Một bạn người Hàn của tôi than phiền rằng đi khắp đất nước anh, đâu đâu cũng giống nhau. Từ cảnh quang cho chí con người. Việt Nam các bạn thì khác, mỗi vùng miền là mỗi khác lạ, khác lạ từ thổ nhưỡng và hệ sinh thái cho đến lối ăn mặc, sinh hoạt lễ hội cho đến tiếng nói.
Đó chính là đặc ân mà tạo hóa và lịch sử đã ban cho các bạn, – anh kết.
Anh bạn Hàn nói không ngoa, thổ nhưỡng khu vực Bắc bộ hoàn toàn khác với miền Trung, ngay miền Trung thôi hệ sinh thái vùng duyên hải khác hẳn với Tây Nguyên, chưa nói đến đất đai và cây cỏ ở đồng bằng Nam bộ. Có đất nước nào vừa sở hữu khí hậu nhiệt đới, ôn đới (Đà Lạt, Sapa…) lẫn bán sa mạc (Ninh Thuận) không? Vậy mà Việt Nam có đủ!
Thổ nhưỡng và hệ sinh thái là vậy, riêng về sắc tộc và văn hóa, Việt Nam vô cùng giàu. Đất nước Việt Nam hôm nay hình thành từ hai nền văn minh: Đại Việt và Champa, cùng vài nền văn minh khác phát triển khá cao: Óc Eo, Cát Tiên, Thủy Chân Lạp. Việt Nam có 54 dân tộc với 54 nền văn hóa bản địa khác nhau. Tạm phân làm 4 vùng chính: Văn hóa các dân tộc phía Bắc, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Chăm, và văn hóa Tây Nam Bộ. Tiếp nhận văn hóa lớn, Việt Nam sở hữu đến ba dòng văn hóa Đông phương: Đông phương Trung Quốc (Khổng, Lão), còn qua Champa: có Đông phương Ấn Độ (Phật giáo và Ấn giáo) với Đông phương-Hồi giáo.
Giàu quá đi chứ!
1. Đây là điều cần được nhận biết, và nhấn mạnh đầu tiên. Đơn cử: Văn hóa Champa.
Nhìn ở bề sâu và xa, Việt Nam không có nền hải sử. Không sai, khi ta chỉ nhìn hải sử Việt Nam từ phía Đại Việt. Trong khi nếu xem Việt Nam hiện đại gồm thâu cả vương quốc Champa cổ, vương quốc suốt 17 thế kỷ ngự trị gần trọn miền Trung Việt Nam ngày nay, thì vấn đề sẽ được khai mở. Từ đó việc truy tìm nền hải sử đất nước hình chữ S không là chuyện khó. Nhất là trong thời gian gần đây, khi vùng biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang đặt thành vấn đề chủ quyền mang tính khu vực.
Nhìn xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Đại Việt chỉ giỏi về phần đất liền, mà rất yếu về biển. Lịch sử “mở cõi” cũng là quá trình mở về đất liền, chứ người Việt chưa bao giờ thử làm cuộc viễn dương đi xa khỏi phạm vi “lộng” và “khơi”. Mà lộng và khơi đó, theo nhà nghiên cứu Từ Chi cho biết, “lộng” chỉ độ đâu 3 cây số cách bờ, còn “khơi” cùng lắm là 7 cây số. Nghĩa là đầy hạn chế.
Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Do đó, việc nhận diện văn hóa biển của vương quốc Champa cổ sẽ bổ trợ rất nhiều cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.
Có thể nói, dù người Chăm nổi tiếng với kĩ thuật xây tháp gạch nung có một không hai, được thế giới biết đến với lúa Chiêm ngắn ngày, hay là dân tộc từng dựng nên hệ thống dẫn thủy nhập điền rất hiện đại, nhưng chính đời sống biển làm nên đặc tính Cham, từ đó hình thành một nền văn hóa biển độc đáo.
