20 giờ tối mai 7.4 tại đình làng Bích La, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt “Yêu lẽ phải, trọng tình thương” nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông (7.4.1907 – 7.4.2022) và mở đầu cho loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5.1972 – 1.5.2022), 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Văn Hóa đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn dàn dựng chương trình đặc biệt này.
P.V: Thưa nhà văn Nguyễn Quang Vinh, chắc hẳn có cơ duyên đưa ông đến với chương trình đặc biệt này?
– Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Trước hết tôi “mê” ông, Tổng Bí thư Lê Duẩn. Mê và để trong lòng, chưa có cách nào thực hiện được một chương trình thật đặc biệt về ông cả. Rồi tôi ngồi nói chuyện nhiều lần với anh Lê Kiên Thành, con trai ông, lần ngược lại tư liệu, những bài báo viết về cuộc đời ông, và cứ thế, cứ thế, cảm xúc dẫn tôi về làng Bích La Đông, làng Hậu Kiên, nơi ông sinh ra, nơi ông rời làng đi làm cách mạng, hiểu thêm về một vùng quê nghèo, rất nghèo nhưng vâm váp nhiều tầng văn hóa, dần dần hình thành ý tưởng, hình thành câu chuyện kể, hình thành kịch bản chương trình này.
Như chúng ta đều biết, Tổng Bí thư Lê Duẩn là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà cách mạng tài năng lỗi lạc của Đảng và nhân dân ta, nhưng chương trình sân khấu thực cảnh lại có chủ đề “Yêu lẽ phải, trọng tình thương”. Phải chăng chương trình muốn nhấn mạnh khía cạnh văn hóa, nhân văn trong cuộc đời hoạt động sự nghiệp cách mạng của ông?
– Ngày 16.7.1986, gần một tuần sau ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã viết những dòng thơ vô cùng tinh tế: “Một nhà tư tưởng, một người tình của cuộc sống/ Luôn luôn Anh có những câu hỏi với đời/ Một tấm lòng thủ thỉ/ Ở đâu Anh cũng nói chuyện con người/ Con người yêu lẽ phải biết trọng tình thương/ Anh thường đi rất nhanh, nhưng với ai Anh cũng có lòng chờ đợi”. Đó là đoạn mở đầu và cũng là tư tưởng chủ đạo cho chương trình thực cảnh đặc biệt này.
“Tổng Bí thư Lê Duẩn được cuộc đời sinh ra và để lịch sử cách mạng Việt Nam đặt vào tay những bước ngoặt vô cùng quan trọng, những bước ngoặt đó gắn chặt với chặng đường của Đảng, của Tổ quốc, từ thời khai sinh, đến thời kỳ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập, đến những tháng năm sau ngày thống nhất, gian nan tìm đường phát triển đất nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc. Trên các cương vị quan trọng, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba bão táp, đi tới những bến bờ thành công”. |
Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 26 năm là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, lịch sử thường khai thác đến sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, người giữ nhiều trọng trách của Đảng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng XHCN, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận và văn hóa. Trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống, người chiến sĩ cộng sản trung kiên đó luôn yêu lẽ phải, trọng tình thương. Trong quá trình tìm hiểu để xây dựng kịch bản, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều điều về ông, và rồi, như đã nói, rất mê ông. Mê phẩm chất, cách ứng xử, đạo sống, đạo làm người, đạo làm chồng, tình yêu của ông, trung nghĩa, tận hiếu, lãng mạn, quyết liệt và bao la tình nhân ái. Với Tổng Bí thư Lê Duẩn, chỉ có 6 chữ tạc dựng nên chân dung của ông: Lao động – Lẽ phải – Tình thương. Đúng như trong bài thơ Trước tượng đài Anh Ba, nhà thơ Nguyễn Đăng Quang đã viết về ông: “Tháng Tư trời xanh/Trước tượng đài Anh/ …Đồng chí, đồng bào miền ngược miền xuôi/Đặt những đóa hoa tươi/Tưởng nhớ một con người/ Đã dâng hiến cuộc đời/ Cho Dân và cho Đảng/ Cho nước Việt Nam muôn đời tươi sáng/ Luôn nhớ về “lao động, lẽ phải và tình thương”/Không chỉ riêng Quảng Trị quê hương/Anh sống mãi trong lòng đất nước!”.
Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn gắn liền với một phần quan trọng của Cách mạng Việt Nam với nhiều cương vị trọng trách, từ phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu; Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Xứ ủy Nam Bộ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; rồi đến Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng và Tổng Bí thư, chắc hẳn có nhiều khó khăn nhưng thú vị khi tìm hiểu lịch sử thân thế và sự nghiệp của Tổng Bí thư để phục vụ cho chương trình?
– Tổng Bí thư Lê Duẩn được cuộc đời sinh ra và để lịch sử cách mạng Việt Nam đặt vào tay những bước ngoặt vô cùng quan trọng, những bước ngoặt đó gắn chặt với chặng đường của Đảng, của Tổ quốc, từ thời khai sinh, đến thời kỳ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập, đến những tháng năm sau ngày thống nhất, gian nan tìm đường phát triển đất nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc. Trên các cương vị quan trọng, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba bão táp, đi tới những bến bờ thành công.
Phác họa và xây dựng con người ông đúng là gần như phác họa một chặng đường của cách mạng Việt Nam nên không hề đơn giản. Chúng tôi không tham vọng xây dựng biên niên sử cuộc đời sôi nổi của một nhà cách mạng lỗi lạc mà chỉ tái hiện những thời điểm quan trọng, gắn liền với những dấu mốc của lịch sử dân tộc. Cuộc đời ông trong chương trình được tái hiện bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau, có khi qua tự sự con trai Tổng Bí thư nói về cha mình, có khi qua chính tự sự của nhân vật Tổng Bí thư Lê Duẩn, có khi qua những phân đoạn dàn dựng nhân vật chất chứa đầy thân phận, có khi thông qua các trình thức ca vũ, chuyển động hình thể. Chúng tôi sử dụng nhiều phương tiện và công cụ nghệ thuật, để kể, để vẽ, để dựng nên một lãnh tụ mẫu mực, một người chồng, người cha đáng kính, một người tình của cuộc sống, một con NGƯỜI với chữ NGƯỜI viết hoa.
Điều gì để lại ấn tượng sâu sắc khi ông và ê kíp thực hiện chương trình đặc biệt này?
– Phẩm chất NGƯỜI của ông, đáng để chúng ta học tập. Phẩm chất NGƯỜI ấy chói sáng vào nhiều thời điểm: Trung hiếu, thủy chung, ơn nghĩa, biết trước biết sau, biết trên biết dưới, biết lùi biết tiến, biết tri ân và biết chờ đợi, bao dung và kiên nhẫn để cùng tập thể lãnh đạo thành công… Nhiều phân đoạn được dàn dựng hết sức xúc động là vì như vậy.
Qua chương trình đặc biệt này, với tư cách tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn dàn dựng, ông và ê kíp chương trình muốn truyền tải thông điệp gì trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với thế hệ trẻ?
– Chúng tôi muốn gửi đến thế hệ tiền nhân, thế hệ lớp đầu tiên của những người cộng sản lời tri ân, kính trọng và khâm phục sâu sắc ý chí, lòng tận hiến, tận trung với nước với dân của họ, trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn và các bậc tiền bối cách mạng khác…
Đồng thời, chúng tôi muốn gửi lời đến thế hệ hôm nay và các bạn trẻ, chúng ta có cuộc sống hôm nay là phải biết đến sự hy sinh, cống hiến của cha anh mình. Sử Việt thông qua những con người kiệt xuất của nước Việt đã làm cho dân tộc Việt bền vững qua bao tháng năm, bền vững và phát triển đến muôn đời.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Vinh về cuộc phỏng vấn này.
Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ngoài chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt tại đình làng Bích La còn có Lễ dâng hoa tại Tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn (Công viên Lê Duẩn, TP Đông Hà); Lễ dâng hương kỷ niệm 115 năm ngày sinh và nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành.
Đặc biệt, trong dịp này diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị gồm: Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải; viếng các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị; thăm một số đối tượng chính sách, người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; Hội thảo khoa học “Quảng Trị – 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”; Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 50 năm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. |
Phan Thanh Nam/Tạp chí Văn Hiến bản in