Chỉ trong 3 phút, khi vạt đồi cao hàng chục mét nứt nẻ, ùn ùn đổ xuống theo dòng suối, không chỉ con người mà nhà cửa, tài sản… của người dân bản Tủ (Văn Chấn, Yên Bái) đều bị cuốn đi.
Ba ngày sau trận lũ dữ, con đường vào bản Tủ thuộc xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nay chỉ toàn là đất đá, cây cối ngổn ngang. Hơn 70 hộ dân tộc người Thái bao đời nay sống bên khe Suối Ma là nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn lũ quét xảy ra sáng 20/7. Với những người dân nơi đây, bản của họ như bị “xóa sổ” sau trận lũ lịch sử chưa từng có.
Vạt đồi cao hàng chục mét trên đỉnh khe Suối Ma sau nhiều ngày mưa lớn no nước, mềm nhũn rồi nứt nẻ đổ ập xuống cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Sáu căn nhà kiên cố nay chỉ còn là bãi đất đá. Sáu người trong bản bị lũ cuốn trôi nhưng chỉ một nửa trong số họ được tìm thấy.
Lũ về xoá trắng bản trong đêm
Ngồi bần thần trong căn lều dựng tạm bằng mấy thanh gỗ lượm lặt từ căn nhà bị lũ cuốn trôi, bên trên được che bởi mảnh bạt không còn nguyên vẹn, ông Lò Văn Muồn (56 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về trận lũ dữ vừa qua.
Chỉ tay về bãi đất đá trước mặt, người đàn ông có khuôn mặt hốc hác, chòm râu ngả màu bảo đó từng là nền căn nhà sàn 5 gian vợ chồng ông xây cất chưa lâu, nhưng cơn lũ ấy tràn qua đã cuốn phăng đi mọi thứ.
“Mất hết, mất hết rồi. Nhà cửa, tài sản không còn thứ gì, nay chỉ còn đống đất đá, gốc cây thôi”, ông Muồn nói, giọng bơ phờ.
Khoảng 5h30 sáng ngày 20/7, ông dậy sớm hơn mọi ngày để dọn dẹp nhà cửa và ra xem nước từ khe Suối Ma có lớn hơn không vì cả đêm qua trời mưa lớn. Vừa bước ra đến sân đã nghe tiếng ùn ùn như trực thăng, lúc sau ông nghe tiếng thất thanh những trong bản hô “chạy đi, lũ về”.
Ngoảnh lại nhìn lên phía đỉnh núi chỉ thấy bùn đất theo dòng nước ùn ùn đổ xuống như chiếc chiếu lớn sắp cuốn lại. Ông chỉ kịp hô vợ và các con chạy nhanh ra khỏi nhà. Vừa nhảy qua tường rào bê tông cách nhà khoảng 5 m thì cơn lũ kéo đến cuốn phăng mọi thứ.
“Chỉ toàn bùn đất, cuộn tròn như chiếc chiếu khổng lồ, nó cao đến tận ngọn cây xoan đào rồi cuốn mọi thứ trong chớp mắt. Chỉ 3 phút mọi thứ không còn gì. Chân tay tôi bủn rủn không biết chuyện gì đang xảy ra, mọi chuyện quá nhanh”, ông Muồn nhớ lại.
Sống hơn 50 năm trong bản nhỏ, ông Muồn cho biết chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào lớn đến như vậy. Khe Suối Mạ thường ngày nhỏ bằng cái bàn gỗ, đứa nhỏ 7 tuổi nhảy cũng qua, ngày thường nước dưới khe còn không đủ rửa chân thế mà nay trở thành dòng thác chôn vùi cả bản.
Ba ngày nay, ông Muồn cùng các con chỉ biết gom nhặt những thanh gỗ từ ngôi nhà sàn còn sót lại và những vật dụng gia đình còn dùng được.
“Chiếc tủ gỗ đựng toàn bộ tài sản cũng trôi đi đâu mất không còn thấy. Chưa biết bao giờ mới có thể bắt đầu lại cuộc sống. Không còn thứ gì, cứ đưa tay lên dọn dẹp là lại rệu rã”, người đàn ông bị lũ cuốn mất nhà cửa, tài sản lo lắng.
Theo các cụ cao niên trong bản, cả trăm năm nay, bản Tủ chưa từng chứng kiến trận lũ nào lớn gây thiệt hại đến nhân mạng và tài sản đến vậy. Với họ, bản nhỏ yên bình nằm dọc con suối coi như đã bị xóa sổ.
Chứng kiến cơn lũ đổ về, không chỉ những người già mà ngay cả những người còn trẻ như chị Lò Thị Nhớ (30 tuổi) cũng ám ảnh. Sau 3 ngày, mỗi lần nghĩ đến cảnh lũ đổ về, chị Nhớ vẫn còn thấy sợ.
“Cả bản giờ tan hoang, chỉ toàn bùn đất, cây cối, mình thấy lũ đổ về nhanh lắm, giờ còn sợ lắm, nghĩ mà run. Nó quá nhanh, nó cuốn hết những thứ gì trên đường đi”, chị Nhớ kể.
