Chung sức gìn giữ di tích

11:49 | 04/05/2022

Nhắc đến chùa Báo Ân, đình An Hòa, người dân làng An Hòa trước đây, nay là tổ dân phố số 4, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đều rất tự hào. Qua thời gian, đặc biệt là quá trình đô thị hóa nhưng đến nay, di tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Thành quả này có được, cùng với sự chung sức của người dân còn kể đến những nỗ lực bền bỉ của các thành viên Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa.


Ao chùa Báo Ân (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) được cải tạo, chỉnh trang sạch đẹp.

Nỗ lực bảo vệ cảnh quan, kiến trúc

Nằm gần ngõ 381 đường Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), dù mật độ dân cư đông nhưng đình An Hòa vẫn giữ được nét cổ xưa, từ kiến trúc lẫn cảnh quan, khuôn viên. Bí thư Chi bộ số 4, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa Nguyễn Đăng Lực thông tin, thời Nguyễn, làng An Hòa thuộc xã Yên Hòa, tổng Dịch Vọng, phủ Quốc Oai, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Dấu ấn lịch sử của làng An Hòa xưa được in đậm trong các di tích của làng, như đình, đền, chùa, nhà thờ họ và hệ thống truyền thuyết dân gian. Nhưng do tác động của chiến tranh, quá trình đô thị hóa nên di tích cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Để giữ được cảnh quan, kiến trúc đình An Hòa như hôm nay, có sự đóng góp tích cực của nhân dân địa phương và các thành viên Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa. Trước hết, các thành viên trong tiểu ban đã đi vận động nhiều hộ gia đình lấn chiếm trả lại không gian cho di tích, đồng thời vận động các hộ xung quanh đình khi xây dựng nhà đều lùi lại để tạo khoảng cách 0,8-1m với di tích. Với những hộ khó khăn, tiểu ban vận động người dân trong làng đóng góp để hỗ trợ, đền bù. Dần dần, nhận thấy việc làm của các thành viên tiểu ban vì lợi ích chung cho làng, xóm mà mọi người đồng thuận cao. Không chỉ đồng tình mà nhiều gia đình còn đóng góp công sức cho việc tu sửa, chỉnh trang lại đình. Người An Hòa tự hào, nhờ có những đóng góp vậy mà ngôi đình được bảo tồn không phải sử dụng đến ngân sách. Nét cổ kính xưa vẫn được in đậm ở các vỉ kèo, cột. 17 đạo sắc phong cổ vẫn nguyên vẹn. Đình An Hòa giờ trở thành địa điểm họp chi bộ, họp tổ dân phố và là không gian giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.

Ngoài đình An Hòa, Tiểu ban Quản lý di tích cùng nhân dân còn góp sức cải tạo, chỉnh trang chùa Báo Ân. Ông Phạm Văn Lợi, thủ từ kiêm chủ tế của đình An Hòa kể, chùa Báo Ân cách đình 500m. Trước đây, người dân bán hàng quanh ao trước chùa xả rác bừa bãi nên môi trường không được bảo đảm. Năm 2018, tiểu ban đề xuất với UBND phường Yên Hòa chỉnh trang, cải tạo chùa và được phường đồng thuận. Chính quyền bỏ kinh phí cải tạo xung quanh, Tiểu ban Quản lý di tích vận động người dân đóng góp để nạo vét ao, chỉnh trang chùa. Việc chi tiêu đều được tiểu ban công khai. Cùng với đó, tiểu ban vận động nhân dân cùng ký cam kết giữ gìn, bảo vệ cảnh quan chùa. “Với sự đồng thuận của nhân dân, giờ đây, chùa Báo Ân trở thành điểm du lịch tâm linh của nhiều du khách. Ngày lễ, Tết hay hội làng, người dân tự giác dừng kinh doanh để tham gia phục vụ. Ai cũng phấn khởi, vui mừng”, ông Phạm Văn Lợi nói.

Nhân lên giá trị văn hóa

Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Trần Hải Yến đánh giá, Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa luôn biết phát huy sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, để tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng vào cuộc, tham gia giữ gìn giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; qua đó giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa của làng khoa bảng, xây dựng lại văn bia khuyến học, khuyến tài; phục dựng lại các nghi lễ trong lễ hội truyền thống. Đặc biệt, thông qua bảo vệ cảnh quan di tích, tiểu ban đã vận động nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; làm sạch và thả cá tại ao đình; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hay hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử tại nơi công cộng…

Mỗi việc làm của tiểu ban đều được xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương pháp cụ thể, báo cáo Đảng ủy, chính quyền địa phương và thông qua các hội, đoàn thể, nhân dân để thực hiện. “Chúng tôi mong muốn cách làm hay của Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa sẽ lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa địa phương, xứng danh làng khoa bảng – đất tứ danh hương của kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến”, bà Trần Hải Yến nói.

Bà Nguyễn Bích An, ở ngõ 445 đường Nguyễn Khang, bày tỏ: “Việc làm của các thành viên trong Tiểu ban Quản lý di tích làng An Hòa rất hữu ích, không chỉ giúp môi trường sống được cải thiện, mà người dân còn được thụ hưởng giá trị văn hóa mà ông, cha để lại”.

 

Theo Nhịp sống Hà Nội

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/826531/chung-suc-gin-giu-di-tich

Video hay


Cùng chuyên mục

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình