bằng thịt, dù tác giả đã thay tên mới các nhân vật.
Một làng Quỳnh hiện hữu, thấm đẫm chất văn hóa thâm thúy mà sâu sắc, bi hùng của đại Việt. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu – con trai nhà cách mạng Hồ Viết Thắng (Hồ Sĩ Kháng), một học trò của Bác Hồ, sinh thành trong gia đình yêu nước, cách mạng. Nhiều đứa con – hòa vào các nam thanh nữ tú làng Quỳnh hành quân vượt Trường Sơn ra trận đánh giặc, góp sức cùng dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất, Hồ Viết Thắng (và một số cán bộ cao cấp) bị kỷ luật, nhưng ông đã nêu tấm gương sáng đức độ, sống tử tế, tận trung, tận hiếu.
Các sỹ phu xưa có lời bình: Bắc Hà Hành Thiện/ Hoan Diễn Quỳnh Đôi, có nghĩa là: Xứ Bắc Hà có làng Hành Thiện ở tỉnh Nam Định, miền Châu Hoan, Châu Diễn (Xứ Nghệ) có làng Quỳnh Đôi. Hành Thiện và Quỳnh Đôi hiếu học, đất văn hóa có nhiều người thi cử đỗ đạt cao, địa linh nhân kiệt, nhiều người tài. Cuối đời Trần vào năm thứ hai Trần Phế Đế – năm 1378, cách đây hơn 6 thế kỷ, ba cụ tổ là Hồ Hồng, Nguyễn Thạc, Hoàng Khánh đến nơi đây khai cơ lập ấp, dựng làng, đặt tên là Thổ Đô trang.
Năm 1528 cụ Hồ Nhân Hy, một võ quan thời vua Lê – nhà Mạc đổi tên Thổ Đôi trang thành Quỳnh Đôi – Viên ngọc đỏ tươi. Quỳnh Đôi có cụm di tích văn hóa – lịch sử đậm đặc các nhà thờ, như nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích; nhà bia tưởng niệm nữ thi sỹ, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương; lăng mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu; bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan; nhà thờ ba dòng họ lập nên làng Quỳnh: Hồ, Nguyễn, Hoàng.
Nói đến làng cổ văn hóa Quỳnh Đôi là nói đến cái nôi sản sinh ra nhiều chí sỹ, anh hùng trận mạc. Các tiền bối yêu nước lập nên triều đại Quang Trung; Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là con trai của cụ Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng. Quỳnh Đôi còn sản sinh các danh nhân như Văn Đức Giai, Hồ Bá Ôn, Hồ Bá Kiện, Trần Thị Trâm, Hồ Ngọc Lãm, Hồ Tùng Mậu, Hồ Sỹ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Đống, Hồ Xuân Hương, Phan Hữu Tính, Dương Doãn Hoài, Phạm Đình Toái.
Quỳnh Đôi là quê hương của nhà thơ Hoàng Trung Thông, giáo sư Phan Cự Đệ, PGS.TS nhà giáo Văn Như Cương, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), nhà sử học Hoàng Nhật Tân, các chính khách Hồ Viết Thắng, Hồ Đức Việt, Hồ Anh Dũng, Hồ Đức Phớc, các nhà văn Hồ Sỹ Hậu, Hồ Anh Thái, Hồ Ngọc Quang, nhà báo nhà thơ, Thiếu tướng Hồ Anh Thắng; nhà báo nhà văn Hồ Quang Lợi là một trong những cây bút bình luận thời cuộc uy tín của báo chí đương đại…
Thời kỳ nho học, Quỳnh Đôi có 757 người đỗ đạt cao: Tú tài 539, cử nhân 205, phó bảng 6, tiến sỹ 7. Một số tài liệu khác thống kê có 12 tiến sỹ. Sau Cách mạng Tám năm 1945, Quỳnh Đôi có hơn 1.000 cử nhân, bác sỹ, kỹ sư; 52 thạc sỹ, 55 tiến sỹ, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư, 3 viện sỹ thông tấn.
Lịch sử phát triển họ Hồ (cũng như nhiều họ tộc khác) đều gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc từ kỷ nguyên đầu độc lập, tự chủ. Gia tộc họ Hồ tồn tại lâu đời, con cháu ngày càng đông đúc, phồn thịnh, tỏa đi nhiều nơi, nhiều người trong dòng họ di cư đến những vùng đất mới trong và ngoài nước lập nghiệp. Bà Rịa – Vũng Tàu, đất Mô Xoài xưa in đậm dấu ấn của không ít cư dân làng Quỳnh – họ Hồ tụ hội.
Các nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa khẳng định: “Có 2 làng Quỳnh, làng Quỳnh tại chỗ và làng Quỳnh ngoài làng Quỳnh”. Nhà thờ họ Hồ gần ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn bề thế gắn bó với miền Đông Nam bộ còn lưu giữ bài thơ “Nhớ nguồn”, từ thời mở cõi, trong đó có 2 câu: “Rời Nghệ, xa quê tìm chỗ đứng/ Bỏ Quỳnh, theo chúa hộ người đi!”.
Chỉ nêu một vài dẫn chứng (trong rất nhiều dẫn chứng) tiêu biểu về các danh nhân họ Hồ có nguồn gốc từ làng Quỳnh Đôi. Hồ Tùng Mậu là trưởng nam của cụ Hồ Bá Kiện – một chí sĩ nổi tiếng của phong trào Cần Vương. Hồ Tùng Mậu xuất dương, cùng một số người cùng chí hướng lập ra “Tâm Tâm xã” ở Quảng Châu, Trung Quốc; ông trở thành chỗ dựa và cánh tay phải của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập “Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội”, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1931, Hồ Tùng Mậu là người đầu tiên phát hiện Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt tại Hương Cảng, ông đã vận động luật sư Lodobi can thiệp bào chữa cho Người được trả tự do. Đến nay có nhiều nhà nghiên cứu, các cứ liệu lịch sử cho thấy Hồ Chí Minh, thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc có gốc rễ sâu xa với dòng họ Hồ tại Quỳnh Đôi. Tên gọi hai tiếng Bác Hồ rất được tôn kính đối với triệu triệu người Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài, với bạn bè quốc tế.
Hồ Chí Minh dành cho nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu tình cảm thật gần gũi, thân thiết, sự quý mến đặc biệt. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác Hồ Tùng Mậu bị máy bay Pháp ném bom sát hại. Nhân dân cả nước đau lòng, thương tiếc, ngày 1/8/1951, Hồ Chí Minh tự tay viết thư – Bài điếu Hồ Tùng Mậu có đoạn viết: “Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình riêng: tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân… Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi…” (HCM Toàn tập, tập 6, trang 272 – NXB Chính trị Quốc gia, năm 1995).
Phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống lịch sử – văn hóa, cần cù, hiếu học, Quỳnh Đôi đã và đang xây dựng quê hương của mình giàu đẹp, nghĩa nặng tình sâu, một vùng làng quê đáng sống. Năm 2020, Quỳnh Đôi là xã duy nhất đầu tiên của tỉnh Nghệ An trở thành xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.
Tháng Tư lịch sử nhớ về làng Quỳnh. Tự hào thay, làng cổ văn hóa Quỳnh Đôi, cùng nhiều làng cổ khác góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, tô đẹp nền văn hóa Việt đậm đà bản sắc dân tộc, kiên trung, bất khuất, nghĩa khí trong chiến đấu đánh giặc ngoại xâm; trí tuệ, thông minh, sáng tạo, tài hoa trong lao động xây dựng cuộc sống mới!
Tháng 4/2023.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/co-mot-lang-quynh-nhu-the-post244311.html