Theo chị Nhớ, hôm ấy trời mưa rả rích, lúc chị dậy cùng chồng dọn dẹp nhà cửa thì nghe ù ù mấy tiếng rồi ngớt đi một lúc, được mấy phút thì từ xa nghe ùn ùn kéo đến, nghe tiếng chồng bảo chạy nhanh, chị bồng con chạy ngang sang căn nhà bên cạnh. Vừa được mấy bước, cơn lũ đã đổ ào xuống, cuốn phăng cầu thang nhà sàn của bố mẹ chồng. “Quay lại nhìn chỉ thấy trắng xóa, nhanh quá, không kịp kêu ai. Lũ cao đến ngang cả cây cột điện nữa, mấy nhà nằm cạnh suối là trôi đi hết”, chị Nhớ chưa hết sợ hãi kể.
Tang thương phủ bản nghèo
Cách căn lều ông Muồn chỉ chừng 50 m là chiếc lán của anh Lò Văn Dưng (36 tuổi). Người đàn ông này vừa mất đi vợ là chị Lường Thị Thủy (34 tuổi) và cậu con trai út Lò Văn Duy chỉ mới lên 3.
Ngồi trong căn lều tạm, bà Hà Thị Dừn (68 tuổi, mẹ anh Dưng) cứ liên hồi khóc và gọi tên cô con dâu xấu số nay vẫn chưa tìm thấy. Những người dân trong bản thay nhau đến an ủi người phụ nữ ở tuổi xế chiều và thắp nén hương lên bàn thờ được anh Dưng dựng tạm ngay trên nền căn nhà cũ. Nơi mấy ngày trước vợ và con anh còn cười, nói rôm rả chờ anh đi làm về giờ đây nó đã thành đống đất đá ngổn ngang.
Theo người dân trong bản, năm 2016 anh Dưng và chị Thủy nên duyên vợ chồng khi cả hai đều trải qua hai lần đò. Họ có hai đứa con trai, đứa lớn là Lò Văn Tân (14 tuổi, con riêng chị Thủy) không may bị bại liệt từ nhỏ, đứa nhỏ là Lò Văn Duy (3 tuổi).
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng không muốn vợ con sống khổ sở, năm vừa rồi, anh Dưng bàn vợ vay tiền rồi xây cất ngôi nhà sàn 5 gian cao ráo rồi kiếm tiền trả nợ dần. Nào ngờ, nhà xây chưa xong tai họa đã ập đến.
Cố nén dòng nước mắt, bà Dừn kể trong tiếng nấc, hôm cơn lũ tràn qua bản, anh Dưng còn đi làm tận dưới Hà Nội chưa về, nhà chỉ con dâu, cùng hai cháu đang ngủ. “Dân bản bảo lũ đổ về, cái Thủy nó đã nghe thấy, chạy lên bế con chạy nhưng không kịp, cả ba mẹ con nó đều bị lũ cuốn đi cả”, bà vừa nói vừa quệt nước mắt.
Người dân trong bản đổ xô đi tìm thì phát hiện đứa cháu lớn bị bại liệt lũ cuốn cách nhà chừng 50 m, nằm vắt vẻo gần cây nhãn, tưởng đã chết nhưng may sao còn sống. Còn đứa nhỏ thì mãi hôm sau mới thấy nó dưới đống đất đá và đã mang đi an táng.
“Chỉ còn con dâu, ba ngày rồi vẫn chưa thấy nó ở đâu. Con ơi ba ngày rồi con về đi con ơi, hãy để thân già gánh thay các con, về đi con ơi”, bà Dừn khóc to.
Sau lũ, gia đình anh Dưng chuyển sang ở nhờ nhà họ hàng trong bản. Bà Dừn ngày ngày vẫn ra ngoài lán ngồi khóc than, thắp hương lên bàn thờ tạm những mong vong linh con báo cho chồng để sớm tìm được thi thể.
Còn anh Dưng cứ đi đi lại lại, trên tay anh cầm bát hương đang cháy nghi ngút, nhìn về mọi hướng trong vô vọng, nơi mà vợ anh đang nằm đâu đó trong đống đổ nát vẫn chưa được tìm thấy.
Lâu lâu người chồng mất vợ và con lại ngồi trên mỏm đá cạnh suối, gục mặt xuống. Trong ánh mắt đỏ hoe, thất thần của anh Dưng, ai cũng hiểu nỗi đau, sự mất mát quá lớn anh đang gánh chịu khi mất đi người thân yêu nhất. Đó như một cơn ác mộng khiến anh có thể gục ngã.
Không chỉ riêng anh Dưng tìm người thân trong vô vọng, vợ và con cùng người thân trong gia đình ông Hà Xuân Hòa (58 tuổi) cũng đang cố gắng đào bới từng tấc đất đá, lật từng gốc cây với hy vọng mong manh tìm thấy thi thể ông sau 3 ngày mất tích.
