Câu chuyện chim hạc giúp Vua Gia Long tìm đất quý xây thành

18:22 | 28/02/2022

“Địa linh sinh nhân kiệt” – Câu chuyện về một con chim hạc trắng giúp Vua Gia Long tìm đất quý xây thành để ổn định vùng Bắc Hà chỉ là một trong những truyền thuyết về vùng đất Thanh Hóa, nơi phát tích nhiều đế vương cũng như thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa nổi tiếng trong lịch sử Đại Việt.


 

Hạc Thành tại Thanh Hóa được chụp lại dưới thời Pháp thuộc (1920-1929). (Ảnh: Anhxua.vn, Public Domain)

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, tháng 6 năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra vương triều nhà Nguyễn. Nhưng trong lòng Vua vẫn không an tâm với đất Bắc Hà, nơi có nhiều cựu thần nhà Lê. Sau ngày đăng quang, Vua Gia Long bàn bạc chia đặt quan chức để cai quản 11 trấn Bắc Thành, bàn phép khoa cử thu hút nhân tài, vỗ về sĩ phu đất Bắc.

Trước khi trở về triều, Vua Gia Long ghé đến Nguyên miếu ở trong thành Triệu Tường (Thanh Hóa) bái yết tiên tổ. Đồng thời, nhà Vua cũng muốn rời thành Tư Phố đến một nơi mới để đặt trấn lị của trấn Thanh Hoá, nhưng lại chưa tìm được vùng đất ưng ý.

Chim hạc giúp Vua tìm đất quý

Tương truyền một đêm nọ, vì mải suy nghĩ đến chuyện dời thành, Vua Gia Long bồn chồn mãi không sao ngủ được. Đến canh ba khi chợt đi vào giấc ngủ, thì Vua nằm mơ, đột nhiên thấy cửa hành cung mở ra. Một người mặt mũi khôi ngô, tay dài quá gối, mình như mình hạc, vóc như vóc tiên, toàn thân áo quần trắng muốt tiến đến sụp lạy trước mặt Vua tâu:

“Biết bệ hạ đang trăn trở tìm địa điểm dời thành Tư Phố, Thần Bạch Hạc phái tôi đến giúp bệ hạ việc này. Ngày mai khoảng giữa giờ Thìn xin bệ hạ theo tôi định đất. Đó là nơi bền vững muôn đời, loạn có thể giữ, bình có thể trị, dẫu sau này có lần đổ nát nhưng lại hoàn như Châu về Hợp Phố.”

Nhà Vua toan hỏi thì người đó đã chẳng thấy đâu, chỉ thấy một ánh hào quang trắng mềm mại tựa ánh trăng ngàn uyển chuyển bay qua rèm cửa, dìu dịu mùi hương thơm kỳ lạ lan toả khắp nhà.

Vua giật mình tỉnh giấc mới biết là vừa nằm chiêm bao nhưng lại rất thật. Vua liền kể chuyện này lại với các Đại Thần rồi truyền lệnh sẵn sàng xe ngựa chờ Thần linh ứng, giữa giờ Thìn hễ có người mặc áo trắng đến lập tức phải đón vào bái kiến.

Mọi người đều chăm chú quan sát con đường dẫn đến Nguyên miếu xem có ai mặc áo trắng không. Giờ Thìn đến nhưng vẫn chưa thấy gì cả. Đến đúng giữa giờ Thìn thì từ trên không bất ngờ có tiếng chim vọng xuống, nhà Vua cùng mọi người ngước nhìn lên trời. Một con chim hạc trắng to lớn khác thường cứ bay lượn trước sân nhà Vua ngự như có ý đợi chờ.

Nhà Vua hiểu ra liền lên xe. Chim hạc kêu to mấy tiếng rồi bay đi trước, nhà Vua cùng cận thần theo sau.

Đến một vùng đất mới có rất nhiều đầm nước xanh biếc, chim Hạc ngừng cánh bay hạ xuống trước xe nhà Vua. Nhà Vua chưa kịp mở lời thì chim Hạc đã vụt bay đi.

Nhà Vua phóng tầm mắt bao quát khắp vùng, quả là nơi sơn thuỷ hữu tình. Núi sông như đặt bày trên đồng xôi bãi mật. Phía Đông có dãy Linh Trường và dãy Trường Lệ làm án. Tả có long sơn long thuỷ, hữu có hổ phục hổ chầu. Đây chính là vùng đất Vua trông đợi bấy lâu nay. Vui mừng khôn xiết, nhà Vua chỉ tay xuống đất dõng dạc bảo các quần thần: “Ta sẽ dựng thành ở chính nơi này. Toà thành đó sẽ gọi là thành Chim Hạc.”

