Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới (gọi tắt là Chỉ thị 39), trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách tại Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tính đến ngày 22/4/2025, toàn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân 1.176 tỷ đồng cho 19.886 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng tổng dư nợ lên 8.335 tỷ đồng với hơn 163 nghìn hộ còn dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách đã phủ kín 180 xã, phường, thị trấn.
Song song với tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát tốt, với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02% và nợ khoanh 0,07% tổng dư nợ, đảm bảo yêu cầu duy trì nợ xấu dưới 0,2% như nghị quyết đề ra.
Minh chứng cho hiệu quả từ tín dụng chính sách, gia đình chị H Goanh Du, một hộ cận nghèo tại buôn Yok Đuôn, xã Yang Tao, huyện Lắk. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình chị H Goanh Du đã đầu tư mua 10 con bò sinh sản tại địa phương, không chỉ giúp thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa kiểm tra sử dụng nguồn vốn trên địa bàn huyện Krông Bông (Ảnh – Phương Linh).
Tương tự, gia đình bà Phan Thị Minh, một hộ gia đình tại thôn Yên Thành, xã Đắk Nuê, huyện Lắk đã được NHCSXH cho vay 90 triệu đồng để mở rộng mô hình trồng cà phê và sầu riêng. Với kinh nghiệm sẵn có, bà Phan Thị Minh cùng gia đình đã đem lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Mô hình này không chỉ giúp bà phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Bằng sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã phát triển mô hình sản xuất và tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình”, bà Minh tâm sự.
Tính đến ngày 22/4/2025, toàn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân 1.176 tỷ đồng (Ảnh – Phương Linh).
Trao đổi với Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa cho biết, thực hiện Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách tại Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân các buôn làng vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS, các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, chương trình tín dụng chính sách đã phủ kín 180 xã, phường, thị trấn. Nguồn vốn ưu đãi giúp người dân xây dựng nhà cửa, phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ông Đào Thái Hòa cho biết thêm.
Chỉ thị 39 đã kế thừa và mở rộng tinh thần của Chỉ thị 40, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong lĩnh vực tín dụng chính sách xã hội. Tại Đắk Lắk, việc triển khai Chỉ thị 39 được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp đồng bộ, như kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; chủ động tham mưu bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh và huyện; tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ trong xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Trong quý I/2025, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra hơn 13.500 hộ vay, 563 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đúng thời hạn. Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 Tổ TKVV đang hoạt động, trong đó tỷ lệ tổ được xếp loại tốt đạt hơn 99%.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số như phần mềm quản lý tín dụng, giao dịch thông minh qua ứng dụng VBSP Smart Banking cũng giúp rút ngắn thời gian giao dịch, tăng tính minh bạch và thuận tiện cho người dân, nhất là ở địa bàn khó khăn.
Hiệu quả tích cực từ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là minh chứng rõ nét cho tinh thần Chỉ thị 39: lấy người nghèo và các đối tượng yếu thế làm trung tâm của phát triển, coi tín dụng chính sách là công cụ quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội. Nguồn vốn không chỉ giúp người dân vượt qua nghèo đói mà còn góp phần khơi dậy nội lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo theo lộ trình và đóng góp vào thành công của các Chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị 39, ưu tiên vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người mới chấp hành xong án phạt tù, hộ thiếu nước sạch, thiếu nhà ở,.. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng ủy thác, quản lý nợ, mở rộng tuyên truyền và củng cố mạng lưới Tổ TKVV tại cơ sở./.
PV