Câu chuyện về hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam

18:40 | 16/12/2021

Hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam mang tên “Cảm hiếu đường” xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1869, 30 năm sau khi nhiếp ảnh thế giới ra đời.


Người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam

Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào nước ta. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1847, người xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng được vua Tự Đức cử đi sứ đến Quảng Châu, Hương Cảng và Ma Cao.

Chân dung Đặng Huy Trứ. (Tranh: Họa sĩ Li Ruiyan, Ảnh Bảo Ngậu, Wikipedia, Public Domain).

Trong lần đến Hương Cảng năm 1865 để mua thuốc súng, Đặng Huy Trứ đã tận mắt nhìn thấy một chiếc máy có thể chụp và lưu giữ kỷ niệm. Ông liền chụp 2 tấm ảnh, hỏi kỹ càng kỹ thuật làm ảnh. Việc chụp ảnh có thể lưu giữ kỷ niệm khiến ông cứ suy nghĩ mãi, tìm cách đưa loại máy này về nước.

Năm 1867, ông lại được cử đi Hương Cảng, lần này ông đặt mua máy cùng vật liệu, hỏi kỹ cách dùng rồi đưa về nước.

Hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội

Đến ngày 2/2 năm Kỷ Tỵ 1869, Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh đầu tiên ở phố Thanh Hà – Hà Nội, mang tên “Cảm hiếu đường”. Ông thuê một người Hoa là Dương Khải Trí cùng mình vận hành hiệu ảnh. Sự việc này được ông viết lại trong cuốn “Ðặng Hoàng Trung Văn”.

Phố Thanh Hà, nơi cụ Đặng Huy Trứ lập Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, năm 1869. (Ảnh: Báo Giáo Dục Online)
Ô Quan Chưởng, Hà Nội. (Ảnh: Manhhai, Flickr).

Phố Thanh Hà ngày xưa chính là một phần kéo dài của Ô Quan Chưởng (khu vực cuối Hàng Chiếu) ngày nay. Tên gốc của cửa ô này là Ô Thanh Hà, sau này đổi lại Ô Đông Hà, rồi dân gian gọi là Ô Quan Chưởng.

Đặng Huy Trứ mở hiệu ảnh này không phải để kinh doanh mà là để giới thiệu phát minh mới, giúp mọi người lưu lại bức ảnh cha mẹ để thờ phụng khi qua đời, vì thế mà ông đặt tên cho hiệu ảnh của mình là “Cảm hiếu đường”. Sau này khi giới nhà giàu và quan lại đã quen và quan tâm thì ông mới thu tiền.

Trước cửa hiệu của mình, Đặng Huy Trứ treo đôi câu đối:

Nhân yên trù mật Thanh Hà phố,
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường.

Dịch:

Thanh Hà phố ấy dân trù mật,
Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng.

Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng,
ảnh giai tiếu tượng thế tương truyền.

Dịch:

Hiếu thờ cha mẹ người người muốn,
Ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền.

“Cảm hiếu đường” là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với lời giới thiệu như sau:

Trộm nghe: Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tay ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần. Muốn đi sâu vào ngọn nguồn, xin thử trình bày gốc ngọn của việc đó. Từ thuở mới có trời đất, chỉ có con người là tinh anh. Và trong cái đức tốt đẹp của đạo lý thì “hiếu” là đầu của trăm nết. Vì thân thể của người ta là nhận được của cha mẹ. Sau 3 năm mới khỏi bế ẵm. Cực kỳ phú quý như bậc công hầu, khanh tướng cũng không có cách nuôi nào khác, dù chỉ trong một ngày. Khi bé bỏng thì bồng bế yêu thương, suốt đời thì nhớ, thì quý, lòng này lẽ ấy như nhau. Gặp ngày giỗ thì khóc, ngày sinh thì thương, lương tri, lương năng đều vậy. Đi ắt thưa, về ắt trình, người có nhân không nỡ có lòng xa rời cha mẹ. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu không nỡ có ý quên cha mẹ. Dù ở nơi quan san cách trở, mãi vẫn ôm nỗi nhớ! Huyên cỗi xuân già, không kịp báo đáp thì suốt đời mang mối hận ngàn thu. Một bức thư nhà gửi đến, thuật lại việc ăn ở, thức ngủ, nhưng chẳng thấy dung nhan. Hai hàng thần chủ nương hồn ghi rõ họ tên mà không tường diện mạo. Trèo lên núi Hỗ trông cha, trèo lên núi Dĩ trông mẹ, mong ngóng mà nào thấy mặt. Cầu cõi âm, cầu cõi dương hòng mắt thấy tai nghe nào có gặp được. Xưa, Vương Kiến Thành tâm ứng mộng nhưng thức ngủ đều không thấy hình, thấy ảnh. Thiếu Nguyên trích máu nhận hài cốt nhưng nhan diện đã cùng nát với cỏ cây. Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ nhưng bóng dâu đã ngã. Đinh Lan đẽo tượng thờ cha mẹ nhưng e rằng tóc da khắc lên khó giống. Tình này nghĩa ấy, ai có, ai không?

Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất.

Hoặc có người bảo: việc này đầu tiên là từ bọn cừu thù, nay bọn tôi cũng bắt chước Tây Thi nhăn mày e phương hại đến nghĩa khí chăng? Mong làm tan sự nghi ngờ của những người chưa hiểu rõ, lại xin nói thêm về cách chụp ảnh từ đâu mà ra. Đầu tiên là từ người Anh, chứ không phải là người đồng đảng của bọn Pháp, sau truyền vào nước nhà Thanh là nước có bang giao với nước Đại Nam ta. Vốn đầu đuôi là như vậy, há lại vì giận cá mà chém thớt hay sao? Sự thực là như vậy chẳng phải nói thêm.

Nay cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe đi lại, chiêu hàng rộng rãi. Quý khách nếu có ý thích, động lòng hiếu thảo, trẻ thưa trình với các vị tôn trưởng, con em bẩm lên các bậc cha mẹ, Một tấm chân dung mà tỏ được tấc lòng ái mộ sâu đậm.

Xin xem bản kê giá tiền dưới đây, tùy sở thích. Không dám dối trẻ lừa già.

  • Mặc đại triều phục, ảnh đầu mỗi ảnh giá tiền là 5 đại nguyên, thành tiền là 27 quan 5.
  • Mặc thường triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá bạc là 4 đại nguyên, thành tiền là 22 quan.
  • Mặc áo dài, mặc quần áo trong nhà, bản đầu mỗi ảnh giá bạc là 3 đại nguyên, thành tiền là 16 quan 5.
  • Trong ảnh nếu có ảnh người khác: cùng vai vế, mỗi hình 3 quan tiền, quan dưới, mỗi hình 2 quan 5, con cái và người làm, mỗi hình 2 quan, in lại thì như trên.
  • Trên bản thủy mạc (đen trắng) nếu muốn tô mầu, xin thương lượng giá với thợ, bản hiệu không can thiệp.

Sau khi chụp, 4 ngày sẽ giao ảnh.

Khách hàng đầu tiên của hiệu ảnh “cảm hiếu đường” là các gia đình giàu có và các quan lại ở Huế ra Hà Nội

Năm 1874 Đặng Huy Trứ qua đời thì thì hiệu ảnh “cảm hiếu đường” cũng ngừng hoạt động. Một số tấm ảnh đến nay vẫn con lưu trữ trong bảo tàng ở Pháp.

 

Theo VisionTimes

Video hay


Cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó