Trong cuộc sống, khi một người nào đó phải thực hiện nghĩa vụ (như làm một công việc nào đó, bồi thường thiệt hại, trả nợ,..) nhưng không trực tiếp thực hiện thì có thể “ủy quyền” cho người khác thực hiện không?
Vấn đề này, quy định của pháp luật như sau:
Theo Điều 370 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
- Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”
Điều 614 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế:
“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”
Điều 615 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Như vậy, khi những người thừa kế nhận di sản thừa kế thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản mà người chết để lại. Việc chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp này không cần có sự đồng ý của những người liên quan.
Tương tự với chuyển giao quyền yêu cầu, có những trường hợp luật không cho phép chuyển giao đó là những nghĩa vụ gắn với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc trong trường hợp cụ thể pháp luật quy định không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thực hiện công việc trong hợp đồng dịch vụ hoặc nghĩa vụ do các bên thỏa thuận không được chuyển giao.
Theo khoản 1Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng:
“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.”
Nguyễn Phương (T/h)