Chuyện Mạnh Tông được mẹ giáo dục thành người tài đức

15:45 | 22/02/2022

Thời cổ đại “giúp chồng, dạy con” vừa là trách nhiệm, vừa là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh của một người phụ nữ trong gia đình. Những người mẹ trí tuệ thời xưa vô cùng chú trọng đến việc bồi dưỡng phẩm đức và tri thức cho con cái. Bởi vậy không ít vị quan tài đức, thanh liêm chính trực, được người đời ca ngợi, chịu ảnh hưởng từ cách giáo dục của người mẹ. Dưới đây là phương pháp dạy con của mẹ Mạnh Tông.


Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain.

Mạnh Tông tự là Cung Vũ, người huyện Giang Hạ (huyện Hiếu Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay). Vì tên tự của Hoàng đế thời mạt Ngô là Nguyên Tông, nên về sau Mạnh Tông đã đổi tên mình thành Mạnh Nhân. Ông xuất thân nghèo khổ, về sau làm quan đến chức Tư không cho nước Ngô, là trọng thần của nhà Ngô thời Tam Quốc, nhiều lần đảm nhiệm chức quan hiển hách.

Mạnh Tông là người con hiếu thảo nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Trong “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu thảo), có điển cố “Khóc đến khi măng mọc”, điển cố này chính là kể về tấm gương hiếu thảo của Mạnh Tông. Chuyện kể rằng giữa mùa đông, Mạnh Tông vì không có măng cho mẹ đang bị bệnh ăn nên đã khóc rất thảm thương ở bụi tre, khiến trời đất cũng thương tình mà cho măng mọc. Mạnh mẫu chính là người quan trọng nhất trong cuộc đời Mạnh Tông, mọi hành vi của ông đều noi theo gương của mẹ, là kết quả từ sự tận tâm chỉ dạy của mẹ ông.

Ngay từ khi Mạnh Tông còn nhỏ, Mạnh mẫu đã bắt đầu tiến hành dạy dỗ một cách nghiêm khắc đối với con trai. Thuở nhỏ, Mạnh Tông được mẹ gửi đến vùng Nam Dương, theo học học giả Lý Túc. Trước khi Mạnh Tông đi học, mẹ ông đã đặc biệt may vội cho con một tấm chăn rất dày và rộng. Hàng xóm nhìn thấy cách làm này, không sao đoán được dụng ý của bà, chỉ cảm thấy kỳ lạ khó hiểu. Họ tò mò hỏi bà: “Con còn nhỏ, sao bà làm tấm chăn lớn thế?”

Mạnh mẫu nói với mọi người rằng: “Con trai của tôi không có phẩm tính gì đặc biệt nổi trội để có thể được nhiều bạn kết giao. Những người đi học bên ngoài phần đông đều có gia cảnh nghèo khổ, có những người thậm chí không có lấy một tấm chăn mang theo. Tôi may một tấm chăn rộng như vậy, chính là để con trai và bạn học nó cùng đắp chung, kết giao làm bạn với nhau. Điều này nhất định có ích đối với việc học.”

Lời được nói rõ ra, mọi người đều hoàn toàn hiểu được dụng tâm vất vả và cảm phục lòng nhân hậu của bà.

Mạnh Tông hiểu được kỳ vọng của mẹ, ông học hành hết sức chăm chỉ, ban đêm cũng thường thắp đèn đọc sách, không chịu nghỉ ngơi. Thầy giáo của ông là Lý Túc rất hài lòng, thường khen ngợi rằng: “Đứa trẻ này quả là có tài đức của một tể tướng!”

Sau khi Mạnh Tông trưởng thành, lúc đầu đảm nhiệm chức quan nhỏ dưới quyền Phiêu kỵ tướng quân Chu Cứ, bèn đón mẹ về sống chung. Chức quan đã thấp lại không giống với ý nguyện nên tình cảnh của ông vô cùng khó khăn.

Một buổi tối nọ, bên ngoài trời mưa to, trong nhà bị dột khó có thể ngủ được. Mạnh Tông vốn không cảm thấy gì, chỉ thương mẹ già phải chịu khổ sở, càng nghĩ càng cảm thấy buồn. Ông bèn từ trên giường ngồi dậy, không cầm lòng được mà bật khóc, tạ tội với mẹ.

Mẹ của Mạnh Tông lại không để ý đến điều đó mà khích lệ con trai rằng: “Chỉ cần con không quên chí hướng, chăm chỉ cố gắng, chịu một chút khổ thì nào có đáng gì, có gì đáng để khóc chứ!”. Mạnh Tông nghe được lời khích lệ của mẹ, lập tức lau nước mắt không khóc nữa.

Sau khi Phiêu kỵ tướng quân Chu Cứ biết được tình cảnh khó khăn của hai mẹ con Mạnh Tông, bèn đề bạt Mạnh Tông làm Giám trì tư mã, một chức quan nhỏ quản lý nghề cá. Lúc này, mẹ của ông đã trở về sống ở quê nhà, không sống cùng ông nữa.

Mạnh Tông tuy rằng gia cảnh bần hàn, nhưng lại rất thanh liêm. Ông thân là Giám trì tư mã nhưng lại tự học đan lưới và tự mình bắt cá. Ông đem số cá mà mình bắt được chế biến thành cá khô rồi gửi về nhà cho mẹ già ăn. Mẹ của Mạnh Tông sau khi nhận được đã ngay lập tức gửi trả số cá ấy và viết một phong thư trách cứ con trai rằng: “Con thân là ngư quan, lại gửi cá khô cho ta, lẽ nào con không biết cần phải tránh bị hiềm nghi sao?”

Mạnh Tông dưới sự đốc thúc dạy dỗ không ngừng của mẹ mà dần dần đã trở nên chín chắn hơn. Về sau ông làm huyện lệnh nhưng vẫn không thể đón mẹ già đến nơi nhậm chức sống cùng. Vì vậy mỗi khi có được đồ ăn ngon, ông đều gửi về nhà cho mẹ ăn trước để tận hiếu đạo.

Ngày mẹ ông qua đời, ông vô cùng đau lòng, không để ý đến pháp lệnh của triều đình mà từ quan trở về quê nhà chịu tang, làm tròn đạo hiếu. Triều đình biết được hiếu tâm của ông nên đã miễn tội cho ông. Sau sự việc ấy, triều đình vẫn tiếp tục để ông ra làm quan.

Nhờ có sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ, Mạnh Tông đã trở thành một con người tài đức, một người con hiếu thảo, một vị quan thanh liêm chính trực.

 

Theo Trithucvn

Cùng chuyên mục

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)