Như trong bài viết trước trên Văn hiến Việt Nam đã truyền tải nội dung tới bạn đọc. Nay để hiểu rõ hơn về việc “người có công phát hiện, dịch nghĩa và qui tập 41 sắc phong vua ban” tại Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp tục các thông tin liên quan tới vấn đề này. Dưới đây là một trong những nội dung trong quá trình thực hiện làm sáng tỏ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương…
Ảnh Chùa Am năm 2006 do Nhà báo Trần Đức Thọ chụp tại Chùa.
Trong chuyến về thăm và nghiên cứu tại Hà Tĩnh tháng 4/2006, đoàn của Nhà báo Trần Đức Thọ và Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Trường Tiến cùng nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp và các thành viên trong đoàn quay trở lại Chùa Am thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi quay trở lại, nhà báo Trần Đức Thọ gọi điện thoại cho một số người dân xã Ân Phú sang Chùa Am để giúp khi có việc cần đến. Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà báo Trần Đức Thọ đã gọi điện cho anh Trần Hồng Dần – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ để đề nghị anh Dần hỗ trợ, giúp đỡ việc tìm hiểu, nghiên cứu tại Chùa Am.
Ông Hiếu là người có mái tóc bạc đang cùng đoàn chụp ảnh các sắc phong. Các bản sắc phong được chụp bằng máy ảnh Olympus 4.1, loại máy ảnh kĩ thuật số hiện đại của Nhật Bản vào thời điểm 2006 (ông Hiếu nay đã mất, người cầm bản sắc phong là ông Trần Văn Thơ hiện đang sinh sống tại Thôn 3, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).
Anh Trần Hồng Dần là giám đốc bảo tàng của tỉnh, nhưng cũng chính là người của quê hương có ngôi Chùa Am lịch sử. Nhận điện thoại của anh Thọ, anh Dần đã giới thiệu cho đoàn gặp ông Hiếu nhà gần cổng Chùa Am, ông Hiếu là cán bộ huyện Đức Thọ nghỉ hưu và thời điểm đó ông Hiếu đang cầm chìa khóa quản lý Chùa Am, ông Hiếu đã tận tình mở cửa Chùa và cùng đoàn nghiên cứu chụp ảnh toàn bộ 41 bản sắc phong ngay tại cửa Chùa (nay bác Hiếu đã mất).
Một bản sắc phong được chụp tại Chùa Am 2006
Nói về anh Trần Hồng Dần giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh nhà báo Trần Đức Thọ cho biết: “Anh Trần Hồng Dần là người yêu trọng văn hóa, anh có công lao rất to lớn trong việc hỗ trợ và cung cấp thông tin cho tôi thực hiện loạt bài về Chùa Hương Tích của Hà Tĩnh mà sau này được dư luận cả nước quan tâm, cả nước biết về Chùa Hương gốc là ở Hà Tĩnh. Đối với 41 sắc phong ở Chùa Am anh Dần cũng là người có công rất lớn ở đây, đó là từ năm 1994 anh Dần đã tiến hành lập hồ sơ để trình tỉnh đề nghị Chùa Am là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, trong hồ sơ ngày đó anh Dần đã nói đến tại Chùa Am có 41 bản sắc phong. Tuy nhiên, lúc đó không có người nghiên cứu và dịch nghĩa nên anh Dần cũng chưa biết cụ thể nội dung các sắc phong đó là gì. Và lúc đoàn chúng tôi về tìm hiểu Chùa Am thì anh Dần cũng chưa nói cho tôi biết tại Chùa có lưu giữ các sắc phong, chỉ khi tôi gọi điện thoại thông báo về phát hiện này thì anh Dần cho biết năm 1994 đã nhắc đến trong hồ sơ rồi. Sau này tôi đưa ra Viện Hán nôm dịch mới biết nội dung cụ thể các di sản quí giá này. Khi Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 kết thúc và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm Hà Tĩnh tôi và anh Dần là hai anh em cùng trong đoàn đi phục vụ và chụp ảnh đoàn của Tổng Bí thư tại xã Tùng Ảnh, anh Dần còn cung cấp cho tôi cuộn phim chụp về chuyến công tác đặc biệt này… ”.
Chiếc máy ảnh Olympus 4.1 sử dụng từ năm 2000 đến nay Nhà báo Trần Đức Thọ vẫn bảo quản cẩn thận, loại máy ảnh kĩ thuật số này khi sử dụng ảnh thì các bản ảnh luôn hiện lên thông số kĩ thuật của máy như là một dấu tích về lịch sử.
Như vậy, chuyện một người dân quê ở Ân Phú được cho là “người có công phát hiện” ra sắc phong là một sự mạo nhận. Kể cả lý do gọi là “thời điểm” hoặc cho rằng “một trong những người có công” cũng là bao biện cho sự mạo nhận nguy hại về văn hóa. Trong đó, việc “mạo nhận” trong lĩnh vực văn hóa và lịch sử là hết sức tối kỵ. Với 41 bản sắc phong hiện lưu giữ tại Chùa Am được mang đi lại cho rằng được “qui tập” càng trở nên vô nghĩa và bộc lộ nhiều vấn đề(?). Theo từ điển Việt Nam thì qui tập là “tìm kiếm để tập hợp về một chỗ”, vậy sắc phong đang được lưu giữ tại Chùa Am thì đi tìm kiếm ở đâu để tập hợp về Ân Phú?
Một sắc phong được Nhà báo Trần Đức Thọ chụp ảnh lại ngay tại Chùa Am.
Sắc phong là một loại di sản văn hóa độc đáo, theo đó muốn di chuyển di sản văn hóa này ra khỏi một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh trở lên theo Luật Di sản thì phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây và nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vậy đường đi của 41 di sản văn hóa độc đáo này dẫn đến mạo nhận gây mất trật tự trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sẽ được Văn hiến Việt Nam tiếp tục đề cập và làm rõ.
TRẦN VŨ HOÀNG – NGỌC TRÂM (VPĐD Văn hiến Việt Nam tại Hà Tĩnh)