Xưa nay, những cây đại thụ thọ tầm vài trăm năm đã được liệt vào hàng hiếm. Ấy vậy nhưng khi nghe nói về một cây dã hương có tuổi đời lên đến cả nghìn năm ở Bắc Giang thì chúng tôi quyết phải thực mục sở thị, chiêm ngưỡng cho bằng được.
Niềm tự hào của người dân làng Giữa
Nghe câu chuyện về cây dã hương trên con đường dẫn vào làng Giữa (xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang) của anh Tuấn – cán bộ văn hóa xã, chúng tôi không khỏi tò mò về “cụ” cây này. Trước đã được nhìn trên ảnh treo văn phòng huyện Lạng Giang, rồi về UBND xã cũng được chiêm ngưỡng ảnh cây rất uy nghi, bề thế. Anh Tuấn cho hay dân làng thường gọi là cây dã, đi bất cứ đâu hỏi ai, già trẻ gái trai đều biết vì là niềm tự hào của cả làng anh.
Toàn cảnh cây dã hương nghìn tuổi.
Tới gần thôn Giữa, phóng tầm mắt ra xa đã thấy bóng cây khổng lồ vượt hẳn lên trên giữa lúp xúp những mái nhà. Khỏi cần chỉ đường, cứ bóng dáng cây ấy mà đi đến. Cây án ngữ trên dải đất cao, bên cạnh là ngôi đình cổ Viễn Sơn. Theo quan sát của chúng tôi, cây dã hương có thế đẹp, cân đối vững vàng, bề mặt vỏ cây xù xì, tán cây rộng che phủ một khoảng đất và mái đình bên cạnh. Nghe nói về cây đã nhiều, nhưng khi tận mắt nhìn, chúng tôi vẫn không khỏi kinh ngạc về sự uy nghi, hoành tráng của cây – nó còn hơn nhiều so với sự tưởng tượng.
Thấy có khách đến, ông Hoàng Viết Lê, cán bộ Ban Quản lý di tích, nhanh chóng mở khoá cổng, cũng không quên đính chính rằng ngày thường khoá để bảo vệ cây, chỉ khi có khách hay ai muốn vào thì ông mới ra mở.
Nhanh tay nhanh miệng, ông giới thiệu luôn cho chúng tôi nghe về “chỉ số” các vòng cùng tấm biển tự hào là Cây di sản quốc gia. Theo ông Lê, cây dã cao khoảng 36m, chu vi thân chỗ to nhất là 17,6m với tán rộng che phủ khoảng 2 sào đất và lớp vỏ dày khoảng 15cm.
Ông Lê cho biết thêm, vào thời Pháp thuộc, cây đã được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larouse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932; được Trường Viễn Đông Bắc Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam. Sau này, cây được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989 và đến năm 2012 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Đi một vòng quanh thân cây, quả thật chúng tôi choáng ngợp trước dáng vẻ uy dũng, cổ kính của đại thụ nghìn năm. Cây to khoảng tám người ôm. Dấu ấn thời gian có làm suy đi một số cành già yếu nhưng tổng thể của cây vẫn phô diễn đầy sức mạnh. Chồi xanh, lá biếc vẫn đua nhau khoe sắc trong tiết xuân lạnh giá.
Hỏi cây có từ bao giờ thì ngay cả các cụ già cũng không ai biết. Các cụ trong thôn chỉ kháo nhau rằng từ thời cha sinh mẹ đẻ đã thấy cây to và đẹp. Trước kia trong ngọc phả của thôn còn ghi lại dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), khi đi ngang qua thôn thấy cây to và đẹp quá đã sắc phong cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương” theo ý cây dã hương lớn nhất nước.
Vào mùa này, hoa chưa nở rộ nhưng những tán lá xanh non đã làm dịu đi cả một khoảng trời. Hoa dã hương thường nở vào cuối mùa xuân, có màu vàng nhạt. Theo nghiên cứu, dã hương là loại cây thân gỗ, thuộc họ long não, các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu nên gỗ cây thường được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, đồ gia dụng. Cũng chính bởi mùi hương và công dụng khử mùi ẩm mốc, xua đuổi ruồi muỗi nên người dân nơi đây coi “Dã đại vương” là cây thiêng giúp dân làng có sức khoẻ tốt, ít bị các bệnh dịch truyền nhiễm.
