Chuyện nhà họ Tấn

13:53 | 12/05/2022

Khu mộ dòng họ Tấn tọa lạc ở vị trí có lẽ đắc địa nhất nghĩa trang làng Mụ. Ấy là nghe ông Thống Bệ thầy cúng phán vậy, chứ nhiều người vẫn bán tín bán nghi. Đất nào chả là đất, nói vậy thì biết vậy chứ có căn cứ khoa học nào đâu. Nhưng khách quan đánh giá, khu mộ họ Tấn có địa thế đẹp thật. Lưng tựa đê cao vững chắc, mặt hướng ra sông Cái, mát mẻ quanh năm. Người ta đồn thế đất thiêng lắm, ai được chôn ở đó con cháu được âm phù dương trợ, vượng phát tấn tới, rạng rỡ đến mấy đời.


Minh họa: Lê Trí Dũng.

Họ Tấn sống có tôn ti, chết cũng theo trật tự. Ai được nằm trong khu này phải do hội đồng dòng họ xem xét, căn cứ uy tín, đạo đức, công trạng để quyết định. Vị nào sống vô đạo đức, mất đoàn kết, vô trách nhiệm với họ tộc, đừng có mơ được chôn trong khu này.

Sau Tết Nguyên tiêu, cụ Tấn Phong trưởng họ triệu tập họp hội đồng họ bàn mấy việc, nhân thể xem xét sắp xếp cho cụ Tấn Văn Thanh một suất trong khu mộ của dòng họ. Cụ Phong chậm rãi:

– Anh Liêm, con trai cả cụ Thanh có đơn gửi hội đồng xin bố trí phần đất hậu sự cho bố. Cụ Thanh đã trên tám chục, cũng yếu rồi. Ta cứ chuẩn bị trước. Kẻo…

Ông cụ Thảo ở chi thứ hai góp lời:

– Có phải cụ Thanh xưa làm Phó Chánh án Tòa án huyện không? Cụ này hồi đương chức nổi tiếng thanh liêm, xử án giỏi, mấy lần được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương. Họ Tấn ta danh giá, nhiều người tài đức ra phết, các cụ nhẩy?

Cụ Tảo, trưởng chi thứ ba thì trầm ngâm:

– Nhà này thì tôi tường. Cụ Thanh sinh con muộn, được hai anh con trai. Anh lớn tên Liêm nối gót cha làm Thẩm phán Tòa án huyện, anh thứ tên là Chỉnh làm công ty xuất nhập khẩu trên thành phố. Gia đình này đóng góp cho họ, cho làng cũng tích cực. Tôi thấy cụ xứng đáng, nên đưa vào trong khu.

Đa phần các cụ trong hội đồng đều tán thành. Bỗng ông Tiễn, trưởng chi thứ tư, hắng giọng:

– Tôi thấy cần xem xét kỹ. Cụ này hồi đương chức chẳng giúp được gì cho họ tộc. Mà toàn những việc trong tầm tay cả chứ đâu phải đi xin xỏ, chạy chọt gì ai…

Cụ Phong cắt ngang: “Ông nói rõ ra xem. Vụ gì mà không giúp?”.

Ông Tiễn cao giọng:

– Đây! Tôi chỉ nói một việc nhỏ, xảy ra lâu rồi nhưng vẫn phải nói. Thằng cháu nội con thằng út nhà tôi, nghe bạn bè rủ rê, dại dột ngồi chơi tá lả ăn mấy đồng lẻ. Công an bắt rồi đưa ra tòa xử. Bố nó lặn lội lên huyện có nhời với cụ Thanh, xin cho án treo, thế mà cụ ấy vẫn tuyên nó 6 tháng tù giam.

Cụ Tảo đế vào:

– Tội đánh bạc rành rành, lại đúng dịp áp Tết! Người ta tuyên án theo luật, oan uổng nỗi gì. 6 tháng là còn ít đấy ông ạ!

Ông Tiễn nóng mắt:

– Có tội?! Có tội mới phải nhờ vả chứ lỵ… Quyền hành trong tay, chẳng giúp gì họ hàng, có phải là vô trách nhiệm với dòng họ không?

Mọi người im lặng. Được thể, ông Tiễn tiếp:

– Lại còn cái vụ ly hôn giữa thằng Tíu, con ông cả Cần ở nhánh thứ hai chi họ tôi, với con vợ người làng khác. Cụ Thanh cũng chia tài sản cho con vợ nó bằng phần chồng. Mà thằng Tíu cũng đã trực tiếp gặp cụ Thanh đặt vấn đề ưu ái cho nó khi chia phần căn nhà ở xóm Bến. Đấy, cụ ấy có vì người trong họ đâu? Các cụ xem, người ta “một người làm quan, cả họ được nhờ”, còn họ Tấn nhà mình…

Cụ Tấn Phong ôn tồn:

– Dưng mà đấy là chuyện đời xửa đời xưa rồi!

Ông Tiễn nóng mắt:

– Một đời làm quan tòa, rặt đi bênh vực người dưng, không biết bảo vệ danh dự, quyền lợi cho người trong họ. Tôi là tôi không đồng ý đưa cụ Thanh vào khu mộ dòng họ đâu!

Ông Mài, trưởng nhánh thứ hai của chi thứ ba, từ đầu ngồi im lặng, giờ mới giơ tay xin nói:

– Cụ Thanh xử án đúng hay sai, cái ấy ta không có đủ trình độ pháp luật để bàn. Dưng mà chuyện cụ Thanh xử án không vì dòng họ thì đã rõ như ban ngày. Đến đời anh Liêm cũng “cha nào con nấy”, chẳng vì họ hàng mà ưu tiên gì sất. Tôi xin đơn cử thêm một trường hợp: Thằng cháu ngoại nhà tôi đi hát karaoke ở thị trấn, không rõ mâu thuẫn thế nào với bạn mà chót dùng gậy đánh thằng kia bị thương. Ra tòa, anh Liêm chủ tọa phiên xử, thẳng tay tuyên nó 18 tháng tù vì tội cố ý gây thương tích. Mà bố nó cũng đã có nhời với anh ta trước rồi chứ đâu phải phó mặc gì.

Cụ Tấn Phong cắt lời:

– Thôi thôi! Tóm lại các cụ có đồng ý hay không? Các cụ lôi ra rặt chuyện cờ bạc, ly hôn, đánh nhau rồi hầu tòa… Nẫu ruột, nhức óc quá!

Ông Mài cười xòa:

– Cha con họ đều vô trách nhiệm với dòng họ, dĩ nhiên là tôi không đồng ý!

***

Sau tiết Thanh minh, cụ Phong dẫn theo mấy cụ trong hội đồng họ bắt xe tuyến lên huyện, tìm đến nhà cụ Thanh. Sau màn chào hỏi, cụ Phong đưa cho cụ Thanh tờ giấy: “Kính cụ! Đây là thông báo của hội đồng họ về việc đất đai mộ phần trong khu, họ đã nhất trí dành một phần đất đẹp trong khu cho cụ rồi đấy”… Cụ Thanh cảm động:

– Cảm ơn các cụ! Dưng mà tôi đã chết đâu mà đất với đai. Quan trọng là lúc sống, chứ chết rồi nằm dưới ba tấc đất, chôn đâu chả được. Nếu trong khu chật chội khó khăn, để tôi nằm chung với dân làng trong nghĩa trang cho ấm áp, rặt người làng Mụ ta chứ có xa lạ gì.

Cụ Tấn Phong hạ giọng:

– Còn một việc này, xin thưa nốt với cụ. Một giọt máu đào hơn ao nước lã! Cụ nghỉ hưu đã đành, nhưng còn anh Liêm. Hội đồng họ mong cụ bảo ban anh Liêm xử án nên nghiêng phần có lợi cho người trong họ. Dù lợi một phân, một ly cũng là cái phúc lớn của họ Tấn ta rồi…

Đột nhiên nét mặt cụ Thanh trở nên nghiêm nghị:

– Ơ hay! Đời thuở nhà ai cha lại xui con sống không công bằng, xử lý thiên vị, hả các cụ? Dạy con thế, sao tôi yên tâm nhắm mắt được!

– Nhẽ xưa nay “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Họ Tấn chỉ mong cháu Liêm giơ cao đánh khẽ, nghiêng phần lợi cho người trong họ thôi…

Nghe cụ Phong phân trần, cụ Thanh lại tròn mắt:

– Có đời thuở nào tòa án và pháp luật lại có quy định riêng, có ngoại lệ khi xử lý người họ Tấn vi phạm?!… Tòa án phải công bằng chứ!

Mấy cụ đuối lý, nháy nhau xin phép ra về.

***

Ba tháng sau, làng Mụ hay tin cụ Tấn Văn Thanh “đi xa”.

Nghe ông Tiễn hớt hải báo tin, cụ Phong đôn đáo phân công con cháu trong họ mỗi nhóm một việc. Thanh niên lo đào huyệt, dựng rạp. Phụ nữ chuẩn bị cờ phướn, vàng mã. Cụ Thanh có nhẽ làm quan to nhất làng Mụ nên tang lễ phải hoành tráng, trong làng ngoài xóm phải kính nể.

