Chính phủ yêu cầu ‘không để độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa’

21:03 | 01/10/2018

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải xóa độc quyền.

Ngày 1/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK).

Theo đó, ông cho biết, với quy định hiện hành thì Nhà xuất bản Giáo dục là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép thêm 5 nhà xuất bản được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.

Về tỷ lệ chiết khấu SGK của NXB Giáo dục, ông Nhạ khẳng định: “SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25%, thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%”.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK khoảng 35%. Bộ Giáo dục đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào SGK.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: PV

Phát biểu về nội dung trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ có độc quyền của NXB Giáo dục và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là phải xóa độc quyền và đã được thể hiện trong Đề án nêu trên cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản.

Nhiều trường “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo

Phó thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.

Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn; những nơi vi phạm phải được xử lý nghiêm.

“Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”, Phó thủ tướng chốt lại.

“In ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch”

Tại cuộc họp báo chiều 1/10, trả lời câu hỏi của VnExpress về vấn đề độc quyền sách giáo khoa, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay thời gian vừa qua, NXB Giáo dục đã tổ chức đấu thầu in sách giáo khoa ở 4 khu vực trong cả nước, nhằm giảm kinh phí vận chuyển từ nhà in đến nhà trường.

“Sắp tới việc xoá độc quyền sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo tinh thần nghị quyết Quốc hội là tổ chức một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa, huy động nguồn lực xã hội để biên soạn sách giáo khoa”, ông Độ nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải

Thông tin thêm về nội dung trên, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, vấn đề in ấn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo.

“Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm vì mỗi năm chúng ta phải chi phí khá lớn cho in ấn, phát hành sách giáo khoa. Hơn nữa dư luận đặt câu hỏi có lợi ích nhóm hay không?”, ông Dũng nói.

Ông cho biết, tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ báo cáo và có giải pháp khắc phục vấn đề.

“In ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch, tránh độc quyền, lợi ích nhóm”, ông Dũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó ngày 25/9, Ủy ban Văn hóa Giáo dục công bố dự thảo báo cáo kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

Dự thảo báo cáo nêu, điều 99 Luật Giáo dục quy định thẩm quyền của Bộ Giáo dục Đào tạo trong biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, giáo trình là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền kinh doanh sản phẩm này.

Ủy ban nhận định, mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng/năm là khá cao. Trong khi NXB Giáo dục Việt Nam cho biết mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng vì xuất bản, phát hành sách giáo khoa.

Ủy ban còn chỉ rõ việc sách giáo khoa in bài tập để học sinh điền vào làm mỗi năm phải thay mới 100 triệu bản, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chỉ trả của người dân.

“Xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào bảo kê ở chợ Long Biên”

Cũng tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, trả lời câu hỏi liên quan đến phản ảnh tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố đã có chỉ đạo các đơn vị vào điều tra.

“Quan điểm của Hà Nội là dứt khoát xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu phát hiện có bảo kê”, ông Sửu nói.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: Võ Hải

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 500 chợ và 110 siêu thị, đều đang hoạt động phục vụ nhu cầu kinh doanh, mua sắm của tiểu thương và người dân bình thường.

Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của Ban quản lý chợ, công an địa phương để đảm bảo hoạt động bình thường của các chợ; nếu phát hiện nơi nào có phản ảnh vi phạm như ở chợ Long Biên đều sẽ xử lý nghiêm.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng “vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên không thể chấp nhận được”; công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và đang khẩn trương xác minh.

Về nghi vấn tình trạng bảo kê, Thứ trưởng Sơn nói, “nếu báo chí, người dân có thông tin đầy đủ, chính xác đề nghị cung cấp cho lực lượng công an để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật”.

Ngày 20/9 Đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hoá, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng.

Ngay hôm sau, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc công an thành phố khẩn trương chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm trước phản ánh trên; báo cáo thành phố trước ngày 30/9.

Tiếp tục xem xét phương án thu phí BOT Cai Lậy

Về phương án đặt thêm trạm thu phí ở tuyến tránh Cai Lậy, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói, Bộ đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ để chọn phương án phù hợp nhất.

Cụ thể, Bộ Giao thông cân nhắc hai phương án: Một là giữ nguyên trạm thu phí hiện nay và giảm mức phí; hai là đặt hai trạm trên hai tuyến đường, quốc lộ 1 và tuyến tránh thị xã Cai Lậy, quá trình thu phí tuyến nào hoàn vốn thì dỡ trạm trên tuyến đó.

Tỉnh Tiền Giang đề xuất chọn phương án thứ 2 để đảm bảo công bằng và thu đúng phần đầu tư của mỗi tuyến.

“Chúng tôi tiếp tục đánh giá tác động và làm việc với các cơ quan để quyết phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Đông cho biết.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí và yêu cầu di dời về tuyến tránh nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm. Bộ Giao thông nhiều lần khẳng định vị trí trạm thu phí là hợp lý, được các ngành, địa phương đồng thuận. Bốn tháng sau, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông trình phương án xử lý. Đến nay, phương án đặt trạm thu phí BOT vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