ậu bé 12 tuổi người Mỹ vừa chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân tại nhà không hề được đào tạo theo bất cứ chương trình giáo dục đặc biệt nào. Vậy làm sao cậu bé này lại có thể đạt được thành tựu lớn đến vậy?
Đam mê và tài năng thiên bẩm
Jackson Oswalt là một cậu học sinh lớp 8 đang theo học một chương trình học bình thường như bao học sinh khác. Hoc lực của cậu cũng không có gì nổi trội. Tuy nhiên, khác với bạn bè đồng trang lứa còn đang mải mê với những trò giải trí thì Jackson lại có đam mê mãnh liệt đối với khám phá khoa học. Người truyền cảm hứng cho cậu bé này chính là Taylor Wilson – “nhà khoa học nhí” chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân tại nhà riêng ở Reno (tiểu bang Nevada, Mỹ) vào năm 2008. Khi đó, tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất để mắt tới Taylor và muốn tạo điều kiện cho cậu phát triển tài năng khoa học thiên bẩm của mình.
Với đam mê và nguồn cảm hứng bất tận từ Taylor, Jackson đã bắt đầu sưu tầm sách vở về hạt nhân để nghiên cứu, tìm hiểu quy trình về va chạm nguyên tử để tạo ra năng lượng. Hiểu được rằng muốn tổng hợp được hạt nhân cần phải tạo ra nhiệt độ tới khoảng 100 triệu độ C, gấp rất nhiều lần so với việc sử dụng năng lượng để sản xuất, Jackson quyết định xây lò phản ứng tổng hợp hạt nhân theo cách riêng của mình.
Trong quá trình tổng hợp hạt nhân tại nhà, Jackson liên tục cập nhật mọi hiện tượng trong quá trình làm thí nghiệm lên diễn đàn Fusor.net để tham khảo những lời khuyên hữu ích từ các nhà khoa học trong cộng đồng này. Admin của nhóm – ông Richard Hull – một thợ điện nghỉ hưu, chính là người đầu tiên công nhận thành công của Jackson trong việc tổng hợp hạt nhân. Ở tuổi 12, Jackson phá vỡ kỷ lục của Taylor Wilson năm 2008 và trở thành người trẻ nhất thế giới chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân tại nhà.
Sự ủng hộ của gia đình
Đam mê thôi là chưa đủ, thành công hiện tại của Jackson còn đến từ sự ủng hộ hết mình từ gia đình. Cậu bé 12 tuổi đã tập tành xây dựng lò phản ứng tại xưởng gỗ của ông nội và nhận được khoản tiền hỗ trợ 10.000 đô (khoảng 230 triệu đồng) từ cha mẹ để mua sắm các thiết bị cần thiết. Thậm chí cha mẹ Jackson còn liên lạc với một giáo viên Vật lý nổi tiếng, các nhà nghiên cứu trong bệnh viện, hay một giáo sư vật lý nổi tiếng từ một trường đại học trong vùng để có thể đảm bảo an toàn trong quá trình nghiên cứu của con trai. Bố Jackson là ông Chris Oswalt chia sẻ rằng: “Là cha mẹ của Jackson Oswalt, chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con và đặt tiêu chí này lên hàng đầu”.
Trong một bài phỏng vấn, Jackson bày tỏ mong muốn thành lập một tổ chức nhằm giúp đỡ những trẻ em trên thế giới thực hiện những dự án khoa học ước mơ của mình. Cậu chia sẻ: “Cháu thấy nhiều khi người ta thường mặc định chúng cháu là trẻ con thì sẽ không làm được trò trống gì. Thế nhưng, trẻ em lại chiếm phần lớn dân số của thế giới và một phần nhỏ của nhóm dân số này lại thực sự có tài năng và ý tưởng tuyệt vời. Vì vậy, nếu không có điều kiện biến ước mơ, tài năng đó thành hiện thực thì quả thực là một sự lãng phí”. Còn đối với bản thân Jackson, cậu coi thành công này là bước để trở thành một nhà nghiên cứu vật lý hạt nhân thực thụ và tin tưởng rằng có thể khai thác hiệu quả nhất từ lò phản ứng hạt nhân trong thời gian sắp tới
Theo Trí thức trẻ