Vấn đề đặt ra: Chúng ta, hôm qua và cả hôm nay có chịu tiếp nhận “bài học” từ nền văn minh ấy không? Câu trả lời là: Ta vẫn chưa chịu học! Trong khi thu gọn vương quốc Champa vào mình, người Việt đã để cho các kĩ thuật siêu đẳng – báu vật của nền văn minh này thất truyền. Tạm kê ba thứ:
Thứ nhất, là kĩ thuật xây tháp: người Chăm đã chế tác gạch thế nào, đâu là chất kết dính, rồi tỉ lệ cân đối giữa các bộ phận, vân vân? Người Việt xưa đã không tiếp nhận, để sau đó tất cả chìm vào quên lãng. Rốt cuộc hôm nay mấy thế hệ con cháu mù mờ, còn các nhà khoa học cứ đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, vẫn chưa xong. Kĩ thuật đóng tàu cũng thế. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung có học, rồi sau đó Nhà Nguyễn không chịu tiếp nhận và phát triển thêm, mặc cho nó thất truyền. Tại sao không học sớm và học kĩ hơn? Và oan uổng nhất chính là kĩ thuật dệt. Lẽ ra kĩ thuật dệt thổ cẩm Chăm là của Việt Nam, chỉ do không chịu học, nó lưu lạc để trở thành của người Thái!
2. Trở lại thời hiện đại, văn học miền Nam thời kì đất nước chia cắt.
Tiếng Việt là của chung Việt Nam. Văn học tiếng Việt cũng là gia tài chung của cả dân tộc. Đất nước chia cắt, tạm thời phân li, văn học hai miền phát triển theo dòng riêng, nhưng vẫn là văn học tiếng Việt. Muốn đánh giá nghiêm túc một sự kiện, một tác giả hay một thời kì văn học, cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Hơn 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nền văn học hiện đại Việt Nam đã nhận được đặc ân kia chưa. Câu trả lời nghiêm túc nhất: – chưa. Trong lúc, chỉ khi nào nhà phê bình có cái nhìn toàn cảnh tiến trình phát triển văn học Việt: trước và sau 75, Bắc và Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống… họ mới hi vọng có được sự đánh giá công bằng.
Văn học miền Nam thời kì 1955-1975 có gì khác lạ?
Về phê bình, nếu miền Bắc XXh chủ nghĩa tự khuôn định trong phê bình Maxist thì ở miền Nam, ở mức độ nhất định, hầu như tất cả trào lưu phê bình mới trên thế giới đều được tiếp nhận và vận dụng. Từ phê bình hiện tượng luận đến phê bình tâm phân học, từ phê bình cấu trúc đến phê bình mới, vân vân.
Dấu ấn nó để lại hôm nay không phải là ít. Trần Ngọc Thêm nợ Kim Định những gì? Có bài viết nghiêm túc nào về khía cạnh này chưa? Ai đã tạm ứng văn và ý của Đặng Tiến, Lê Huy Oanh và Nguyễn Văn Trung ra sao? Đâu là các thống kê và phân tích cụ thể? Nhận ảnh hưởng giọng điệu và ý tưởng Phạm Công Thiện, Nguyễn Hoàng Đức đã làm gì với nó? Anh có đạt đến [và vượt qua] cái tài hoa trong sử dụng tiếng Việt cùng sự cuốn hút mãnh liệt nơi giọng điệu như tiền bối không?
Về văn xuôi, viết về chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có điểm nào gần với Phan Nhật Nam? Nguyễn Nhật Ánh tiếp nhận được gì từ Duyên Anh là tác giả của nhiều truyện dành cho độc giả tuổi mới lớn?
Các khuynh hướng văn xuôi phản ứng lại lối viết truyền thống, từ phản ứng trong suy tưởng: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…; phản ứng trong nếp sống: Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thị NgH, Lệ Hằng…; phản ứng trong bút pháp: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc…” (Võ Phiến) để lại dấu ấn gì trong các sáng tác hôm nay? Tác giả nào thu thái được cách viết nhanh của một Bà Tùng Long, hay của một Chu Tử? Tiểu thuyết feuilletons của Bình Nguyên Lộc, An Khê và Lê Xuyên có ảnh hưởng gì đến lối viết Status trên Facebook thời hậu hiện đại?
Chỉ khi nào trả lời thấu đáo các câu hỏi [trong vô số câu hỏi] như trên, ta mới hi vọng nhận diện toàn cảnh văn học Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử đất nước, từ đó trả lại sự công bằng cho mọi đóng góp dù nhỏ nhất vào sự phát triển văn học và ngôn ngữ dân tộc.
Về thơ, dù tồn tại trong một thời gian ngắn, thơ Miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động vô cùng lí thú. Thơ tự do với sự thống ngự của tên tuổi Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Lục bát huyền ảo, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng là người khởi động. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục đã có Nguyễn Đức Sơn hay Nguyễn Tôn Nhan. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ… không thiếu bất kì thứ gì.
Quan trọng không kém là độc giả văn học chấp nhận đó là sáng tạo nghệ thuật. Cho dù các phong trào kia sớm bị dở dang do thời cuộc, nhưng chúng để lại không ít dấu vết trên sáng tác của những người đi sau đó, đậm nổi nhất là ở thời Đổi mới.
Xin nêu ra 3 trường hợp.
Lục bát. “Vẽ núi” của Trần Ngọc Tuấn:
Bạn về núi sống với rừng
Bỏ quên phố thị tưng bừng ngựa xe
Lãng du tình suối hồn khe
Đi lâu lắc, có buồn nghe tiếng người
Bạn đi gởi lại tiếng cười
Tôi ngồi vẽ núi lạnh mười ngón tay.
Ngay cụm từ đầu tiên: Bạn về… ta thấy đó là lối khởi đầu bài thơ thường thấy của Bùi Giáng, duy Bùi Giáng có. Từ Em về… xuất hiện đều đặn trong cả chục bài ở tập Mưa nguồn. Nó còn có mặt ở khúc giữa trong các bài: “Thiếu phụ trở về”, “Hẹn ước”…; hoặc chữ cuối cùng của bài: “Phương Tây”; hay sau dòng đầu và trước dòng cuối của bài: “Thưa em Sài Gòn”. Rồi: “Anh về”, “Xin về”… và: “Người đi”, “Anh đi”, “Ta đi”, “Em đi”… nữa. Chỉ thế thôi đâu, các: núi, rừng, phố thị, ngựa xe, suối, khe… có mặt dày đặc trong thơ Bùi Giáng.
Siêu thực. Thanh Tâm Tuyền:
Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Văn Cầm Hải:
anh và em bức tường phiên âm
viên gạch đẻ hoang
mê man nhật thực
mặt âm ty mềm mại muôn màu giới tính
anh và tôi không gian
hiện thực nhạy cảm
lật mặt thế giới
chiếc la bàn hoang hoải…
Hiện sinh, suốt hành trình thơ Nguyễn Bình Phương, các hạn từ hiện sinh có mặt dày đặc.
“Buồn”, “cô đơn”, “trống trải”, “bồn chồn”, “khoảng trống”, “hờ hững”, “không nguồn cội”, “người lạ”, “kẻ ngoài cuộc” hay “khoảng mù lòa”, “xa xăm gõ cửa”…
Đó chính là ba dấu vết khá đậm của thơ miền Nam tạo ảnh hưởng lên hành trình thơ Việt hôm nay. Trực tiếp hay gián tiếp, hoặc có thể chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên – như trường hợp Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Một ghi nhận ban đầu chỉ như là một gợi ý.
Hành trình thơ là hành trình tiếp nhận và thâu thái. Cái mới không đến từ hư vô, mà từ dấu chân của người đi trước để lại. Qua ý tưởng, qua kĩ thuật, và nhất là qua ngôn ngữ. Nhà thơ sáng tạo không sợ tiếp nhận và thâu thái kia, mà là tìm cách nói mới, ngôn từ mới để xây dựng ngôn ngữ thơ độc đáo riêng mình trong ngôn ngữ chung của dân tộc.
3. Hòa giải hòa hợp dân tộc trong văn hóa, như văn hóa Chăm chẳng hạn; cụ thể hơn là trong văn học, như văn học miền Nam thời đất nước chia phân, là cần. Chẳng những cần, mà là vô cùng cấp thiết. Đó chỉ là hai trong vô số trường hợp và khía cạnh đòi hỏi ta đặt lại vấn đề và tìm cách giải quyết rốt ráo. Muốn thế, đòi hỏi đầu tiên là: Cái nhìn rộng lượng và rộng mở. Để, không những chỉ “đối tượng” kia được, mà là chính đất nước và dân tộc Việt Nam được.
Inra Sara/VHVN