Niềm vui lớn nhất của những người hâm mộ Nhà hát kịch VN trong dịp kỷ niệm 70 năm quang vinh của đơn vị thường được gọi là anh cả đỏ kịch nói VN có lẽ là được xem những vở diễn rất chất lượng và đầy sức hấp dẫn với dàn diễn viên đang đến độ chín và các đạo diễn trẻ đạt đẳng cấp cao trưởng thành từ các diễn viên của Nhà hát như Lâm Tùng, Tạ Tuấn Minh, Trịnh Mai Nguyên, Kiều Minh Hiếu và Xuân Bắc…
Đầu tiên phải nói đến Hoàng Lâm Tùng. Chàng nghệ sĩ sinh năm 1974 này sau 20 năm nổi tiếng với nghề diễn viên đã chọn kịch bản Khát vọng của Tạ Xuyên để bắt đầu nghề đạo diễn của mình sau khi tốt đạo diễn tại Đaih học Sân khấu Điện ảnh năm 2016. Đây là vở kịch dựa theo truyện ngắn nổi tiếng “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Kịch bản này từng được dựng trên sân khấu của Nhà nước hát kịch Quân đội. Và một bộ phim rất hay mang tên Lời nguyền của dòng sông dựa theo truyện ngắn trên cũng đã được đạo diễn Khải Hưng đưa lên màn ảnh nhỏ rất thành công. Tuy vậy, Lâm Tùng đã tìm được cách làm riêng để vở diễn có đời sống riêng, sức hấp dẫn riêng và đã được biểu diễn phục vụ rộng rãi trong nhiều năm. Sau khi dựng thêm một số vở nữa cho Nhà hát như Yêu, Cô gái và chiếc xe máy, anh được tín nhiệm giao làm đạo diễn cho vở kịch Bến không chồng do nữ tác giả Vũ Thu Phong biên kịch từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Đây là công trình hợp tác giữa Nhà hát kịch VN với Hiệp hội các nhà sản xuất các chương trình biểu diễn Hàn Quốc nhân kỷ niệm 70 năm Nhà hát kịch VN. Vở diễn đã hoàn thành và ra mắt khán giả Hàn Quốc giữa tháng 11 vừa qua, sẽ được điều chỉnh để ra mắt khán giả VN đầu năm 2023.
Kiều Minh Hiếu cũng là một nghệ sĩ biểu diễn rất nổi tiếng của Nhà hát kịch VN cả ở sân khấu và truyền hình. Giữa năm 2019, sau khi tốt nghiệp đạo diễn Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, anh được Nhà hát tin tưởng giao trách nhiệm dựng vở Điều còn lại, một vở kịch hay về đề tài hậu chiến của tác giả Nguyễn Đăng Chương. Nhận vở, anh quan niệm đây là bị kịch của những người, luôn hy sinh vì hạnh phúc của người khác nên vở kịch phải là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Vở kịch gây xúc động mạnh mẽ, thành công hơn mọi mong đợi, trở thành vở diễn chủ lực của Nhà hát từ cuối năm 2019 đến nay. Tham gia Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021 tại Hải Phòng, Điều còn lại giành huy chương vàng và được đánh giá là vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan. Năm 2022 vừa qua, Kiều Minh Hiếu tiếp tục dựng thành công vở kịch Nhân thế (tác giả Lê Mạnh Hùng), một vở diễn đề cập trực diễn đến vấn đề tham nhũng và sự tha hóa của đạo đức con người. Vở kịch khá hấp hẫn và gia nhập ngay vao dàn kịch mục biểu diễn thường xuyên của Nhà hát kịch.
Tạ Tuấn Minh là diễn viên chính trong thập kỷ gần đây của Nhà hát kịch VN. Anh cũng đi học đạo diễn và chọn dựng kịch bản Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ làm vở tốt nghiệp. “Người tốt nhà số 5″ nằm trong số các kịch bản hay nhất, hiện đại nhất của Lưu Quang Vũ. Tuy vậy đây là kịch bản rất khó dựng, khó diễn, bởi nó dường như không có xung đột, với những đối thoại ông nói gà bà hiểu vịt, với các nhân vật ‘đồng sàng dị mộng” nửa Chekhov, nửa Beckett. Viết từ năm 1984, nhưng Lưu Quang Vũ đã sớm nhận ra người tốt đã là cái gì quá hiếm hoi, quá xa lạ, xa lạ đến mức trở nên kệch cỡm trong xã hội hiện đại của chúng ta và tác phẩm của anh chứa đựng một nỗi buồn sâu xa, một dằn vặt lớn về câu hỏi này: chẳng lẽ xã hội càng phát triển, con người càng khó chấp nhận người tốt và sự thật đến thế sao? Đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh đã nhận ra chân giá trị của “Người tốt nhà số 5” muốn thực sự có đóng góp ngay ở bài tốt nghiệp bằng cách làm mới một tuyệt phẩm của Lưu Quang Vũ. Có lẽ, anh hiểu sâu sắc rằng nếu thời Lưu Quang Vũ sống, người tốt như nhân vật Hiệp đã hiếm thì bây giờ, sau 30 năm, lại càng hiếm hơn nhiều. Nói thật hay, thật sâu sắc, thật chinh phục về sự thật đáng buồn này, tức là đã góp phần ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ cho sự trở lại của những người tốt, những điều tốt đẹp trong xã hội hôm nay. Và thật đáng mừng khi nó trở thành vở diễn chính thức của Nhà hát kịch VN, rất thu hút khán giả. “Người tốt nhà số 5” được Nhà hát đưa tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô 2020, đoạt huy chương vàng và Tạ Tuấn Minh được Giải đạo diễn xuất sắc.
Trịnh Mai Nguyên cũng là diễn viên chủ chốt của Nhà hát kịch VN nhiều năm qua. Anh từng đóng vai đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bộ phim về chiến tranh Việt Nam do Pháp dựng và vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên của Nguyễn Quang Vinh. Anh là con đầu nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng Trịnh Thanh Sơn nên rất mạnh về kiến thức và tư duy văn học. Vở kịch đầu tay của Trịnh Mai Nguyên với tư cách đạo diễn là vở kịch Ảo ảnh hạnh phúc của tác giả Lê Chí Trung viết dựa trên hai tryện ngắn nổi tiếng của bố mình đên kỷ niệm 10 năm ông mất (2007-2017). Đây chính là bài thi tốt nghiệp khoa đạo diễn của anh. Vở diễn được khán giả, đồng nghiệp và đông đảo bạn bè của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn hoan nghênh nhiệt liệt. Sau đấy đầu năm 2021, vở “Như thế là tội ác” (tác giả Lê Chí Trung) về đề tài văn hóa giao thông được anh dựng khá lành nghề và hấp dẫn. Năm 2022 anh bất ngờ được đọc kịch bản “Người trong cõi nhớ” của Lưu Quang Vũ. Anh cảm nhận đây là kịch bản rất hay, rất cần cho con người hôm nay nhưng có nhiều thách thức không nhỏ cho đạo diễn muốn dựng lại nó. Anh đề nghị Giám đốc Xuân Bắc và Phó Giám đốc Kiều Minh Hiếu để anh dựng kịch bản này cho Nhà hát và được hai vị nhiệt tình ủng hộ. Trịnh Mai Nguyên biết chìa khóa để dựng thành công kịch bản đồng hiện 3 thế giới: Cõi sống – Cõi chết và Cõi nhớ, là thiết kế mỹ thuật sân khấu. Qua nhiều trăn trở tìm tòi, anh cùng họa sĩ Doãn Bằng, họa sĩ thiết kế sân khấu đắt sô nhất hiện nay đã có bản thiết kế ưng ý nhất. Nhờ thế, Trịnh Mai Nguyễn mới có một bản diễn Người trong cõi nhớ của ngày hôm nay, không có gì giống với bản diễn của đạo diễn Đoàn Bá năm 1985 từng đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Với bản diễn này, anh cùng các nghệ sĩ của Nhà hát kịch VN đã có một vở diễn giàu triết lý nhân văn, hấp dẫn và đoạt huy chương vàng vở diễn khi tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022.
Sau cùng không thể không đến NSUT Xuân Bắc, đương kim giám đốc Nhà hát kịch VN, người vừa được Chủ tịch nước trao tặng huân chương Lao động hạng III trong lễ kỷ niệm 70 năm Nhát hát kịch VN. Vì là MC, Diễn viên hài đắt sô số 1, người ta quên Xuân Bắc từng là một anh Núi rất bi kịch trong bộ phim Sống ở đáy sông, anh từng 2 lần được trao giải thưởng vinh dự “Gương mặt trẻ thủ đô uu tú”, từng là Đại sứ thiện chí của UNICEF về nước sạch và vệ sinh môi trường và đang là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN khóa VIII. Bởi vậy, không có gì lạ, sau hơn hai năm làm phó giám đốc và sau 2 năm làm Quyền Giám đốc anh đã được bổ nhiệm làm giám đốc Nhà hát kịch VN đầu năm 2021. 2 năm qua, anh đã chứng tỏ anh làm giám đốc, đưa được Nhà hát kịch qua khỏi giai đoạn khủng hoảng sau khi đạo diễn, Giám đốc, NSND Anh Tú mất, từng bước trở lại vị trí hàng đầu của mình với các vở diễn chất lượng cao đứng đầu các liên hoan quốc gia, quốc tế bằng các vở diễn như Người tốt nhà số 5, Điều còn lại, Người trong cõi nhớ, Đêm trắng. và làm cho cái nhà hát nhỏ sau Nhà hát Lớn luôn sáng đèn bằng dàn kịch mục mới “của nhà làm được” (do các đạo diễn là các nghệ sĩ trong nhà hát dàn dựng.
Đêm trắng là vở diễn đầu tiên Xuân Bắc làm đạo diễn do người thầy Doãn Hoàng Giang, người đã từng dựng vở này năm 1987 cho Đoàn kịch Quân khu II và năm 2005 cho Nhà hát kịch VN, làm cố vấn. Tuy vậy, Xuân Bắc vẫn có cách làm riêng cho vở diễn vừa bạo liệt hơn vừa mềm mại hơn. Anh tỏ ra đã làm chủ hoàn toàn vở diễn có đến hơn 100 diễn viên không dễ dựng này với phương pháp tạo đối lập trực tiếp giữa cái tốt và cái xấu và đưa cái hài nhẹ nhàng vào đúng lúc tạo thêm sự hấp dẫn của vở diễn. Xuân Bắc cũng tạo nên một hình tượng Hồ Chí Minh rất người, nghiêm khắc, kiên quyết và tràn đầy yêu thương, khoan dung. Nghệ sĩ Minh Hải qua vở diễn này đã trở thành một nghệ sĩ đóng vai Hồ Chí Minh đáng tin cậy. Đêm trắng của Xuân Bắc và Nhà hát kịch VN rất xứng đáng đạt giải A duy nhất dành tặng cho vở diễn xuất sắc trong năm 2021 của Hội Nghệ sĩ Hoôồ Chií Minh Sân khấu VN cho thấy nghệ sĩ hài Xuân Bắc có thể tự tin làm chính kịch đỉnh cao cho Nhà hát mà anh lãnh đạo.
Rất mừng Nhà hát VN đã giới thiệu được một thế hệ đạo diễn tài năng mới. Nhưng cũng phải nói rằng để có những Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang, Doãn Hoàng Giang, Anh Tú…thì khoảng cách còn quá xa. Tin rằng thế hệ mới này sẽ học hỏi và lao động cật lực rút ngắn khoảng cách đó để giúp Nhà hát kịch VN giữ được vị trí hàng đầu của kịch nói VN.
Hoàng Anh (VHVN)