Cụ Phong còn vời thầy cúng Thống Bệ đến căn dặn: “Cụ Thanh ăn cơm nhà nước từ trẻ, tân tiến lắm! Ông cứ viết bài cúng chữ quốc ngữ theo lối mới, đọc cho dễ hiểu”. Ông Thống Bệ búng ngón tay: “Dào! Chuyện nhỏ! Tôi còn viết sớ bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh ấy chứ. Cũng nhờ cái anh gu-gờ-le, tất tật có hết”.

Hý hoáy tầm mươi phút, ông Thống Bệ hoàn thành bài văn cúng. “Đây! Xong! Cảm động lắm! Vong linh cụ Thanh cứng rắn mấy cũng phải mủi lòng”. Rồi ông hắng giọng, đọc thử:

“Ô hô! Chân linh cụ Tấn Văn Thanh! Hồn siêu phách lạc, nhanh nhanh tìm về/ Nhang thơm, muối biển, gạo quê/ Ngôi cao, đất sạch, đề huề trăm năm/ Mấy lời căn dặn trối trăng/ Việc đời, việc đạo thẳng băng mà làm/ Tấn Văn Liêm nhớ nghe con/ Pháp đình xử án nhớ nghiêng họ hàng/ Nhất thời phạm tội, cưu mang/ Phúc phần họ Tấn ngày càng hiển vinh…

Than ôi! Cụ Tấn Văn Thanh! Phù cho con trưởng công thành, toại danh/ Nhang thơm, nến đượm, lòng thành/ Khôn thiêng mong cụ rẽ rành bảo ban/ Con trai cả Tấn Văn Liêm/ Lời thiêng cha dạy hằng đêm tạc lòng…

Than ôi! Âm dương cách trở, đường sá xa xôi. Ngàn thu bái biệt! Bái biệt, bái biệt, bái biệt!”.

Sắp đến giờ hạ huyệt, vẫn chưa thấy bóng dáng xe tang từ huyện về. Ông Thống Bệ tay cầm giấy, miệng làu bàu: “Hiệp đồng tác chiến lộ cộ quá. Muộn giờ hạ huyệt, trùng tang thì chết cả nút!”. Quá sốt ruột, cụ Phong sai thằng cháu bấm máy điện thoại trực tiếp nói chuyện với anh Liêm.

– A lô, Liêm hả! Xe đòn đi chưa vậy? Sao muộn thế, cháu?

– Dạ, cụ Phong đấy ạ! Xe đòn nào ạ?

– Liêm đấy phải không? Xe đòn đưa tang về nghĩa trang ý?

– Dạ, xe tang nào hả cụ? Cụ thiêng thế, bố cháu vừa nhắc đến cụ. Sáng nay bố cháu đi kiểm tra sức khỏe, bệnh tình tạm ổn định ạ…

– Ối! Vậy bố cháu không sao hả?

– Vâng! Bố cháu mấy hôm nay khỏe lên. Mà cụ hỏi xe đòn nhà ai ạ?

Cụ Phong giật bắn người như bị điện giật. Một lát, như chợt nhớ ra điều gì, cụ Phong tái mặt, giận dữ gầm lên: “Á à! Thôi đúng rồi! Cha con nhà ông Tiễn đâu? Ra đây cho cả họ tra hỏi đầu đuôi rành rẽ xem nào? Cái đồ ăn không nói có, bịa đặt ác hiểm rồi trời đánh thánh vật cho mà xem. Người ta vẫn sống sờ sờ ra đấy, sao dám dựng chuyện, rủa người ta chết sớm hả?”.

Thì ra, do để bụng thù tức cụ Thanh từ hồi thằng cháu bị xử tù giam vì tội đánh bạc làm nhỡ mất kỳ thi đại học năm ấy nên cha con ông Tiễn rắp tâm trả thù. Biết cụ Thanh đã ngoài tám mươi như ngọn đèn trước gió, cha con ông Tiễn bèn tung tin cụ Thanh mất, báo cho trưởng họ. Cụ Phong lại quá tin cha con ông Tiễn nên không liên lạc gì với anh Liêm con trưởng cụ Thanh, cứ thế điều hành con cháu trong họ chuẩn bị tang lễ.

Ông Thống Bệ thầy cúng thì than vắn thở dài:

– Cụ Thanh thật bách khổ! Sống thì hứng trăm lời trách móc, thù hận của họ tộc. Lúc cao niên chuẩn bị sang thế giới bên kia thì cả họ xúm vào nhiếc móc, nâng lên đặt xuống chỉ vì mấy mét đất hậu sự. Rõ thật là “ở sao cho vừa lòng người”! Rõ khổ!

 

Theo Nhịp sống HN

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/826637/chuyen-nha-ho-tan

Video hay


Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam