Trong đời sống văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa tới nay, cây Dâu Tằm có một vị trí hết sức đặc biệt. Nó đã đi vào tâm hồn người Việt của nhiều thời đại, gắn bó chặt chẽ với sinh mệnh của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, qua sinh hoạt hàng ngày, qua phong tục tập quán, qua tôn giáo tín ngưỡng, qua phương ngôn- ca dao tục ngữ, qua văn chương bác học…
Người vợ chốn thôn dã thì ươm tơ, quay sa, dệt vải để chồng nuôi chí giành bia đá bảng vàng: Sáng trăng chiếu rải đôi hàng/ Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ (Ca dao). Người vợ trong khuê các thì thêu thùa ngóng chồng nơi sa trường, mượn ngàn dâu để gửi gắm nỗi niềm nhớ thương sâu thẳm: Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai (Chinh phụ ngâm khúc- Đoàn Thị Điểm dịch). Còn cả người dân thường lẫn bậc vua chúa đều thường suy ngẫm cuộc đời qua hình ảnh Bãi bể Nương dâu (Thương hải Tang điền). Cuộc đời của không ít người phụ nữ danh tiếng nước Việt gắn với cây dâu – như bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (Tựa gốc dâu); và Phật Mẫu Man nương, cùng hệ thống Tứ Pháp Việt gắn với đạo Phật nguyên thuỷ của nước ta, gắn với chùa Dâu – trung tâm Phật học đầu tiên của Việt Nam cũng xuất phát từ huyền thoại về cây dâu tại vùng dâu bạt ngàn của Luy Lâu xưa – Thuận Thành, Bắc Ninh nay. Như vậy, Phật Tổ Việt và Tứ Pháp là hiện thân của cây Dâu ( Tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” thời Trần lần đầu kể lại câu chuyện này).
Đối với người Việt Nam, những bãi dâu mênh mông xanh mướt thể hiện cái tâm lý mong mỏi số phận cá nhân được hài hoà với thiên nhiên. Theo tín ngưỡng dân gian, gỗ cây dâu tương truyền có phép trừ ma quỷ nên các thầy pháp thường dùng cây roi bằng gỗ dâu trong các động tác phù chú, và vòng dâu tằm là loại vòng để đeo cho các trẻ sơ sinh chống tà ma, tránh vía nặng từ ngày xưa, hiện vẫn đang được làm ra… Hơn ở đâu hết, tại Việt Nam, cây dâu là sản phẩm của nền văn minh lúa nước (Khác hẳn với nền văn minh du mục của người phương Bắc).
Tâm lý và thái độ trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ là tinh thần khá đặc thù của người nông nghiệp thuộc văn minh lúa nước- đó là nền văn minh coi trọng ngôi nhà, cái bếp, vườn dâu, vườn cà, và đặc biệt coi trọng phụ nữ (Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng). Theo các nhà nghiên cứu văn hoá của VN, cùng với nghề trồng lúa nước thì nghề tằm tang có từ rất sớm. Trong các di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đá mới có dấu vết của vải và dọi xe chỉ bằng đất nung; còn ở giai đoạn Đông Sơn, hình người trên trống đồng đều mặc áo, váy và đóng khố… Người đẹp vì lụa/lúa tốt vì phân (Tục ngữ).
Nông và tang – cấy lúa và trồng dâu là hai công việc quan trọng luôn gắn bó với người dân nông nghiệp VN, và đó cũng là hai đặc điểm tiêu biểu của văn hoá phương Nam (Trong chữ Man mà người Hán dùng để chỉ người phương Nam có bộ Trùng chỉ Con Tằm). Tại làng Nành xưa- Ninh Hiệp nay (thuộc quận Gia Lâm, Hà Nội), các Mẫu thần qua các đời cũng đồng thời là Thành hoàng làng đã dạy dân các nghề: nghề thuốc Nam, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nghề ca hát Trống quân…(1). Trong tiếng Việt cổ, chữ Dâu có nghĩa là Mẹ, rước Dâu là rước một người về làm Mẹ. Sử thi Mường “Đẻ Đất đẻ Nước” có kể về một cây gốc là “Chu đá lá Chu đồng” đã sinh ra Người và Mường, Nước – cây đó chính là cây Dâu Da, hoặc cây Dâu(2). Cùng với cây Đa, cây Si, cây Đề, cây Mận, cây Dâu cũng đã trở thành một biểu tượng của thế giới thần linh; có điều, khác với các loại cây thần, cây Dâu có sự gắn bó đặc biệt với số phận người phụ nữ Việt Nam tự bao đời…
Để có được nhiều lứa tằm trong năm, người Việt xưa đã lai tạo ra được nhiều giống tằm phù hợp với các loại thời tiết nóng, lạnh, khô, ẩm. Đây là một nghề hết sức cực nhọc vất vả: Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa (Tục ngữ). Từ tơ tằm, người Việt đã tạo ra nhiều loại sản phẩm phong phú: tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, nái, sồi, vân, thao… Mỗi loại lại có hàng chục mẫu mã khác nhau (Ví dụ, riêng lụa thì có: lụa mỏng, lụa dầy, lụa trắng, lụa trơn, lụa mỡ, lụa bóng, lụa ngũ sắc…). Từ năm 1749, một người phương Tây là Poivre đã khẳng định rằng: tơ lụa Việt Nam so với tơ lụa Trung Quốc hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế. Theo điều tra của tiến sĩ Pierre Gourou, trong số 108 nghề thủ công ở đồng bằng Bắc bộ vào năm 1935, thì nghề dệt đứng hàng đầu với trên 54 nghìn thợ dệt; và thời thuộc Pháp, tơ lụa VN đã trở thành một nguồn lợi to lớn(3).
Cây dâu cũng bước vào đời sống văn hoá của nhiều dân tộc khác. Lật trong sử sách Đông Tây kim cổ, chúng ta sẽ thấy nhiều trang từng ghi lại rằng: nếu cần phải tìm kiếm một loài cây có khả năng làm “thay đổi thế giới”, thì đó chính là cây dâu tằm. Đây là thứ cây vốn được trồng để dành cho nghề nuôi tằm- một nghề phổ biến ở hầu hết các vùng dân cư ven sông ở nhiều nước. Nhưng, như đã phân tích ở trên, cây dâu tằm trước hết là thứ cây đặc thù của Việt Nam, của Phương Đông. Theo “Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới”, ở nước Trung Hoa cổ đại, cây dâu là nơi ở của Mẹ các mặt trời, và là nơi qua đó vầng dương lên.
Khi Hoàng Đế xuất phát từ Không tang (cây dâu rỗng) để vươn lên nắm vương quyền, ông đi theo bước mặt trời được cầm nhịp bằng tiếng gõ vào cái hòm cộng hưởng làm bằng gỗ dâu. Việc xuất hiện những cây dâu thần kỳ ứng với các biến cố của các vương triều bị coi là điềm dữ- chắc là do mặt trời lên báo hiệu hạn hán như một sự trừng phạt của trời…(4). Nhưng còn nghề tằm tang, theo sách “Hoàng đế nội kinh”của Trung Hoa, người phương Bắc đã tiếp thu được nghề trồng dâu nuôi tằm của người phương Nam. Qua thời gian, cây dâu tằm đã dần trở thành một biểu tượng văn hoá quan trọng của nhân loại, và là nguồn gốc của cả một cuộc cách mạng văn hoá – kinh tế có tầm vóc thế giới từ thời trung đại, đó là “Con đường tơ lụa” nổi tiếng…
Cây dâu còn có nơi gọi là cây Mạy môn, cây Tầm tang…, chúng sinh sống ở nhiều bãi sông. Ngày nay, tuy nghề quay tơ dệt lụa đã dần mai một, nhưng ở bất cứ làng cổ nào ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh cây dâu tằm và nghề tằm tang trên đình, chùa, miếu mạo, ở các bờ rào, ở địa danh (Sông Dâu ở vùng Thuận Thành phải chăng là hình ảnh của những bãi dâu trập trùng bên sông xưa kia?); và học sinh phổ thông bây giờ còn biết đến nghề canh cửi truyền thống qua hình ảnh con cò gỗ trong câu thơ Hồ Xuân Hương: Con cò thao thức suốt năm canh…
Nhưng không chỉ tạo ra tơ lụa, cây dâu tằm còn có những giá trị kinh tế và y học lớn lao mà thời gian đã dần dần chứng thực một cách thầm lặng. Lá và các bộ phận của cây dâu tằm còn là một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu trong nhiều bài thuốc Đông y chữa trị biết bao thứ bệnh cho trẻ em, người lớn, người già, phụ nữ, mà ông cha ta đã gọi là “tiên dược”. Trong hai tác phẩm lớn: “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tư y thư”, đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ của thuốc Nam cũng đã xác định rõ các thành phần của cây dâu: thân, vỏ, rễ, cành dâu, thậm chí các loại sâu dâu, tầm gửi, tổ bọ ngựa trên cây như là những thần dược, và cụ đã áp dụng vào chữa thành công nhiều căn bệnh cụ thể, từ bệnh thông thường tới các bệnh nan y.
