55 cầu thủ U25 phải tham dự một khóa quân sự khi mùa giải đang diễn ra – quyết định bị chỉ trích là giết chết bóng đá Trung Quốc.
Những năm gần đây, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) liên tục đưa ra những quyết định lạ lùng. Thông báo mới nhất của tổ chức này về việc yêu cầu các CLB đang chơi ở Super League và giải hạng Nhất phải nhả 55 cầu thủ từ 25 tuổi trở xuống để tham dự một khóa đào tạo quân sự ngắn hạn. Một hành động mà tờ South China Morning Post ví rằng “như tự bắn vào chân mình”.
55 cầu thủ U25 được chọn từ các CLB phải tham dự một khóa đào tạo quân sự ngắn hạn. Ảnh: Twitter.
Sau thông báo được phát đi ngày 2/10, 55 cầu thủ thuộc diện triệu tập phải lập tức chia tay CLB để tham gia khóa đào tạo quân sự đến hết ngày 28/12. Vài ngày sau khi khóa đào tạo này bắt đầu, trên các mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh các cầu thủ sinh hoạt như những quân nhân. Họ được đào tạo chung với một lực lượng đặc biệt của quân đội Trung Quốc.
Lúc này, mùa giải bóng đá Trung Quốc đang đến giai đoạn nước rút. Quyết định kể trên khiến nhiều CLB mất một số trụ cột ở thời điểm quan trọng. Trong khi đó, đội tuyển Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Marcello Lippi đang chuẩn bị cho hai trận giao hữu với Ấn Độ và Syria, còn đội U21 do Guus Hiddink quản lý tập huấn ở Hà Lan.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bắt cầu thủ tham dự khóa đào tạo quân sự. Năm 2007, CFA từng ra một quyết định tương tự, nhưng sau đó Trung Quốc bị loại ở vòng loại thứ hai World Cup 2010. Chủ tịch CLB Bắc Kinh Guoan – Zhou Jinhui lo ngại rằng các lãnh đạo của nền bóng đá nước nhà đang lặp lại sai lầm cũ.
Các cầu thủ U25 trình diện ở đại học thể thao Bắc Kinh để tham dự khóa học 4 ngày về tình đoàn kết trước khi bước vào những ngày đào tạo quân sự. Ảnh: Twitter.
Zhou là một trong những người lên tiếng về việc bị mất quân trong giai đoạn cuối mùa giải. Bắc Kinh Guoan sẽ mất ngôi sao Wei Shihao và hàng loạt cầu thủ trẻ khác cho trận chung kết Cup quốc gia. Đối thủ của họ – Sơn Đông Lỗ Năng – cũng mất 6 cầu thủ. Sơn Đông đang chạy đua cho suất dự Champions League châu Á mùa sau. Trong khi đó, ứng cử viên vô địch Super League Quảng Châu Hằng Đại mất 5 cầu thủ. Thiên Tân Quyền Kiện mất hai cầu thủ tấn công. Đối thủ của họ trong cuộc chiến trụ hạng Dalian Yifang mất hai hậu vệ.
Báo chí nước ngoài đã đặt câu hỏi về quyết định của CFA, cảm thấy khó hiểu với độ tuổi họ đưa ra vì theo quy định của FIFA, chẳng có giải đấu nào dành cho lứa cầu thủ U25. Một số thông tin đồn đoán rằng 55 cầu thủ này sẽ là một đội hình thứ hai, cung cấp thêm sự lựa chọn cho đội tuyển quốc gia.
Với những cầu thủ không thể hiện được ý chí như yêu cầu khi tham dự khóa đào tạo, họ sẽ bị đuổi khỏi trại tập trung và cấm tham dự mọi giải đấu bóng đá. Thậm chí, một vài nguồn tin ở Trung Quốc còn tiết lộ rằng một đội bóng mới sẽ được thành lập dựa trên 55 cầu thủ này, bắt đầu thi đấu tại Super League từ mùa giải năm sau và được đặc cách đá với đội nào thì đội đó bị cấm dùng ngoại binh.
Nếu đây là sự thật, Trung Quốc sẽ đi ngược lại xu hướng phát triển cầu thủ trẻ của bóng đá thế giới. Thay vì cho cầu thủ trẻ cơ hội được chơi những trận cầu đỉnh cao, so tài với những đối thủ giỏi nhất, họ sẽ đấu với những đội bóng gồm các đàn anh từng gây thất vọng trong màu áo đội tuyển.
Các cầu thủ tham dự khóa đào tạo quân sự tại Thái An sẽ được hướng dẫn bởi một lực lượng đặc biệt của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Nghe có vẻ điên rồ nhưng trong một nỗ lực cùng quẫn để cải tổ nền bóng đá khi chứng kiến sự đi xuống của bóng đá trẻ, CFA đã đưa ra nhiều quyết định khó hiểu. Đầu mùa giải 2018, họ thông báo các CLB phải sử dụng số cầu thủ U23 bằng số ngoại binh trên sân và yêu cầu mỗi đội phải sử dụng ít nhất một cầu thủ U23 trong đội hình xuất phát và một người khác ở đội hình dự bị trong mỗi trận đấu.
Chưa đầy 24 tiếng sau thông báo triệu tập 55 cầu thủ U25, CFA ra thông báo mới: các CLB sẽ được giảm một chỉ tiêu cầu thủ U23 trong đội hình cho mỗi cầu thủ U23 được gọi vào đội tuyển. Quy định được cho là vô nghĩa vào lúc này khi đội tuyển Trung Quốc không tham dự giải đấu nào.
Quyết định buộc 55 cầu thủ bỏ qua phần còn lại của mùa giải là bước đi mới nhất của CFA sau khi lãnh đạo tối cao của tổ chức này – Cai Zhenhua – rời vị trí ông nắm từ năm 2014. Ngôi sao bóng bàn một thời này bị cách chức phó Tổng cục trưởng tổng cục thể thao và Chủ tịch CFA.
Những người hâm mộ hiếm hoi lạc quan về một viễn cảnh tươi sáng cho bóng đá Trung Quốc sau sự ra đi của Cai Zhenhua có thể phải thất vọng. Tin đồn về việc huyền thoại bóng rổ Yao Ming sẽ tiếp quản ghế Chủ tịch CFA xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội và nếu đó là sự thật, con tàu bóng đá Trung Quốc một lần nữa sẽ được lèo lái bởi một nhân vật không có kinh nghiệm về bóng đá.
Những thay đổi ở thượng tầng này cùng với việc nhà cầm quân gạo cội Marcello Lippi khẳng định sẽ chia tay đội tuyển vào tháng 1/2019, sau khi Asian Cup kết thúc, có thể sẽ khiến bóng đá Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong lúc chưa tìm được sự ổn định, những quyết định mới vẫn được đưa ra. Cầu thủ bị bắt phải chấp hành trong khi làn sóng phản đối từ người hâm mộ ngày một tăng lên.
Theo Di Khánh (VnExpress)