Bản đồ thành phố Thanh Hóa vẽ năm 1909, thể hiện vị trí thành Thọ Hạc màu đỏ, có 6 góc, ở giữa. (Tranh: CHABERT (M. de) – GALLOIS (L.), Wikipedia, Public Domain)
Bản đồ thành phố Thanh Hóa trước 1930, thể hiện vị trí thành Thọ Hạc màu xanh, có 6 góc, ở giữa. (Tranh: Archive de la cité de l’architecture, Wikipedia, Public Domain)

Vị trí nơi đây chính là thuộc làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, nay đã được sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa, nên thành sau này còn được gọi là thành Thọ Hạc.

Năm 1804, Vua Gia Long hạ chiếu chỉ di dời lị sở của trấn Thanh Hoá từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa đến làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, đồng thời tiến hành xây dựng thành trấn lị.

Kiến trúc Hạc thành

Hạc thành được xây theo hình lục lăng, có hào bao quanh mặt ngoài. Thành mở 4 cửa: cửa tiền phía Nam, cửa hậu phía Bắc, cửa tả phía Đông Nam, cửa hữu phía Tây Nam. Trong thành là nơi ăn ở, trị vì của các quan đầu tỉnh.

Về kiến trúc Hạc thành, sách “Đồng Khánh dư địa chí” mô tả:

Thành ở địa phận xã Thọ Hạc huyện Đông Sơn. Thành xây bằng gạch đá, chu vi 630 trượng (2.961m), cao 1 trượng (4,7 m), có 4 cửa, hào rộng 9 trượng 3 thước, sâu 7 thước. Các vệ Tuyên Vũ, Hùng Vũ, Nhuệ Vũ bao vòng phía trước; Quảng Vũ, Nghĩa Vũ bao vòng phía sau; Túc Vũ, Công Vũ bao vòng bên trái; Trang Vũ, Kiện Vũ, Cương Vũ bao vòng bên phải. Đồn thuỷ quân ở địa phận Nam Ngạn, hai vệ Tả, Hữu đóng ở đây. Đàn Xã tắc ở phía Tây Bắc thành. Đàn Tiên Nông ở phía Đông Nam thành. Đàn Sơn xuyên ở phía Tây Nam thành. Văn miếu ở phía Đông Bắc thành. Miếu Hội đồng ở phía Nam thành. Vũ miếu ở phía Tây thành. Học xá ở phía Nam thành. Trường thi ở phía Đông Bắc thành.

Thành Thọ Hạc được xây theo kiến trúc Vauban lục lăng, là kiểu phòng ngự rất lợi hại. Kiểu thành này trước đây đã được áp dụng khi xây thành Diên Khánh (Khánh Hòa). Danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu hai lần đem binh vây đánh Diên Khánh nhưng phải rút lui, thiệt hại nhiều nhưng không sao chiếm được.

Thành Gia Định hay còn gọi là thành Bát Quái do vua Gia Long cho xây dựng. Sơ đồ Thành Bát Quái Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. (Tranh: Wikipedia, Public Domain).

Hạc thành còn mang hơi hướng của thành Gia Định (hay còn gọi là thành Bát Quái) trong Sài Gòn. Đây là ngôi thành được xây dựng vào năm 1790 theo kiến trúc hỗn hợp Đông-Tây, đóng vai trò rất quan trọng về mặt chính trị, quân sự, địa lý của vùng Gia Định trong một khoảng thời gian dài. Sau khi được xây dựng xong, quân Tây Sơn đã không cố gắng để chiếm thành một lần nào nữa, giúp cho Nguyễn Ánh có được một lợi thế nhất định.

Vùng đất linh thiêng sinh nhiều hào kiệt

Về sau này xã Thọ Hạc được sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa. Phan Huy Chú khi tới Thanh Hóa đã viết rằng:

Thanh Hóa mạch núi cao vót; sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước. Lịch triều Hiến Chương Loại Chí.

Nhận xét của Phan Huy Chú về Thanh Hóa cũng không quá chút nào, bởi vùng đất này phát tích nhiều đế vương cũng như thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa nổi tiếng trong lịch sử như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Đại Hành, Lê Lợi, Nguyễn Ánh.

Người Việt có câu “đất lành chim đậu”, câu chuyện dân gian chim hạc chỉ đường cho Vua Gia Long cũng cho thấy Thanh Hóa đúng là vùng đất “địa linh sinh nhân kiệt”.

 

Theo Trithucvn

Video hay

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú