Ba bảo vật quốc gia gồm: Tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng, bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh, bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng, đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.
Tại trưng bày, du khách có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ, mang yếu tố độc bản của 3 bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, gồm: Tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng, thế kỷ IX-X; Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng, thế kỷ X-XII.
Đây là những bảo vật quý hiếm của quốc gia, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào các năm 2018 và 2020.
Bảo vật quốc gia Tượng tu sĩ Champa Phú Hưng. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị trong các đền tháp Champa thuộc phong cách nghệ thuật Mỹ Sơn A1
Pho tượng có nguồn gốc từ tháp Chăm Phú Hưng (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) do Công an tỉnh Quảng Ngãi thu được từ người buôn đồ cổ vào năm 1994
Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 với các hiện vật: Khuyên tai, hoa tai và ba chiếc nhẫn được chế tác tinh xảo bằng vàng tự nhiên
Bộ trang sức có niên đại từ thế kỷ thứ X – XII và được tạo tác từ nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao nền văn hóa Champa
Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh gồm có 18 bình, lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay, kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn
Cận cảnh Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh. Hiện vật có niên đại khoảng 3.000 năm, là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ, được tìm thấy trong cuộc khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh thuộc xã Phổ Thạnh
Theo Ban Tổ chức trưng bày, thời gian qua, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước thuộc vùng biển miền Trung đã tìm thấy nhiều con tàu cổ bị đắm với hàng trăm ngàn cổ vật khác nhau được trục vớt.
Trong đó, năm 1997, tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15 được phát hiện gần khu vực đảo Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1999, tại Quảng Ngãi, qua thăm dò phát hiện tàu cổ Bình Châu 1 tại vùng biển thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ XV-XVII, thu được gần 500 hiện vật, đa số là đồ đồng. Năm 2011, cũng tại địa điểm trên, khai quật tàu cổ Bình Châu 2 thu được hơn 4.000 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm sứ, niên đại được xác định vào khoảng thế kỷ XIII-XIV.
Năm 2007, tại vùng biển tỉnh Bình Thuận, ngư dân đã phát hiện một con tàu cổ, thế kỷ XV. Năm 2016, một con tàu cổ thế kỷ XIII-XIV được phát hiện tại vùng biển tỉnh Bình Định.
Ngoài các bảo vật Quốc gia, bảo tàng còn trưng bày “Tinh hoa Di sản từ những con tàu cổ” với hơn 300 hiện vật quý
Bộ sưu tập đồ đồng được tìm thấy trong tàu cổ chìm ở vùng biển miền Trung
Hiện vật tàu đắm cổ Hà Tiên – Kiên Giang (thế kỷ XVIII)
Người dân tham quan, tìm hiểu về các hiện vật trưng bày
Từ những hiện vật được tìm thấy, có thể khẳng định miền Trung Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở châu Á trong thời kì hoàng kim của “con đường tơ lụa trên biển.
Trưng bày “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ” mang đến cho công chúng đam mê cổ vật và khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ với nhiều hiện vật đắt giá, ẩn chứa những giá trị to lớn.
T.Toàn. Nguồn ảnh: BTC
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/chiem-nguong-3-bao-vat-quoc-gia-tai-bao-tang-tinh-quang-ngai-post207882.html#p-0