Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc đã mang lại làn gió mới cho sân khấu miền Nam sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.
Mới đây, nhiều khán giả chia sẻ tiếc nuối vì không mua được vé xem vở Lạc giữa biển người (kịch bản: Như Trúc, đạo diễn: Minh Nhật, cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu). Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Hoài Linh, nghệ sĩ Việt Hương cùng dàn diễn viên: Khương Ngọc, Hồng Trang, Huỳnh Tiến Khoa, Bảo Anh, Duy Tiến… Đặc biệt, vở kịch đánh dấu sự trở lại của NSƯT Hoài Linh sau thời gian dài vắng bóng.
Sự trở lại đầy sức hút của nghệ sĩ Hoài Linh
Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc dành cho khu vực phía Nam đang diễn ra tại TP.HCM (từ ngày 3 đến 17-1). Đến thời điểm hiện tại, kỳ liên hoan đã đi qua gần một nửa chặng đường. Nhiều vở diễn đã đến với khán giả như: Tình lá diêu bông (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ), Lạc giữa biển người (Hội Sân khấu TP.HCM), Bạch Hải Đường (Công ty TNHH Giải trí Hoàng Thái Thanh), Ngã rẽ (Công ty cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn)…
Trong đó, Lạc giữa biển người như một hiện tượng. Nhiều khán giả cho biết họ không mua được vé. Còn những người đến xem cũng cam kết không quay phim, chụp ảnh khi vở diễn đang diễn ra. Phải nhìn nhận rõ ràng rằng chưa nói đến nội dung, chỉ riêng sự trở lại của nghệ sĩ Hoài Linh kết hợp cùng nghệ sĩ Việt Hương trong vở kịch này đã tạo nên sức hút lớn.
Vở kịch xoay quanh tình người ở một xóm trọ nghèo với chú Tài (Hoài Linh) – ông chủ nhà trọ, vợ chồng Trâm – Sơn (Thanh Hiền và Huỳnh Tiến Khoa) bán cháo lòng, dì Năm ve chai (Việt Hương), Phi (Khương Ngọc) – dân anh chị mới mãn hạn tù về… Vở kịch tạo nên nhiều tiếng cười và cũng lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Tác phẩm khép lại với cái kết mở, khán giả có đôi chút hụt hẫng vì có cảm giác về cuối kịch bản hơi đuối sức nhưng Lạc giữa biển người vẫn trở thành hiện tượng bởi nội dung nhân văn, ý nghĩa, đọng lại nhiều suy nghĩ, cảm xúc cho khán giả khi xem vở kịch này.
Bên cạnh Lạc giữa biển người, nhiều vở kịch khác cũng “cháy vé”, khán giả không mua được vé để xem. Như vở Bạch Hải Đường (sân khấu Hoàng Thái Thanh) chỉ mấy chục phút vé đã bán hết veo.
Là diễn viên tham gia vở Bạch Hải Đường, NSƯT Tuyết Thu cho hay: “Được bao nhiêu vé thì đều được bán hết sạch. Sân khấu cũng có tiêu chuẩn bán thêm vé cho khán giả, hình như là 100 vé nhưng chỉ trong một ngày sau khi sân khấu thông báo thì vé đã được bán đi nhanh chóng.
Tôi thấy rất vui vì điều đó, bởi trong quãng thời gian dài nghỉ dịch như vậy thì khán giả vẫn nhớ đến sân khấu và mong muốn đến sân khấu thưởng thức những vở kịch sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Đây là một tín hiệu rất vui của tất cả anh chị em diễn viên như chúng tôi”.
Hẹn hoài nay mới làm liên hoan thật
Đây là một kỳ liên hoan sân khấu rất đặc biệt. Sự kiện diễn ra sau nhiều lần bị dời, tạm hoãn. Ban đầu liên hoan kịch nói toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 7-2021 tại Hải Phòng, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã dời lại vào tháng 11-2021. Thời điểm đó, TP.HCM vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên đa phần đại diện sân khấu phía Nam đề xuất hoãn, không thể thi theo hình thức trực tuyến. Liên hoan kịch nói toàn quốc đợt 1 vẫn diễn ra vào tháng 11-2021 ở Hải Phòng như dự kiến sau nhiều lần dời lịch. Đến tháng 1-2022, liên hoan dành riêng cho sân khấu miền Nam mới chính thức diễn ra.
Điểm đặc biệt thứ hai phải kể đến số lượng đơn vị và vở kịch tham gia liên hoan. Năm nay, chỉ riêng sân khấu phía Nam có tới 20 đơn vị tham gia với 26 vở kịch phục vụ khán giả, con số hoàn toàn vượt trội. Nói vượt trội bởi Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 có 27 vở diễn của 22 đơn vị sân khấu trên cả nước, trong đó có 13 đơn vị là sân khấu ngoài công lập.
Đây cũng là năm đầu tiên hội tụ hàng loạt sân khấu tư nhân rộn ràng tham gia. Nhiều sân khấu tổ chức bán vé nhưng với số lượng rất hạn chế, không thỏa được “cơn khát sân khấu” của khán giả sau gần một năm trời ròng rã đóng cửa, tê liệt. Nhiều nghệ sĩ tâm sự bán vé không phải vì lợi nhuận mà như một hình thức để thăm dò khán giả sau thời gian dài sân khấu phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Có những sân khấu đóng cửa đã 6-7 tháng, cũng có sân khấu tính đến thời điểm liên hoan, họ đã đóng cửa suốt gần một năm trời.
Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi mang đến liên hoan vở Blouse trắng kể về thời gian khốc liệt khi thành phố căng mình chống dịch.
NSƯT Trịnh Kim Chi từng chia sẻ rằng giữa tâm dịch, trong thời gian cao điểm chống dịch bệnh của TP, nữ nghệ sĩ đã ấp ủ về chủ đề này. Xem, đọc và trực tiếp chứng kiến hiện thực khốc liệt… là những chất liệu cuộc sống ngồn ngộn giúp chị lên ý tưởng và thực hiện. Sau giãn cách, NSƯT Trịnh Kim Chi đã chủ động liên lạc với tác giả Miên Thảo để bàn bạc và lên ý tưởng về kịch bản này… “Bạn nghĩ đi, với lực lượng diễn viên gần 40 người trong một vở diễn giữa lúc dịch bệnh COVID-19 như thế này quả thật đau đầu. Ba ngày test một lần cho an toàn. Thật may mắn cho đến bây giờ, trộm vía… mọi thứ đều rất suôn sẻ và thuận lợi” – NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết.
Theo Pháp luật