Các giải thưởng sẽ giúp tôn vinh giá trị những ấn phẩm hay, động viên đơn vị làm sách và khích lệ tinh thần người cầm bút.
Giải thưởng Sách quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Năm 2021, giải thưởng thu hút sự tham gia của 47/57 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước.
Trải qua bốn mùa thực hiện, Giải thưởng Sách quốc gia đã tạo được tiếng vang trong dư luận.
Trước những thành công đó, bước sang thềm năm mới 2022, đại diện một số nhà xuất bản, công ty sách đề xuất thêm những giải thưởng cho toàn ngành, một mặt động viên người làm sách, mặt khác khuyến khích các cây bút, dịch giả, họa sĩ và biên tập viên làm ra những cuốn sách có giá trị.
Tạo ra sân chơi lớn cho người cầm bút
Bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM – cho rằng Giải thưởng Sách quốc gia đã bao quát mọi mặt đời sống xã hội và tạo được sức hút trong cộng đồng. Tuy nhiên, cần cân nhắc một tỷ lệ cố định, hợp lý giữa sách dịch và sách của tác giả trong nước.
Bên cạnh đó, để khuyến khích tác giả cũng như dịch giả, bà Thanh Thủy đề xuất thêm một số giải thưởng cho ngành sách.
“Mỗi năm đều có những cuốn sách được vinh danh ở giải thưởng do Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật hay Hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tạo được sự liên kết giữa các giải thưởng đó với đơn vị xuất bản để sách có giá trị thực sự được tôn vinh”, bà Thanh Thủy nói.
Mới đây, UBND TP.HCM tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM (được tổ chức hai năm một lần) cho 7 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực Văn học nghệ thuật đã vinh danh những cuốn sách về chủ đề âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh…
“Từ giải thưởng này, tôi nghĩ các bộ, ban, ngành khác cũng rất cần có những giải thưởng để tôn vinh sách với chủ đề thuộc thế mạnh của từng đơn vị, như thế mới tạo ra sân chơi lớn cho giới cầm bút”, người đứng đầu Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đề xuất.
Bên cạnh giải thưởng lớn nhất của ngành xuất bản, bà Thanh Thủy cho rằng nên có thêm các hạng mục giải thưởng khác như Cây bút trẻ (tôn vinh tác giả trẻ), giải thưởng Phát hiện (nhằm tìm ra những cây bút mới có tác phẩm mang dấu ấn)… để thu hút giới cầm bút cùng tham gia.
Giải thưởng là cầu nối đưa sách đến độc giả
Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư có 365 cuốn sách được xét giải (tăng ba cuốn so với năm 2020), 284 tên sách và bộ sách (tăng 29 tên sách so với năm 2020).
Các cuốn sách, bộ sách đoạt giải được đánh giá giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, nghiên cứu công phu, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.
2022 cũng là năm ngành xuất bản sẽ tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm và sơ kết 5 năm thực hiện đề án “Giải thưởng Sách quốc gia”.
Các giải thưởng của ngành sách, nếu được đón nhận, sẽ là kênh uy tín để giới thiệu đến độc giả những tựa sách hay và giá trị.
Bà Trần Nhật Hoàng Phương – Giám đốc Marketing Phương Nam Books – nhận định: “Với sự tích cực, năng động của các đơn vị làm sách trong việc khai thác tác phẩm, sách hay rất nhiều, nhưng không phải bạn đọc nào cũng biết đến. Các giải thưởng có thể là cầu nối giúp giới thiệu, gợi ý sách đến độc giả”.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, bà Hoàng Phương cho rằng các giải thưởng hiện nay chưa được đông đảo bạn đọc đón nhận.
“Có thể cân nhắc để bổ sung cơ cấu giải thưởng dựa vào số lượng sách được phát hành, bởi số lượng đó phần nào phản ánh gu của độc giả trong thời gian nhất định”, bà Hoàng Phương nói.
Để độc giả đón nhận sách đoạt giải nhiều hơn, theo đại diện Phương Nam Books, các giải thưởng cần phản ánh sâu sát hơn thị hiếu của bạn đọc. Một khi độc giả quan tâm sách thì giải thưởng mới có thể khích lệ tinh thần người cầm bút và tạo động lực cho đơn vị xuất bản.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Phó giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng – nhận định khi được vinh danh, nhà xuất bản – đơn vị đỡ đầu cho tác phẩm đoạt giải – cũng sẽ nhận được vinh dự này và có thêm động lực để xuất bản những cuốn sách hay về nội dung và đẹp về thẩm mỹ.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng nói: “Ngoài Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức hàng năm, toàn ngành có thể xem xét và tổ chức thêm các giải thưởng sách chuyên sâu hơn theo từng thể loại, chuyên ngành”.
Theo bà Trương Thị Ngọc Lan – đại diện Phòng Truyền thông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – giải thưởng sách hàng năm luôn mang tính khích lệ, động viên rất lớn đối với người cầm bút và đơn vị xuất bản.
Tuy nhiên, “để làm bật lên nội dung của từng dòng sách, cần có thêm những giải thưởng có chủ đề cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, giải thưởng sách nuôi dạy con, sách cho tuổi teen, sách khởi nghiệp”, bà Ngọc Lan đề xuất.
Theo Zing