Người dân quê tôi gọi quất hồng bì hay hoàng bì, quất bì với tên thân thuộc là “dổi”.
Ngày rời quê vào Nam lập nghiệp, cây dổi bên hiên nhà mới cao ngang tầm người tôi. Ấy vậy, sau mấy năm trở về, mắt tôi chẳng thể nào tin được… cây dổi năm nào giờ cao lớn đến bất ngờ.
Dổi là loại cây sinh trưởng khỏe mạnh. Nó có khả năng chịu hạn, chịu úng và chống chọi sâu bệnh rất tốt. Dổi cho tán rộng, tạo không gian xanh mát. Vì vậy, người dân quê tôi thường chọn dổi trồng trong vườn nhà. Ban đầu là lấy bóng mát, sau đó là ăn quả, rồi trở thành nguồn thu nhập cải thiện kinh tế gia đình.
Bố tôi nói đúng, dổi là đặc sản của quê tôi và chỉ riêng quê tôi thì dổi mới cho cùi dày, hạt nhỏ cùng hương vị thơm ngọt đặc trưng. Sau mỗi lần thu hoạch dổi, nhà nào trồng nhiều thì thường bán cất (bán sỉ) cho thương lái. Nhà nào trồng ít thường mang ra chợ quê bán. Dổi bán ở chợ quê thì chỉ cần 4.000-5.000 đồng là mua được chùm dổi dày cùi ngọt lịm.
Cây dổi
Dổi là loại quả sạch và lành, tốt cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Khi đi nắng về, chỉ cần hái chùm dổi ăn, vừa khỏe người vừa giải nhiệt, không gì cho bằng. Có một điều đặc biệt là các bộ phận cây dổi (lá, quả, hạt) đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh cảm cúm, hạ sốt, long đờm, kích thích tiêu hóa… rất tốt. Còn nhớ mỗi lần chúng tôi bị nấc cụt, mẹ chỉ lấy mấy quả dổi chín dầm với chút mật ong, hấp cách thủy, đem pha với nước uống thế mà chứng nấc cụt mất hẳn.
Dổi là loại quả chứa nhiều dinh dưỡng. Nó được mệnh danh là “vua” trái cây mùa hè; còn được đặt ngang hàng với quả vải, xếp vào hàng “tuyệt phẩm” trong họ hàng trái cây.
Vì lập nghiệp xa nhà nên mỗi mùa dổi về, mẹ tôi thường điện vào Nam với giọng hồ hởi, quen thuộc: “Năm nay, dổi chín ngọt lắm!”. Vậy là tôi hiểu bố mẹ muốn chúng tôi về thăm. Vì thế, cây dổi bên hiên nhà còn là niềm vui của bố mẹ, của hạnh phúc gia đình!
An Viên
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/cay-doi-ben-hien-nha-20220726194150492.htm