Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen đất trong ngôi chùa cổ 700 năm

11:36 | 09/03/2022

Tọa lạc tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, chùa Bối Khê là một ngôi cổ tự đã 700 năm, có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc lớn của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Đây là một ngôi chùa cổ còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc nhất như hoa sen đất, hình tượng Garuda…


Cổng ngũ quan chùa Bối Khê cũng chính là cổng làng thôn Song Khê.

Chùa Bối Khê được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rất rộng, ngay trước sân chùa là một bãi đất trống mà theo ghi chép lại thì đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần. Trên bãi đất là một cây đa khoảng 600 tuổi cùng với 5 mộ tháp. Chùa Bối Khê giữ gần như được kiến trúc cổ từ khi xây dựng gồm sân chùa, cổng ngũ quan, hồ sen, chính điện, bia đá, hậu đường… Chùa có kiến trúc tổng thể tiền Phật hậu Thánh, vị Thánh được thờ là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An.

Chùa nằm ngay đầu làng Bối Khê và có cảnh quan đẹp. Bước chân vào chùa, du khách dễ dàng cảm nhận được không gian u tịch, yên bình nơi đây.
Thượng điện của chùa là tòa nhà một gian hai chái cao 5,5 mét với bốn đầu đao trông như một bông sen hé nở.

Chùa Bối Khê còn nhiều hiện vật quý giá như: 10 tấm bia, trong đó bia cổ nhất là ”Bối động thánh tích bi ký” có từ năm Thái Hòa thứ 11 91453) nhưng cũng là tấm bia mới nhất vì được khắc lại năm Thành Thái thứ 7 (1895) kể lại sự tích đức Thánh Bối với nhiều tình tiết ly kỳ. Tiếp theo là bia ”Đại bi tự” dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ngoài việc nói thêm về đức Thánh Bối còn cho biết việc tu sửa chùa ở đầu thế kỷ XVI.

Điều độc đáo ở chùa Bối Khê chính là 2 cây sen đất mà nếu như ai không biết sẽ tưởng là hai cây ăn quả thân gỗ ở ngay sân chùa. Hoa sen đất không giống như hoa sen khác được trồng dưới đầm, loại hoa này có màu trắng tinh khôi, còn mùi hương thì quyến rũ ngất ngây. Cây sen đất thân mộc, lá cây mặt trên xanh bóng, mặt dưới có lông mịn màu nâu nhạt. Hoa sen đất từ khi đơm nụ đến khi bung cánh đều có hình dáng rất giống với hoa sen nước. Hoa chỉ có nhụy vàng chứ không có gương sen như sen nước, nhưng khi cánh hoa khô rồi vẫn để lại hương thơm.

.
Cây hoa sen đất trong chùa Bối Khê, về mùa hè nở những bông hoa trắng thơm ngát. Người đến nơi đây dễ liên tưởng tới câu ca dao: ”… Lê chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng…”.

Đặc biệt, chùa có tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay được đỡ bằng bệ sen đá, bốn góc bệ đá là hình tượng chim thần Garuda, phiên âm Kim Sí Điểu. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, hình tượng Garuda đỡ bệ sen là một hình tượng biểu trưng cho sự cảm hóa của nhà Phật đối với các loài vật hung dữ, hay làm việc ác. Hiện nay, hình tượng này còn lại rất ít ở các ngôi chùa vùng Bắc Bộ do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh. Với sự cổ kính, kiến trúc độc đáo, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1979.

Trang trí hình chim thần Garuda trên bệ tượng.

Ngoài ra, sân chùa còn một chiếc sàng đá cổ ước tính đã có từ vài trăm năm, trên sàng có nhiều họa tiết rồng phượng, điêu khắc tinh xảo, trải qua bao nắng mưa nhưng vẫn còn rõ từng đường nét, họa tiết.

Chùa Bối Khê có quá nhiều điểm đặc biệt mà bất cứ ai đến đây đều muốn có thật nhiều thời gian để khám phá. Trên sân chùa đặt một chiếc sập đá lớn với những họa tiết độc đáo mang nét đặc trưng nghệ thuật của nhà Mạc.

Điều đặc biệt không thể bỏ qua khi đến với chùa Bối Khê đó là đằng sau khuôn viên chùa còn lưu giữ một căn hầm từng là kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp.

Được đào vào tháng 1.1948, căn hầm này dài 3 km, có ba ngách, hai cửa, xuyên qua tòa thượng điện, chạy qua đền thờ Nguyễn Trực gần chùa và chạy vòng quanh làng, tạo ra thế liên hoàn chiến đấu dưới lòng đất. Hầm này có tác dụng chuyển quân dưới mặt đất và khi rút lui thì trở thành chỗ phòng thủ vững chắc. Tại đây, du kích làng Bối Khê đã từng chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên địch.

Hầm chùa Bối Khê hiện nay chỉ còn một đoạn dài khoảng 7m.
Căn nhà nơi có cửa xuống hầm Bối Khê.

Mô hình hầm chùa Bối Khê đã được nhân rộng ra các làng kháng chiến trong huyện Thanh Oai, rồi tỉnh Hà Tây (cũ) thời kỳ chống Pháp. Năm 1979, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử – cách mạng cấp quốc gia. Hiện nay các hầm trong xã Tam Hưng và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, bịt chặt, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê vẫn còn giữ được một cửa và căn hầm dài khoảng 7m.

Chùa Bối Khê được đánh giá là một trong 6 chùa lớn và cổ nhất tỉnh Hà Tây (cũ) gồm chùa Hương, chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương và chùa Trăm Gian. Hầm liên hoàn kháng chiến Bối Khê chính là di tích cách mạng đáng tự hào của nhân dân làng Bối Khê. Hiện nay, căn hầm này đã được trùng tu, tuy chỉ còn lại đoạn ngắn nhưng là nơi để người dân trong làng ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương cũng như giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ.

Ông Kiều Văn Pháo, một nhà giáo của quê hương, từng có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử cho biết chùa Bối Khê không chỉ là một ngôi chùa cổ, mà còn là một di tích kháng chiến, thể hiện lòng yêu nước của dân làng. Chúng tôi thường tự hào nói với con cháu về chùa và căn hầm này, mong sao các cháu nhìn vào đó mà cố gắng rèn luyện đạo đức, vươn lên trong học tập, nghề nghiệp để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn nữa.

LKLinh (t/h)

Video hay

Cùng chuyên mục

Ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý

Ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngăn ngừa, xử lý

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.