Bản Tủ cũng là nơi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông Đặng Phúc Tài, Phó bí thư xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, người bị lũ cuốn trôi, tử vong khi bơi ra dòng lũ cứu bé trai đang bị mắc kẹt.
Theo người thân ông Tài, sáng ngày 20/7, khi thấy nước lũ tràn về, ông Tài chạy qua đón cháu ngoại Đặng Hoàng Phúc (7 tuổi) thì thấy cháu đang chơi cùng bé gái hàng xóm Triệu Thị Pham (15 tuổi).
Trông thấy hai cháu đang đi từ đường vào trong nhà, nơi nước đã ngập lênh láng ông Tài liền cố gắng chạy nhanh về phía các cháu và gọi lớn ngăn lại. Nghe gọi lớn, bé Pham kịp quay trở ra, riêng Phúc chạy không kịp bị dòng lũ cuốn trôi. Thấy thế, ông Tài lao vào dòng lũ hòng cứu nhưng dòng lũ đổ về quá nhanh đã cuốn trôi hai ông cháu cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản.
Đến trưa cùng ngày, thi thể vị Phó bí thư xấu số được lực lượng chức năng tìm thấy ở con suối cách nơi ông gặp nạn hơn 10 km. Thi thể ông cùng chiếc áo quan đóng vội phải nhờ đến 20 thanh niên khiêng vác. Gặp những đoạn đường đất đá, bùn lầy sạt lở họ phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy xúc mới đưa được từ xã Sơn Lương về thôn Làng Cò, xã Nậm Mười, để gia đình tổ chức lễ tang theo phong tục địa phương.
Nhặt nhạnh những gì còn sót lại
Thấy trời hửng nắng, người dân bản Tủ lại lật đật đi ra bãi đất đá ngổn ngang gần mấy ruộng lúa, nơi mà cơn lũ đang chôn vùi nhà cửa, tài sản của họ. Những chiếc tủ lạnh, tivi nằm trơ trọi giữa bãi bùn lầy, xung quanh ngập bùn đất. Họ chẳng biết nhặt thứ gì từ đống đất đá, cây cối ngoài những thanh củi khô, những tấm cửa sổ hư hỏng phân nửa.
Cũng như bà con trong bản, anh Trung (21 tuổi) mấy ngày nay đều chân đất lội từ mương nước này qua hố sâu khác, cứ nơi nào có nước là có dấu chân anh ta với mong muốn tìm thêm được ít cá trôi ra từ hồ. Chàng thanh niên kể đầu năm gia đình anh đầu tư tiền đào ao trên rẫy nuôi cá trắm. Cá lớn sắp thu hoạch được thì cơn lũ đổ về cuốn trôi hết mọi thứ.
“Cái ao cá hơn 100 con trôi hết rồi, chỉ còn mười mấy con thôi. Giờ đi tìm xem có con nào mắc kẹt trong vũng nước mang về nấu ăn qua ngày thôi, chứ mất hết rồi”, Trung buồn bã.
Với những gia đình bị lũ tràn về làm hư hỏng nặng, bùn đất chất đầy gian dưới nhà sàn, họ vẫn đang cùng lực lượng chức năng cào bùn, dọn dẹp những thứ còn sót lại và sửa sang lại những phần hư hỏng mong sớm ổn định cuộc sống.
Đang cùng chị dâu dọn đống bùn lầy cuốn đi một góc nhà sàn của gia đình, Hà Văn Kiên (24 tuổi) cho biết lũ cuốn đi hết căn nhà anh trai và làm gãy 3 cột chống của nhà mình.
“Hôm nghe tin lũ về bản, em đang đi làm dưới Hà Nội bắt xe về. Tới nơi thì không thấy nhà anh trai đâu nữa, riêng nhà mình thì vẹo mất một bên vì gãy cột chống. Bố bị lũ cuốn nhưng may bám được vào cành cây nên chỉ bị gãy xương đang nằm cấp cứu ở bệnh viện. Giờ trôi hết rồi, phải nhờ mấy anh công an giúp dựng lại nhà thôi”, Kiên nói.
Trưởng bản Hà Văn Huyên cho biết đây là nơi nghèo nhất của xã Sơn Lương. Bản Tủ chỉ có hơn 70 hộ dân với 328 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái. Họ sống bằng canh tác nương rẫy. Bản cũng từng bị nhiều trận lũ đi qua nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ kinh hoàng đến vậy như lần này.
“Bản cũng báo cáo lên xã, huyện để kêu gọi hỗ trợ cho bà con, cũng như mong các lực lượng về khắc phục khó khăn, hỗ trợ tìm kiếm những người gặp nạn còn mất tích để họ sớm ổn định cuộc sống”, ông Huyên nói
Cơn lũ đi qua, bản Tủ trở nên u ám, sầu uất. Tiếng nước dọc khe Suối Ma trở lại nhẹ nhàng như chưa từng xảy ra chuyện gì, nhưng dọc theo nó là cảnh tan hoang, đìu hiu của bản làng như vừa bị xóa sổ.
Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra trong những ngày qua, với 29 người chết, mất tích và bị thương; trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc… Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng. |
Theo Zing