Tại lễ trao giải Oscar 2022, ca sĩ trẻ Billie Eilish đã giành giải thưởng cho hạng mục “Nhạc phim xuất sắc nhất”. Chứng kiến sự thành công huy hoàng của cô trên sân khấu, nhưng ít ai biết đến những câu chuyện ẩn giấu phía sau.
Ca sĩ Eilish và anh trai Finneas Baird O’Connell đã vinh dự được xướng tên là người chiến thắng của hạng mục Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất với bài ‘No Time to Die’ của ‘bom tấn’ No Time to Die. Với chiến thắng này, Billie Eilish đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên sinh ra trong thập niên 2000 ẵm tượng vàng Oscar.
Để có được thành công lớn như ngày hôm nay, nữ ca sĩ sinh năm 2001 đã trải qua không ít thăng trầm và khó khăn trong sự nghiệp.
“Cha mẹ không nên cho con nghe nhạc Billie Eilish”
Nổi lên như một hiện tượng toàn cầu vào năm 2019 với bài hát “Bad guy” – lập kỉ lục với hơn 1 tỉ lượt xem trên Youtube, cô nàng ca sĩ 18 tuổi đã đạt No1. Billboard 200 và dành được 2 giải Grammy cho Bài hát của năm, album đạt giải Album của năm.
Tuy nhiên, âm nhạc của Billie Eilish lại không được giới phụ huynh đón nhận. Họ lo lắng con cái mình sẽ bị âm nhạc làm ảnh hưởng đến tinh thần và có những hành động dại dột và tiêu cực.
Billie Eilish thường được gắn với phong cách làm nhạc ủ rũ, trầm cảm và tiêu cực. Cô thường truyền tải những thông điệp đen tối này qua các bài nhạc. Điển hình là album “When we all fall asleep, where do we go?”, với các single như “Bury A Friend”, “You Should See Me In A Crown”, “Listen Before I Go”…
Chất liệu chủ đạo được Billie sử dụng là nhạc Pop, Hip hop và nhạc điện tử. Cô làm nhạc theo chủ nghĩa tối giản. Các ca khúc thường có thời lượng ngắn, ít nhạc cụ và dùng vòng hòa âm hoặc các âm thanh điện tử đơn giản. Billie sử dụng nhiều khoảng lặng trong các ca khúc, tôn lên giọng hát và tạo mạch tiết tấu chậm rãi, trầm lắng.
Các sáng tác của cô mang màu sắc u tối về quái vật, các vụ giết người và cả những suy nghĩ tự tử. Cô dùng nhiều ngôn ngữ mạng và tiếng lóng. Tờ CollegeView chỉ trích nữ ca sĩ sinh năm 2001 đang làm thịnh hành một làn sóng nghệ sĩ “đau khổ”, tập trung vào chủ đề các bệnh tâm lý và cổ xúy cho những hành vi tự hủy hoại bản thân như rạch tay, tự tử. “Họ lãng mạn hóa bệnh trầm cảm và khiến người trẻ nghĩ mắc bệnh đó là hợp mốt” – tờ báo viết.
Trong một lần phát biểu, cô chia sẻ việc làm nhạc như vậy chỉ là sở thích và với mục đích giúp mọi người nhận thức về nội tâm bên trong và cổ vũ sự thoát ra để hướng đến sự tích cực hơn.
Ngược lại, với những sự phản đối, cô nàng lại rất được thế hệ trẻ ủng hộ, họ cảm thấy như nhìn ra chính mình ở âm nhạc của cô. Năm 2019 và 2020, âm nhạc của Billie Eilish giống như một hiện tượng được giới trẻ khắp thế giới săn đón.
Vật lộn với căn bệnh tâm lý
Nữ ca sĩ nổi tiếng showbiz từng công khai thừa nhận đang phải chịu đựng hội chứng Tourette (bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp). “Tôi nghĩ, nhiều bạn hâm mộ tôi nên biết, tại sao đôi lúc tôi thực hiện những hành vi không thể kiểm soát” – Billie chia sẻ. Cô nàng có style ăn mặc quái dị cùng những hành động cá tính và độc đáo quái dị nhưng lại được giới trẻ yêu thích và hâm mộ.
Năm 2015, Billie Eilish bắt đầu công bố các sáng tác của mình, qua trung gian mạng internet, ngay khi ấy nữ ca sĩ đã có cảm nhận, cần phải giãi bày sự thật chứng bệnh của bản thân. Chậm rãi, nhưng hiệu quả, Billie gom nhặt ngày càng đông đảo bạn trẻ ngưỡng mộ. Trong khi đó, không ít nhà phê bình lên án nữ ca sĩ làm giàu bằng phô trương bệnh trầm cảm cùng những rắc rối tâm lý khác.
Sau khi nhận về nhiều chỉ trích, cô nàng vẫn không ngừng cố gắng và nỗ lực qua các sản phẩm âm nhạc của mình. Năm 2021, Eilish bất ngờ thay đổi phong cách và trang phục. Cô trở nên dịu dàng, nền nã và trưởng thành hơn. Cô trở thành nghệ sĩ trẻ nhất giành được giải Oscar, Grammy và Quả Cầu Vàng.
Eilish bày tỏ sau hậu trường Oscar: “Tôi nỗ lực từ năm 14 đến 20 tuổi, và mọi cố gắng đã được đền đáp”.
Theo CLO