Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương: Tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng trong tương lai

20:22 | 17/08/2022

Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là Dự án đường bộ cao tốc có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

LIÊN KẾT VÙNG TÂY NGUYÊN VÀ NAM TRUNG BỘ

 Liên kết với đường Trường Sơn Đông: Đường Trường Sơn Đông là trục giao thông xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam đi qua Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng kết thúc tại Đà Lạt với chiều dài khoảng 700 km, nằm song với đường Trường Sơn Tây và Quốc lộ 1A. Đường Trường Sơn Đông sẽ là trục giao thông liên kết vùng rất quan trọng, sẽ rút ngắn thời gian đi từ Đà Lạt với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2023; đồng thời nâng cấp tuyến đường tỉnh ĐT725 đã được đầu tư kết hợp mở mới một số đoạn (khoảng 6 km) có tổng chiều dài 140 km từ TP Đà Lạt đến huyện Đạ Tẻh thành tuyến quốc lộ Trường Sơn Đông theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018.

Các cao tốc theo quy hoạch đến năm 2030: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021; khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ bổ sung một số trục tuyến cao tốc liên thông như cao tốc Đà Lạt – Nha Trang; Đà Lạt – Phan Thiết; Liên Khương – Buôn Ma Thuột.

Như vậy với tầm nhìn dài hạn, Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối với các dự án trên, tạo động lực liên kết vùng chặt chẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh tầm cao mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thực địa Dự án Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương qua bản đồ quy hoạch chi tiết (tháng 12/2021)

TẠO LÀN SÓNG THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO LÂM ĐỒNG

Dự án Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và phát triển đô thị; thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước, đặc biệt du khách quốc tế đến các địa phương có thế mạnh du lịch ở Lâm Đồng; là cơ hội cho họ vừa nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh vừa nghiên cứu thực tế, hình thành ý tưởng sáng tạo đầu tư nhiều lĩnh vực khác vào Lâm Đồng. Qua đó, sẽ rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TP Đà Lạt đến TP Hồ Chí Minh, thay vì 6 giờ hiện nay chỉ còn 3 giờ; Bảo Lộc – TP Hồ Chí Minh thay vì 4 giờ chỉ còn 2 giờ; là môi trường tốt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, góp phần vận chuyển nông sản Lâm Đồng tiêu thụ nhanh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí logictics; tác động thay đổi cơ cấu kinh tế; ngành Du lịch, Dịch vụ sẽ tăng đột biến trong tương lai; đặc biệt các loại hình dịch vụ cao cấp có xu hướng phát triển mà trước đây chưa khai thác như: công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp…

 Dự án cũng góp phần phát huy tối đa phát triển liên kết vùng giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ; sẽ rút ngắn một số hạng mục đầu tư và các dự án theo các nội dung theo Quyết định số 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các tổ chức và cá nhân tỉnh Lâm Đồng sẽ có điều kiện tiếp thu nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới; tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia quan tâm, chọn làm văn phòng đại diện tại Việt Nam và khu vực tại tỉnh Lâm Đồng; sẽ là nơi các tổ chức trong nước và quốc tế chọn tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế; làm gia tăng loại hình du lịch hội nghị, hội thảo có nhiều tiềm năng mà khi nay chưa được khai thác tương xứng…

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả Dự án Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến đường nội thị và đèo Prenn, TP Đà Lạt nhằm thu hút lượng du khách tăng đột biến đến Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.

Qua phân tích nêu trên cho thấy Dự án Đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là dự án trọng điểm có quy mô lớn, có nhiều tác động theo hướng tích cực, sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư nhiều dự án chiến lược, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng đột phá trong tương lai.

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có chiều dài 200,3 km với điểm đầu tại Km0 trên QL1A, trùng với Km54+794,07 Dự án Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối dự án tại Km199+717,53, trùng với Km208+250 trên đường cao tốc Liên Khương – Prenn (tỉnh Lâm Đồng). Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 140 km đi qua các huyện, thành phố: Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng. 

Quy mô thiết kế: Đường cao tốc loại A (theo TCVN 5729-97). Vận tốc thiết kế, đoạn Dầu Giây – Tân Phú: tốc độ thiết kế 100 -120 km/h; đoạn qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc: tốc độ thiết kế 80 km/h; đoạn Bảo Lộc – Liên Khương: tốc độ thiết kế 100 km/h. Quy mô đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương giai đoạn hoàn chỉnh đồng nhất toàn tuyến 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 22 m (đoạn có vận tốc thiết kế 80 km/h) và 24,5 m (đoạn có vận tốc thiết kế 100 -120 km/h), giải phân cách giữa bằng bê tông xi măng.

Phương thức đầu tư Dự án Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương như sau:

Dự án thành phần 1: DẦU GIÂY – TÂN PHÚ 

Dự án Thành phần cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được xây dựng với mức đầu tư dự kiến khoảng 9.433 tỷ đồng. Theo thiết kế, bắt đầu tại Km0+000 tại điểm cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, bắt đầu giao với Quốc lộ 1 đoạn Km1829+500 (điểm cuối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây) và tại Km59+594 giao cắt với Quốc lộ 20 (xã Phú Sơn, Tân Phú, Đồng Nai) tạo thành điểm cuối.

 Hình thức đầu tư dự án thành phần này theo hình thức đối tác công tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 3637/VPCP-CN ngày 10/6/2022 của Văn phòng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thầm quyền triển khai dự án thành phần này.

Dự án thành phần 2: TÂN PHÚ – BẢO LỘC

Tháng 1/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị thực hiện Dự án Đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài khoảng 67 km, quy mô 4 làn xe thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương. Ngày 4/2/2021, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án Đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc trong giai đoạn 2021 – 2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 18.200 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương bố trí khoảng 50%, còn lại vốn địa phương khoảng 50%. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Dự án thành phần 3: BẢO LỘC – LIÊN KHƯƠNG 

Dự án Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nằm trọn trong địa phận tỉnh Lâm Đồng, với chiều dài 73,5 km. Đây là phân đoạn cuối cùng trong Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc liên tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng. Tổng vốn đầu tư dự án là 14.383 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, không có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ đầu tư để đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1554/TTg-CN ngày 10/11/2021 về việc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương. Theo đó,Chính phủ đồng ý về chủ trương giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thầm quyền tổ chức thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

TS. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng 

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội