Cao Bằng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

12:17 | 09/04/2023

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của tỉnh.


Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh Cao Bằng ban hành nhiều kế hoạch, đề án, văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành), nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); Lượn cọi dân tộc Tày (Bảo Lâm); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh (Nguyên Bình). Đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2023, hoàn thiện hồ sơ di sản “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng” trình UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người dân làm đàn Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ ở Cao Bằng

Đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, như: Đề tài “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ Thuổn Puôn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng”, “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”, “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, “Đền, chùa, miếu Cao Bằng”, “Văn bia Cao Bằng qua các triều đại”, “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng”, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2030…

Kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, dự án có giá trị đã được áp dụng, phục vụ có hiệu quả trong lĩnh vực chuyên môn và cung cấp tư liệu nghiên cứu cho một số ngành liên quan như: dân tộc học, mỹ học, văn hóa, lịch sử… là cơ sở định hướng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực, các yếu tố văn hóa ngoại lai ảnh hưởng rất lớn đến giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang dần bị xói mòn và bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại, giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, một số văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, như: tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, nhà ở, trang phục và những tri thức dân gian khác…

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể chưa thực sự được quan tâm; công tác tuyên truyền, quảng bá, đầu tư để bảo tồn và phát huy còn hạn chế; nhiều yếu tố gốc trong các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một hoặc bị ảnh hưởng trong nền kinh tế thị trường; công tác truyền dạy về các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là trong hệ thống các trường học chưa thật sự được chú trọng.

Những nghệ nhân am hiểu sâu sắc và nắm giữ các di sản đang giảm dần và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền nếu không có các biện pháp bảo tồn. Hầu hết những di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc chưa trở thành sản phẩm du lịch hoặc cũng chưa có khả năng khai thác để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc đề xuất các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/cao-bang-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-post242851.html#p-2


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI