Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện dẫn đến đất đai ngày càng có giái trị. quyền sử dụng đất trỏ thành tài sản có giá trị lớn mà Người sử dụng đất luôn muốn tên mình đứng tên là Chủ sử dụng đất.
Trường hợp Người sử dụng đất chưa đủ 18 tuổi hoặc chưa có Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân thì sao?
Căn cứ Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về người sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Trong đó khoản 2 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);”
Căn cứ khoản 1 Điều 97 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Quy định này được cụ thể tại khoản 4 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
“Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân mà Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số….”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cưới công dân thì ghi “Giấy khai sinh số….”;”
Như vậy, Luật Đất đai, và các văn bản hướng dẫn hiện hành không đề cập đến độ tuổi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc khác, căn cứ Điều 21 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Căn cứ khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên.
Theo các quy định nêu trên, thì pháp luật không cấm người chưa thành niên có tài sản là bất động sản và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người 16 tuổi thực hiện giao dịch liên quan đến bất động sản thì cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ.
Cho nên khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân dưới 18 tuổi thì trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi thêm người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.
Nguyễn Phương (T/h)