Cải lương vốn thu hút người xem bởi giọng ca của nghệ sĩ và những trình thức sân khấu đòi hỏi sự nhẹ nhàng, diễn tả tâm lý nhân vật. Ðặc trưng của xiếc lại là những động tác khó, mạo hiểm, đòi hỏi sự khéo léo. Vậy nhưng, hai loại hình nghệ thuật này đã được kết hợp thông qua dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt”.
“Huyền sử Việt” là dự án kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và xiếc, do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện. “Huyền sử Việt” dàn dựng các vở diễn về Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Sau thành công của vở “Cây gậy thần” ra mắt vào cuối năm 2020, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, cũng nhận được những đánh giá cao từ các nhà chuyên môn, người làm nghề và khán giả.
Trong vở “Cây gậy thần”, cuộc gặp gỡ và nên duyên của Chử Ðồng Tử và Tiên Dung vốn quen thuộc trong văn học dân gian Việt Nam được thể hiện đầy mới lạ, sáng tạo bằng ngôn ngữ cải lương và xiếc. Những cụm sân khấu riêng, ngoài sự lãng mạn của cải lương, sự có mặt của những nghệ sĩ xiếc với các màn tung hứng, tạp kỹ, xiếc dây… đã khiến khán giả hò reo khi xem.
Vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” phác họa huyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, người được truyền tụng là con của Ngọc Hoàng, giáng trần cứu nhân độ thế, dạy người dân nghề truyền thống, hát văn. Vở diễn mở đầu bằng cảnh hiện đại với phần giao đãi của nhóm bạn trẻ, từ đó dẫn dắt vào huyền tích dân gian. Trong vở này, các đạo diễn đã khéo léo ứng dụng múa trong tín ngưỡng thờ Mẫu, múa dây, lụa của nghệ thuật xiếc và vũ đạo cải lương để làm nên tác phẩm nghệ thuật nhiều màu sắc.
“Huyền sử Việt” là sáng tạo nghệ thuật và là nỗ lực đáng ghi nhận của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong bảo tồn các loại hình nghệ thuật này. Rõ ràng, trước xu hướng công nghệ hóa lĩnh vực giải trí, cả xiếc lẫn cải lương đều đối mặt với khó khăn trong tiếp cận khán giả và câu chuyện làm mới hai loại hình này được xem là căn cơ. Thực tế từ hai vở diễn đã công chiếu cho thấy, ê-kíp thực hiện đã rất khéo léo, làm nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa xiếc và cải lương, không sống sượng, gượng ép. Các nghệ sĩ cũng có sự ăn ý, nhịp nhàng trong ca, diễn. Thương nhất là những nghệ sĩ cải lương phải ngồi trên độ cao để kết hợp với nghệ sĩ xiếc, dù có sợ, nhưng vẫn ca cải lương rất mùi, duyên dáng.
Rõ ràng, xiếc và cải lương “vẫn còn cần có nhau”, như cách nói của NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Theo Báo Cần Thơ
https://baocantho.com.vn/cai-luong-va-xiec-ket-hop-trong-huyen-su-viet–a143495.html