Chiều 25/10, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo báo cáo tổng kết dự án chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình Hồ chứa nước Nước Trong.
Các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham quan các di vật khảo cổ học.
Dự án nhằm nghiên cứu, trưng bày bảo tàng, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã nghiên cứu, xử lý bằng các phương pháp khảo cổ học truyền thống; phục dựng 10 chum gốm, 10 vò gốm, nồi bát gốm sinh hoạt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày bảo tàng; phục dựng, bảo quản các công cụ đồng, sắt…
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, có 21 mộ táng được chỉnh lý và phục dựng, bảo quản (10 mộ vò, 11 mộ quan tài gốm); 77 đồ gốm tùy táng được phục dựng, bao gồm nồi, bình, bát, hũ; xử lý bảo quản 10 di vật chất liệu đồng, sắt trong mộ táng, 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm, 5 mẫu phân tích phương pháp đồng vị carbon phóng xạ C14; phân tích thạch học gốm 20 mẫu; thực hiện dự thảo sách chuyên khảo, báo cáo khoa học chỉnh lý, 2 báo cáo khoa học chuyên đề chỉnh lý sau khai quật (báo cáo di vật, báo cáo loại hình mộ táng).
Một số đồ gốm trên một ngôi mộ Chum.
Sau chỉnh lý, các khối mộ quan tài gốm vẫn giữ nguyên kết cấu, hình dáng ban đầu nhưng được lộ rõ những phần nổi bật, hấp dẫn, có giá trị về mặt nghiên cứu khảo cổ, tạo cảm xúc chân thật cho người xem. Điều này làm cho các hiện vật có sự khác biệt, kích thích sự tò mò, tưởng tượng cho du khách tham quan và gìn giữ nguyên vẹn di tích phục vụ cho sự phát triển ngành khảo cổ học trong tương lai.
Kết quả chỉnh lý cho thấy văn hóa Sa Huỳnh tại vùng lòng hồ Nước Trong có các giai đoạn phát triển tương tự như văn hóa Sa Huỳnh điển hình vùng đồng bằng ven biển và hải đảo của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Văn hóa Sa Huỳnh vùng núi lòng hồ Nước Trong nổi bật là sự tồn tại của một cộng đồng người chế tạo, sử dụng công cụ bằng sắt, như: rìu, liềm, vằng, thuổng; chế tạo đồ gốm như nồi, bình vai gãy, bát bồng chân cao, trang trí văn khắc vạch hình chữ S; sử dụng đồ trang sức, như: khuyên tai ba mấu, ống chuỗi hình bằng thủy tinh, mã não và kim loại quý. Các loại hình mộ táng trong di tích vùng Nước Trong có nhiều nét tương đồng với loại hình mộ và đồ tùy táng với văn hóa Lung Leng (Kon Tum) và Long Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Mộ Vò.
Qua phân tích bằng phương pháp đồng vị carbon phóng xạ C14 đã góp phần khẳng định ngay từ giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên tại khu vực thung lũng Sông Tang, miền Tây Quảng Ngãi đã là nơi định cư sinh sống lâu dài (trải hàng nghìn năm) của người tiền sử với nhiều nét văn hóa tương đồng với các nhóm cư dân tiền sử sinh sống ở vùng ven biển như Long Thạnh – Bình Châu – Sa Huỳnh. Qua phân tích di vật gốm, đồ đá, kim loại,… cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh vùng lòng hồ Nước Trong phát triển nông nghiệp dùng cuốc, trồng lúa, biết đến luyện kim, đúc đồng và chế tạo đồ sắt, kéo dài từ 3.500 năm BP (số năm cách ngày nay) đến một vài thế kỷ Sau Công nguyên. Những hạt lúa đã tìm thấy ở Lung Leng có niên đại 3.000 năm BP, ở trong mộ, trong mảnh gốm vùng lòng hồ Nước Trong. Đây là sản phẩm của nông nghiệp Sa Huỳnh.
Mộ Chum.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các diễn giả đã có các tham luận tập trung vào đánh giá, phân tích về giá trị văn hóa Sa Huỳnh khu vực lòng hồ Nước Trong qua các loại hình mộ táng, các di vật gốm, đá, kim loại, trang sức và qua kết quả phân tích mẫu bằng phương pháp đồng vị C14…, góp phần làm rõ mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh vùng lòng hồ Nước trong với các vùng Tây Nguyên và ven biển, hải đảo. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận giải pháp bảo tồn, định hướng trưng bày, phát huy văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn ghi nhận những kết quả của các nhà khoa học, chuyên gia đã nghiên cứu được; đồng thời, cho rằng những kết quả này sẽ góp phần quan trọng, bổ sung tài liệu nghiên cứu khoa học về văn hóa Sa Huỳnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nghiên cứu thêm nhiều cách tiếp cận các di vật này, để phát huy được giá trị của di vật, di sản; tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá chính xác nguồn gốc, giá trị, tính khoa học của các di vật khảo cổ học; đề xuất giai đoạn 2 của dự án cũng như công tác bảo quản, trưng bày, giới thiệu các di vật khảo cổ học.
Hình ảnh hoa văn trên mộ Chum.
Trước đó, trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng công trình Hồ chứa nước Nước Trong, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với một số chuyên gia khảo cổ học đã khai quật các di tích Trà Veo 2, Trà Veo 3, Thôn Tre 1, Thôn Tre 2 và Thôn Tre 4 ở 2 huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng) và huyện Sơn Hà. Tại đây đã phát hiện được các di tích cư trú, di tích mộ táng, thu được các di vật như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh và đồ gốm.
Trong đợt khai quật năm 2009 – 2012, 54 mộ táng đã được bó thạch cao, vận chuyển và bảo quản tại kho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2021 – 2022, được sự cho phép của UBND tỉnh và dựa trên các quy trình đấu thầu hiện hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã lựa chọn Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương triển khai thực hiện dự án “Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong”.
Bài và ảnh: Đinh Hương (TTXVN)
Nguồn Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/chinh-ly-ket-qua-khai-quat-khao-co-tai-khu-vuc-cong-trinh-ho-chua-nuoc-trong-20221025201401440.htm