Ngày nay, dược tính của các bộ phận cây dâu đã được xác định rõ, từ Vỏ rễ (Tang bạch bì); Lá (Tang diệp); Cành (Tang chi); Quả dâu (Tang thầm); Tầm gửi trên cây dâu (Tang ký sinh); Tổ bọ ngựa trên cây dâu (Tang phiêu tiêu), đến Phân tằm (Tang sa). Nhiều lương y ngày nay đã vận dụng sáng tạo các bài học của cụ Tuệ Tĩnh và kinh nghiệm trong dân gian để xử dụng các bộ phận của cây dâu làm thành các vị thuốc Nam rẻ tiền mà vô cùng hiệu nghiệm.
Tại một lớp học độc đáo duy nhất trên đất nước ta – lớp dạy miễn phí về cây thuốc Nam ở ngay Đền Bia thờ thánh y Tuệ Tĩnh (Cẩm Văn- Cẩm Vũ- Cẩm Giàng- Hải Dương), thầy thuốc Đông y Nguyễn Anh Tuấn đã giảng cho các học viên nhiều tỉnh thành về các loại cây thuốc Nam; và một trong những loại cây dược liệu được thầy dạy một cách kỹ lưỡng với niềm mê say chính là cây dâu tằm, hiện cũng được trồng ở khuôn viên đền Bia…
Do biết được giá trị được liệu trong lá dâu & quả dâu, nên việc dùng chúng làm các món ăn & thức uống ngày càng phổ biến, còn trong các nhà hàng sang trọng chúng được coi là một thứ đặc sản. Từ những nghiên cứu khoa học về giá trị nhiều mặt của cây dâu, các hoạt động sản xuất kinh doanh từ cây dâu đã được đẩy mạnh, và từng bước đưa vào dây chuyền công nghệ: ngoài việc chế biến thành các dược liệu, cây dâu còn được làm thành các đồ mỹ nghệ tinh xảo, làm rượu dâu, kẹo dâu, mứt dâu… Lần đầu tiên, một nông dân ở Quảng Trị đã mạnh dạn đưa cây dâu tằm vào trồng đại trà, với hơn 2.000 gốc dâu tằm. Đến giờ, sản phẩm quả dâu tằm tươi và “rượu dâu tằm Quốc Khánh” của gia đình ông Quốc đã có thương hiệu. Ở các địa phương trên toàn quốc, nhiều vườn dâu, bãi dâu đang được tái sinh, hoặc được trồng mới, như một nguồn nguyên liệu quý và dồi dào cho ngành Nam dược.
Ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, nhiều giá trị dược liệu và kinh tế khác của cây dâu tằm càng được khai thác sâu rộng; và bởi nó chứa đựng chiều dầy của văn hoá-lịch sử dân tộc, nên hiện đang có một đề xuất lớn: Cây dâu tằm cần được tôn vinh là một Quốc Thụ, Quốc Dược, Quốc Bảo! “Trải qua một cuộc bể dâu”, tinh thần “Nam dược trị Nam nhân”chói sáng của đại danh y- thiền sư Tuệ Tĩnh hơn bao giờ hết cần được tôn vinh, toả rạng – thông qua một thứ cây mang nặng tâm hồn dân tộc suốt mấy ngàn năm, đó là cây dâu tằm…
—————————————–
Đặng Văn Lung- Lịch sử và văn học dân gian, Nxb Văn học- 2003, tr. 553
Lịch sử và văn học dân gian- Sđd, tr. 623
Trần Ngọc Thêm -Tìm về bản sắc văn hoá VN- Nxb Tổng hợp Tp HCM-, 2006, tr. 377-378.
Jean Chevalier & Alain Gheerbrant- Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới – Nxb Đà Nẵng, 2015- Mục Cây dâu tằm- tr. 244
Nhà văn, đạo diễn Mai An nguyễn Anh Tuấn/VHVN