Chiều buông trên sông

13:30 | 14/08/2022

Chiều dần buông. Ánh chiều đỏ ối đổ xuống mặt sông rưng rức buồn.


Lão Tánh ngồi bần thần nhìn sóng nước đuổi nhau chạy dài về phía bờ bên này, chạm vào con thuyền đang nằm yên dưới tán cây đa già nhô ra mặt sông. Bao giờ cũng vậy, đôi chân lão khoanh tròn, lão ngồi bất động như một pho tượng. Nhưng trong lòng lão trào lên bao ý nghĩ. Có lần ngồi nhâm nhi với tôi, lão đã bảo rằng trong lòng mình cũng giống như lòng con sông kia, trên bề mặt thì tưởng rằng bình lặng nhưng không ai biết lòng sông vẫn đang cuộn sóng. Người ta chỉ nhìn thấy lão thảnh thơi, sống không vướng bận chuyện gì mà không biết những chuyện lão đã trải qua cứ gặm nhấm lão từng ngày rồi thi thoảng lại dồn lên khiến lão nhói đau bên ngực trái. Chuyện xảy ra cũng đã ba chục năm có lẻ mà cho đến giờ lão vẫn không thôi tự trách mình. Trái tim già nua của lão vẫn âm ỉ rỉ máu. Hằng đêm, bất chợt tỉnh dậy, lão lại thấy khóe mắt mình ươn ướt. Lão mơ về chuyện xưa.

Ấy là khi lão Tánh mới ngoài hai mươi tuổi. Ngày đó, thanh niên tầm tuổi như Tánh đều có vợ, có chồng cả rồi. Tánh vẫn chưa lấy được vợ, vừa vì nhà nghèo vừa vì cái cục tật ở lưng. Nói là cục nhưng nó to như cái bát úp, khiến cho hình dáng Tánh trở nên xấu xí. Đã nghèo còn xấu, ai mà yêu cho được. Vậy là Tánh được liệt vào hàng ế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tánh thương thầm một người con gái trong xóm nhưng không dám nói ra. Người ta xinh đẹp, dịu dàng. Còn mình… Nhiều khi Tánh oán thán ông trời, bắt mình mang cái hình dáng xấu xí như thế này thì sao lại cho mình cái thân thể đàn ông, để phải khổ sở. Cũng vì cục tật, Tánh đi trên đất khó coi hơn “đi” dưới nước. Đi trên đất, mỗi bước đi của Tánh làm nhấp nhô cục tật, ánh mắt của mọi người cứ dán vào đó, Tánh cảm thấy lưng mình như phải bỏng. Đi dưới nước, Tánh chỉ ngồi trên thuyền, cục tật nằm yên. Với lại trên sông chẳng có ai nhìn vào lưng Tánh như soi mói.

Vậy là mười ba tuổi, Tánh đã theo cha làm nghề chài lưới, đêm ngày lênh đênh sông nước. Đến khi cha mất, Tánh đã thạo nghề, một mình cũng có thể ngược xuôi tính toán con nước. Tánh sống dưới nước nhiều hơn sống trên bờ với mẹ. Có lần về thăm nhà, mẹ Tánh bảo:

– Về đi con, sông nước hoài, nhà còn mỗi mình mẹ.

– Về thì làm gì?

– Về lấy vợ rồi làm ruộng với mẹ.

– Con như thế này, ai người ta thèm lấy?

Tánh bỏ dở bữa cơm ra ngoài hiên ngồi, thở dài thườn thượt. Tánh cũng mong có một gia đình nhỏ. Vợ Tánh sẽ là người con gái đó, con Tánh cũng sẽ xinh đẹp như mẹ nó. Mẹ Tánh sẽ có người vào ra thủ thỉ chứ không phải lủi thủi như bây giờ. Nhưng nói là nói vậy, Tánh như thế này, người ta đời nào chịu lấy.

– Con ra thuyền đây.

Tánh chẳng chờ mẹ nói gì, rút cái khăn trên dây phơi trước hiên nhà choàng qua cổ thả xuống hai bên ngực, rảo bước đi. Dáng Tánh khom khom đổ về phía trước như bị sức nặng của cục tật phía lưng ép xuống. Con đường ra bờ sông chìm vào bóng tối nhưng do quen đi lại nên Tánh vẫn bước phăng phăng. Gần đến chỗ đậu thuyền bỗng Tánh dừng lại khi nghe thấy tiếng khóc thút thít:

– Ai?

Tiếng khóc im bặt. Một bóng người vụt đứng dậy.

– Anh Tánh.

– Mến, Mến phải không? Tại sao em lại… tôi, tôi…

Tánh ngập ngừng. Mến chính là người con gái xinh đẹp, hiền dịu mà Tánh thầm thương nhưng chưa bao giờ dám ngỏ lời bởi mặc cảm dị tật hình hài của mình. Giờ gặp Mến trong hoàn cảnh này, Tánh bỗng trở nên lúng túng. Tánh vẫn đứng yên chỗ cũ, vụng về hỏi:

– Có chuyện gì với Mến vậy? Sao lại ra đây ngồi khóc?

Mến đưa tay lau nước mắt, quay nhìn Tánh. Cô nói:

– Anh Tánh có thể đưa em đi khỏi đây không? Đi đâu thật xa.

– Tại sao lại vậy? Chú thím Mến thì sao? Còn mẹ tôi nữa.

Mến buồn buồn, đôi mắt chìm trong bóng tối, bảo Tánh:

– Tháng sau em đi lấy chồng rồi. Chú thím gả em cho người buôn chuối bên Trại. Người ấy hay sang nhà chú thím mua chuối, nói thương em nhưng em…

Tánh không chờ Mến nói hết câu, sự mặc cảm, lòng hờn ghen với người buôn chuối sắp cưới Mến làm vợ đã khiến lí trí của Tánh trở nên bấn loạn. Anh nhìn về dòng sông sóng sánh ánh đêm, nói một câu mà nghe lòng đắng nghẹn:

– Tôi chúc Mến luôn hạnh phúc!

Rồi Tánh lầm lũi đi về phía thuyền, nhổ neo, bỏ mặc Mến ngồi trên bờ, dòng nước mắt lặng lẽ lăn dài. Đôi tai Tánh lúc này ù đi, không còn nghe được Mến nói theo điều gì nữa. Một mình giữa dòng, Tánh cho phép mình khóc mà không sợ bị ai phát hiện. Tánh lôi chai rượu trong khoang thuyền ra ngồi uống, để mặc thuyền trôi.

***

Thường cuối tuần, tôi sẽ ghé lại chỗ lão Tánh nướng cá, uống rượu chơi. Nhưng hôm nay là ngoại lệ. Buổi chiều tôi thả lưới trúng được con ba ba hơn hai ký, mang lên bán cho quán nhậu cũng được kha khá, tiện mua chút đồ nhắm thịt rừng về.

– Nay đổi gió nha lão. Tôi vừa áp thuyền mình vào cạnh thuyền lão, bỏ neo.

Lão Tánh còn đang không hiểu chuyện gì, đôi mắt nheo lại như dò hỏi. Tôi bước sang thuyền lão, giơ túi đồ nhắm lên:

– Nay chúng ta lên rừng.

Lão như hiểu ra, gật gù. Quay vào trong mui thuyền, lôi ra chai rượu. Chúng tôi chỉ cần vậy. Chai rượu, chút rau, chút đồ nhắm là có thể ngồi cà cưa đến nửa đêm. Và bao giờ cũng vậy, cứ có chút rượu vào là lão Tánh lại kể chuyện ngày xưa. Kiểu như để giải tỏa bớt những dằn vặt, khổ đau trong lòng lão.

– Từ hôm đó, tôi nhốt mình trên sông, không quay về nữa cho đến khi Mến theo chồng về bên Trại.

Cậu biết đấy, khi mình đau, mình đâu còn tỉnh táo, sáng suốt để mà suy nghĩ nữa. Tôi lúc đó chỉ nghĩ được đến mình vì “của nợ” này mà làm cho chịu đủ thứ thiệt thòi. Lão nói, đưa tay vỗ vỗ về phía sau lưng như ám chỉ “của nợ” mà lão nói chính là cục tật. Đúng nửa tháng, khi nỗi đau nguôi ngoai tôi mới về nhà.

Bữa đó, chừng đâu sau ba năm ngày Mến lấy chồng, cô ấy có về thăm nhà, cũng ra sông tìm gặp tôi. Nhìn Mến tiều tụy hẳn, gầy yếu, xanh xao, khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Tôi hỏi:

– Mến ốm à?

– Chắc em không sống nổi nữa.

– Mến đừng nói vậy. Ốm đau thì đi khám, tìm cách chữa, đời còn dài, chết đâu dễ thế. Như tôi đây này, nhiều khi đâu muốn sống để người ta thì thào, thương hại nhưng vẫn sống nhăn đấy thôi.

Thực tình lúc đó, tôi đâu biết chuyện của Mến, chỉ thấy ánh mắt cô ấy buồn buồn, thi thoảng lại thở dài thì nghĩ cô ấy buồn chuyện bệnh tật, ốm đau. Với lại, người ta đã là gái có chồng, tôi ngại thân thiết. Lỡ người khác nhìn thấy lại nghĩ này nghĩ nọ. Nên sau vài ba câu, tôi nhổ neo, rời ra giữa dòng. Tôi sợ mình ở lại bên Mến lâu sẽ không chịu được. Cậu biết đấy, tôi vẫn còn thương Mến.

Vậy nhưng tôi đã sai. Cái buổi đó, đáng lẽ tôi nên ở bên Mến lâu hơn, hoặc đưa Mến đi, đi một nơi thật xa chỉ có hai chúng tôi. Ngày chưa lấy chồng, Mến cũng nói với tôi như vậy. Tôi ngu quá. Chỉ nghĩ mình không xứng với Mến mà không biết rằng Mến cũng thương tôi. Khi tôi nhận ra được điều đó thì đã quá muộn rồi.

Lão Tánh đưa chén rượu lên miệng, dốc ngược xuống. Tôi có cảm giác như lão không uống mà rót rượu vào cuống họng. Chất cay nóng đó không cay ngoài miệng mà cay tận trong lòng. Cái lưng lão cố rướn lên nhưng vẫn không thoát khỏi dáng vẻ của một người gù. Lão nhìn vào phía gốc đa, rùng mình kể: Tối hôm sau, tôi mới quay lại nhà. Vừa về đến nhà, mẹ tôi đã bảo: “Cái Mến nó chết rồi, phía bến dưới Trại”. Tôi nghe mà lạnh toát sống lưng, vội vàng quay gót đi ngay. Chẳng kịp nghe mẹ nói thêm gì nữa. Tôi xuôi thuyền về đây (lão chỉ vào bến cạnh gốc đa). Lúc tôi đến, người ta đang lặn tìm Mến. Tôi buông chèo, ngồi thẫn thờ như kẻ mất hồn. Nghe loáng thoáng có người bảo Mến ra sông giặt đồ rồi trượt chân ngã; có người bảo không phải, Mến tự tử. Ở gì mà khổ quá, chịu sao nổi. Chồng thì cục cằn thô lỗ, lại có máu ghen, động tí thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Hai đứa con chồng thì nghe đâu nghiện ma túy, quậy rách giời rơi xuống… Như thế ai mà chịu nổi.

Xác Mến vẫn quanh quẩn bên gốc đa mà người ta tìm hai ngày mới thấy. Rồi người ta lập một cái miếu thờ nhỏ ngay dưới đó (lão chỉ tay lên cái miếu nhỏ ngay bên gốc đa).

Lúc đó, tôi chẳng rõ là lão đang nói với tôi hay nói với linh hồn người trong miếu nữa. Lão bảo từ ngày ấy lão qua lại đây luôn; ngày nào cũng ghé vào thắp hương cho Mến. Đến khi mẹ lão khuất núi, lão quyết định chọn luôn bến nước này làm nơi neo đậu, hương khói, trò chuyện cho linh hồn Mến bớt cô quạnh.

Là lão bảo vậy. Tôi nhìn lão, nhấp nốt chút rượu cuối cùng trong chén. Đêm đã về khuya, ánh trăng dát bạc lên mặt sông sóng sánh. Tôi thu dọn bát đũa, cúi xuống sông rửa, bỗng trượt tay, chiếc bát mất dạng dưới dòng nước đang nhẹ trôi.

Lão Tánh mắt nhìn chăm chăm xuống dòng nước, nói một câu nhẹ tênh:

– Mất rồi, đâu tìm lại được.

Truyện ngắn của Trương Thị Thúy

Nguồn báo điện tử Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/chieu-buong-tren-song-20220813201221565.htm


Cùng chuyên mục

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều