Vào một buổi sáng tháng Năm năm 2022 trong lành ở ngoại ô Hà Nội, nắng rải vàng như mật, nghe bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người”, nhạc sỹ Xuân Ngọc xúc động hồi tưởng về những kỷ niệm gắn với quê hương Bác. Cảm xúc dâng lên dạt dào, sâu lắng, những vần thơ, nốt nhạc tuôn trào…
Mối lương duyên với Xứ Nghệ
Nhạc sỹ Xuân Ngọc sáng tác ca khúc Về thăm Xứ Nghệ. Ảnh: TTXVN phát
Nhạc sỹ Xuân Ngọc tâm sự: Mạch cảm xúc đến với anh rất nhanh. Chỉ trong vòng 30 phút, ca khúc “Về thăm Xứ Nghệ” cơ bản đã được hoàn thành. Việc chỉnh sửa cũng chỉ trong 2 giờ. Chưa bao giờ anh sáng tác nhanh đến thế. Không phải “cắn bút”, đứng lên, ngồi xuống như khi sáng tác những bài theo yêu cầu của khách hàng. Bởi đây là “nhu cầu tự thân”, là tình cảm của một người con nước Việt kính dâng lên Bác và gửi tặng quê hương của Người”.
Sinh năm 1984 ở huyện Phổ Yên (nay là thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Xuân Ngọc tốt nghiệp Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vào năm 2012. Anh lập nghiệp ở Hà Nội cùng với việc thành lập trung tâm âm nhạc Music Land. Nhạc sỹ đã sáng tác nhiều ca khúc nhưng “Về thăm Xứ Nghệ” là tác phẩm mà anh tâm đắc nhất.
Để cho ra đời ca khúc “đỉnh” chỉ trong một buổi sáng, nhạc sỹ Xuân Ngọc đã cần cù tích lũy vốn sống từ những chuyến đi biểu diễn giao lưu kết hợp từ thiện ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), chuyến “về nguồn” ở Làng Sen (quê nội của Bác ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), từ những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh đã biết đến từ thuở ấu thơ.
Lời và nhạc bài ca rất dung dị, da diết, thấm đẫm hồn quê Xứ Nghệ: “Mời anh về ghé thăm quê em, nơi miền quê chịu bao đời mưa nắng. Nơi gió Lào đi qua suốt mùa Hạ, cứ mỗi chiều về núi Hồng tắm sông Lam. Mời anh về ghé thăm quê em, ăn bát canh chua, nhút cá mẹ muối vội. Con cá kho vượt bao đời gian khó, như những con người Xứ Nghệ nghìn đời nay. Nghệ Tĩnh ơi, thương lắm sao vơi mưa ướt nhèm câu ví. Yêu lắm sao quên “chừ, răng, rứa, mô, tê…”.
“Về thăm Xứ Nghệ” vốn cũng không phải là một sáng tác dành riêng cho Huyền Trang – Quán quân dòng nhạc dân gian của Cuộc thi Sao mai 2013 – người con gái sinh ra ở vùng “gió Lào cát trắng”. Nhưng khi Huyền Trang vừa cất giọng, nhạc sỹ cảm nhận ngay rằng mình đã tìm đúng người để gửi trao đứa con tinh thần được kỳ vọng nhất.
Theo nhạc sỹ Xuân Ngọc, giữa anh và những người con Xứ Nghệ dường như có mối “lương duyên” được định sẵn. Vào thời sinh viên và sau này anh gắn kết với nhiều người từ vùng quê “mưa ướt nhèm câu ví”. Anh chia sẻ: Học, làm việc cùng một thời gian dài hay chỉ tiếp xúc thoáng qua với người quê Bác, anh đều nhận ra luôn sự cương trực, ý chí vươn lên của họ. Nhưng trước đó rất lâu, khi còn là cậu bé quàng khăn đỏ, anh đã cảm mến đất và người Nghệ Tĩnh, khởi nguồn từ sự kính yêu vô bờ đối với Bác Hồ – vị anh hùng vĩ đại mà dung dị của dân tộc Việt Nam.
Đi để cảm nhận sâu hơn, sáng tác có hồn hơn
Nhạc sỹ Xuân Ngọc trong một chuyến ra thăm hải đảo. Ảnh: TTXVN phát
Cuộc sống của nhạc sỹ Xuân Ngọc là những chuỗi ngày xen kẽ giữa “âm nhạc mưu sinh” (thu âm, phối khí, nhận làm “tỉnh ca”, “công ty ca”…) với sự sáng tạo nghệ thuật để thỏa niềm đam mê và làm tròn nghĩa vụ công dân.
Tạm gác những mối lo hàng ngày, Xuân Ngọc và hội nhóm của anh thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ kết hợp với phát quà từ thiện ở hải đảo, miền núi cao, vùng sâu, vùng xa. Những chuyến đi nhân đạo cũng là cơ hội để anh tích lũy vốn sống cho những sáng tác sau này.
Nhạc sỹ cho biết: Anh sáng tác ca khúc “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam” trước khi lần đầu được đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Bài hát có nhịp điệu hào hùng của một khúc quân hành và được các chiến sỹ ở Vùng 4 Hải quân yêu thích. Bài hát có đoạn: “Chúng tôi là bộ đội hải quân Việt Nam, là người lính bộ đội Cụ Hồ vĩ đại. Trong chúng tôi mang một dòng máu Vua Hùng, dòng máu Việt Nam, từ trận đánh Bạch Đằng. Gian nan đâu bằng bộ đội Hải quân Việt Nam. Ngày ngày đè sóng, miệt mài canh giữ biển trời. Lúc bão dông, lúc biển lặng sóng êm đềm. Tổ quốc Việt Nam nguyện giữ nguyên chủ quyền…”.
Bài hát ra đời năm 2016, là kết quả của sự trùng hợp ý tưởng giữa nhạc sỹ Xuân Ngọc và Đại tá Nguyễn Viết Thuận, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trong một lần gặp gỡ Đại tá Nguyễn Viết Thuận tặng nhạc sỹ Xuân Ngọc bài thơ “Tự hào người chiến sỹ Hải quân Việt Nam”. Đọc thơ, cảm nhận sâu sắc sự đồng cảm, những nốt nhạc vang lên hùng hồn. Nhạc sỹ Xuân Ngọc lấy nguyên khổ đầu bài thơ làm lời bài hát và sáng tác thêm lời cho những khổ sau. Bài hát được hoàn thành chỉ trong một ngày.
Nhạc sỹ Xuân Ngọc tâm sự: “Từng được nghe bộ đội hát, được xem một nhóm nhạc chuyên nghiệp thể hiện, cũng đã tự hát bài của mình ở nhiều sự kiện. Song hát cho lính đảo nghe bài hát tâm huyết của mình về Trường Sa mang lại cảm xúc rất riêng. Có cái gì đó vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, cảm nhận mình là chiến sỹ hải quân thực thụ. Không bao giờ tôi quên được những thời khắc quý báu này trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình”.
Lần đầu đặt chân đến những hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Xuân Ngọc có đôi chút ngỡ ngàng. Nhiều điều anh đã thấy qua ảnh, truyền hình, đã đọc qua sách báo. Nhiều điều anh lần đầu được chứng kiến và thấy không hoàn toàn trùng khớp với sự hình dung khi ở đất liền.
Cụ thể, trước đây anh nghĩ rất đơn giản: Đã là bộ đội hải quân thì cuộc sống đều gắn chặt với con tàu, “ngày ngày đè sóng”. Ra thăm Trường Sa, anh mới hiểu rằng rất nhiều chiến sỹ hải quân làm nhiệm vụ canh giữ biển trời trên các đảo nhỏ, trong suốt thời gian quân ngũ họ chỉ một lần “đè sóng” để ra khơi và sẽ thêm một lần nữa “đè sóng” để trở về đất liền.
Về Xứ Nghệ, tiếp xúc với những con người chất phác, nhạc sỹ Xuân Ngọc mới hiểu rằng vì sao vùng đất khô cằn, nhiều dông bão lại sinh ra một vĩ nhân như Bác Hồ và rất nhiều vị anh hùng hào kiệt khác. Anh cũng hiểu vì sao ca sỹ Huyền Trang “xin sửa” từ “cay đắng” thành “gian khó” trong câu hát “Con cá kho vượt bao đời cay đắng, như những con người Xứ Nghệ nghìn đời nay”. Người Xứ Nghệ qua nghìn đời nay dù hứng chịu nhiều “gian khó” nhưng không hề cam chịu niềm “cay đắng”, “tủi nhục”.
Từ những lỗi “thiếu thực tế” trong các ca khúc của mình mà nhạc sỹ Xuân Ngọc đã cảm nhận sâu sắc lời dạy của Bác Hồ trong Thư hỏi thăm giới họa sỹ và văn nghệ sỹ năm 1951. Người viết rất ngắn gọn, súc tích: Về sáng tác thi các nghệ sỹ cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân.
Lương Hồng Quân (TTXVN)