Huyền tích về thần mộc linh thiêng
Mải mê ngắm nghía hồi lâu, ông Lê mời chúng tôi vào đình Viễn Sơn uống chén trà khơi chuyện tiếp. Ngôi đình cổ nằm cạnh dáng cây cổ thụ hiện lên đẹp nên thơ, hình ảnh vốn là biểu tượng thân thiết và linh thiêng trong không gian văn hoá Việt. Đình Viễn Sơn cùng với cây dã hương nằm trong quần thể di tích xã Tiên Lục gồm Chùa Quang Phúc, Đền Tiên Lục và Đình Thuận Hoà. Ngôi đình cổ được xây dựng từ thời vua Lê Cảnh Hưng, là nơi thờ 6 vị Thành hoàng làng với nghệ thuật chạm khắc đặc sắc, có giá trị cao về nghệ thuật.
Gốc cây chừng tám người ôm mới hết.
Trong câu chuyện, chúng tôi được nghe ông Lê thuật lại rằng cây tồn tại ngàn năm, đã chứng kiến biết bao sự kiện, bao đổi thay của thời thế. Và, như thể thuận theo những thay đổi ấy các bậc cao niên đất Tiên Lục nhận ra mối liên hệ thú vị giữa dã hương cổ thụ với các sự kiện đương thời. Bởi dã hương không gãy cành vì gió bão, nhưng khi có một cành nào đó già khô rơi xuống điềm báo một sự chuyển biến lớn của đất nước. Ví như năm 1945, 1954, 1964, 1975… đều là những năm có sự thay đổi lớn trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, hay với sự kiện Việt Nam ra nhập WTO 2006 thì cây dã hương đều điềm báo bằng việc gãy đi một cành nào đó.
Những giai thoại trên chẳng rõ thực hư ra sao nhưng những câu chuyện về dã hương vẫn luôn tồn tại và ngày càng thú vị qua cách kể của mỗi người dân làng Giữa. Chẳng thế mà đã có các cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học để xác định tuổi của cây. Nào là chuyên gia, nhà nghiên cứu hội họp, bàn thảo để xác định cho được niên đại chính xác của “cụ Dã”. Nghe đâu trên thế giới chỉ còn 2 cây dã hương quý hiếm tuổi tầm 1000 năm nhưng một “cụ” ở châu Phi đã tạ thế nên dã hương Bắc Giang vinh dự là “độc nhất vô nhị”.
Dấu ấn thời gian để lại trên thân cây.
Vì tuổi đã cao, cũng là để trợ lực cho cây đứng vững nên dân làng Giữa đã dựng nên mấy cột trụ đỡ những cành già. Thậm chí, đã có thời điểm cả huyện Lạng Giang đã phải vào cuộc để tìm phương hướng bảo tồn cây quý như làm rào chắn bảo vệ, bồi bổ cây bằng cách bón phân, đất, bắt mối mọt xông cây… nhằm nỗ lực để gìn giữ cho được di sản quốc gia. Cũng trong kế hoạch bảo tồn cây dã này, hiện tỉnh Bắc Giang cũng đã triển khai việc tu bổ và tôn tạo quần thể đền Tiên Lục, chùa Phúc Quang… trên cơ sở định hướng phát triển du lịch văn hoá – tâm linh – sinh thái kết nối với di tích lịch sử vùng Xương Giang và khu căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.
Với những gì đã được mắt thấy tai nghe quả thực cây dã hương nghìn tuổi xứng tầm “đại mộc”. Vẫn hàng ngày từng đoàn khách đến du lịch, tham quan để chiêm ngưởng, tưởng thưởng cho riêng mình một “Dã đại vương” độc nhất vô nhị oai phong lẫm liệt. Cây đại thụ này không chỉ là cây di sản cần được bảo tồn và gìn giữ mà còn là biểu tượng của sức sống, của sự trường tồn trong bão giông, bom đạn như chính sự gan góc, quả cảm của con người, mảnh đất nơi đây.
Đình Tuyến – T.Toàn
Nguồn Báo điện tử Công Luận