Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, không thể lấy một cái sai để giải quyết với một cái sai. Pháp luật không cho phép sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật.
Như đã thông tin, liên quan tới vụ việc nữ sinh bị đánh đập, cắt áo ngực xảy ra tại shop quần áo Mai Hường (số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa), Công an Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường (SN 1992) về tội Làm nhục người khác và Cưỡng đoạt tài sản.
Cơ quan Điều tra (CQĐT) cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh (SN 1990, chồng của Hường) về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Trao đổi với VietNamNet về vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, không thể lấy một cái sai để giải quyết với một cái sai. Pháp luật không cho phép sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật bảo vệ tài sản của công dân nhưng cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm của con người.
Nếu hành vi của cô gái là trộm cắp tài sản thì với số tiền dưới 2 triệu đồng, cô gái này sẽ bị xử phạt hành chính, chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác với bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, các đối tượng vừa đánh đập, chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm của cháu bé, vừa dọa ghi hình để đăng lên mạng xã hội. Chính vì vậy mà cháu bé đã phải dùng mũ bảo hiểm để che mặt.
Thực tế, có đối tượng đã đăng tải hình ảnh của cháu bé lên mạng xã hội, thậm chí còn phát trực tiếp.
Hành vi làm nhục người khác trong trường hợp này được xác định là có sử dụng phương tiện điện tử nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, điều 155, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo đó, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ 3 tháng- 2 năm. Người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại đến danh dự nhân phẩm, uy tín đối với nạn nhân.
Đây không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Người bị hại có đơn đề nghị hay không thì CQĐT vẫn vào cuộc xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc nạn nhân phải đưa số tiền tới 30 triệu đồng là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo quy định tại điều 170, BLHS năm 2015, tội Cưỡng đoạt tài sản có cấu thành hình thức. Chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội này, không phụ thuộc vào việc đã lấy được tài sản hay chưa.
Trường hợp phạm tội với người dưới 16 tuổi hoặc hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý theo khoản 2, điều 170, BLHS năm 2015, với mức chế tài là phạt tù từ 3- 10 năm.
Bài học cho kẻ xem nhẹ danh dự nhân phẩm người khác
Vẫn theo luật sư, trong vụ việc này, CQĐT sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của nhiều người, trong đó có hai người phụ nữ và người đàn ông đã làm nhục cô gái…
Về nguyên tắc, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, vi phạm pháp luật đến đâu phải bị xử lý đến đó.
Tất cả những người tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đó có người chủ mưu, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người xúi giục, người giúp sức đều bị xử lý về cùng một tội danh, nếu hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
CQĐT cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của shop này được thực hiện như thế nào, các hàng hóa là quần áo bày bán có nguồn gốc xuất xứ hay không, có hóa đơn chứng từ hợp pháp hay không, để xem xét xử lý hành vi buôn bán hàng giả, trốn thuế (nếu có).
“Vụ việc này là bài học về đạo đức kinh doanh và đạo đức làm người, là bài học cho những ai coi nặng giá trị vật chất, xem nhẹ danh dự nhân phẩm của người khác”, lời luật sư Đặng Văn Cường.
Theo Vietnamnet