Phải nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào thực tế trước mắt mới thấy được con cháu mình đạt điểm giỏi mà buồn, để rồi sớm thay đổi tư duy.
Mấy ngày qua, các trường phổ thông đã tổ chức tổng kết năm học và trao thưởng cho học sinh. Cũng giống những năm trước, ở đâu cũng thấy tỷ lệ học sinh giỏi của các trường rất cao. Sau lễ bế giảng, các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều vui vẻ. Nhưng đằng sau đó, không ít người tâm tư suy nghĩ, thậm chí thấy buồn vì kết quả dạy và học không thực chất.
Câu chuyện đang xôn xao dư luận từ trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 10, TP Vũng Tàu. Một phụ huynh có cháu trai học lớp 6, hoài nghi về thành tích cả lớp có 43 học sinh thì tới 42 em đạt loại giỏi, chỉ duy nhất 1 bạn khá. Vì vậy mà người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh này đang yêu cầu cấp quản lý trực tiếp trường THCS đó là phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu giải trình.
Phải thừa nhận rằng, ngày nay các cháu học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, tư chất thông minh hơn nên mặc dù khối lượng bài vở nhiều và khó hơn trước nhưng nhiều cháu vẫn tiếp thu kiến thức tốt và học giỏi. Nhưng lẽ thường, tỷ lệ học sinh giỏi của các lớp bao giờ cũng thấp hơn số học sinh khá và trung bình. Vậy mà lâu nay, trái ngược lại với lẽ thường ấy, tỷ lệ học sinh giỏi đạt cao chót vót. Ở các địa phương, nhất là địa bàn nông thôn, miền núi, không thể có lớp học mà tỷ lệ giỏi gần như tuyệt đối được. Nếu xét thực chất lực học của các cháu, tỷ lệ học giỏi chỉ chiếm 10-15%; với vùng sâu, vùng xa, con số ấy chỉ 5% trở xuống.
Có những trường chuyên đưa ra tiêu chí xét tuyển là điểm tổng kết các môn học đều phải đạt 9-10. Đó là một thách thức khiến phụ huynh và học sinh phải tìm mọi cách để chạy điểm từ những năm học đầu cấp. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, phụ huynh phải bám sát thầy cô, quà cáp biếu xén thường xuyên. Thầy cô muốn có thành tích và lại cải thiện được đời sống nên cũng phóng bút cho điểm cao hơn. Thế là được cả đôi đằng, học sinh đã có bảng điểm “đẹp” để vào những trường danh giá. Và như thế, chất lượng các trường chuyên cũng không phản ánh đúng thực chất.
Kỳ thi vào đại học năm ngoái đã rộ lên những chuyện gian lận điểm trong chấm thi ở các tỉnh Tây bắc, nhiều cán bộ và thầy cô giáo đã bị pháp luật xử lý. Có một số ý kiến đề xuất sắp tới nên bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng bỏ thi để xét điểm thì không thể tránh khỏi việc chạy để được điểm cao ngay từ bây giờ. Nếu xét điểm thi của cả 3 cấp học thì tỷ lệ trúng tuyển vào đại học vẫn cao chót vót.
Trước thực trạng này, cần phải có những giải pháp ngăn chặn sớm. Gia đình, nhà trường, học sinh cùng phải tham gia và có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về việc dạy và học.
Thực tế cho thấy, học sinh tốt nghiệp THPT mà như “gà công nghiệp”, không hề có kỹ năng sống. Sinh viên tốt nghiệp đại học mà khi đi thử việc bị thải loại hàng loạt, nhiều người phải đi học nghề mới có việc làm. Đó là hậu quả của việc học chạy theo điểm số, bằng cấp, không thực chất. Mà nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là bệnh thành tích.
Các thầy cô giáo có số học sinh giỏi hàng năm cao thì được sớm xét nâng lương, nâng bậc, được đề bạt. Nhà trường sẽ có thành tích báo cáo lên cấp trên để được khen thưởng, chú ý hơn. Phụ huynh có con học giỏi tự hào, mát mặt với thiên hạ. Còn khổ nhất lại là học sinh vì áp lực phải học giỏi, điểm cao. Học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô rồi các trung tâm. Bị điểm kém thì bị cha mẹ mắng chửi, nhiếc móc, bị bạn bè coi thường. Thế là suốt ngày chỉ biết học. Hở ra chút thời gian hiếm hoi nào thì làm bạn với điện thoại, máy tính. Cho nên, tuổi thơ đã bị đánh mất, lớn lên ngơ ngác giữa cuộc đời, không biết làm việc gì. Những việc nhỏ nhất là tự lo cho bản thân mình, nhiều cháu cũng không làm được.
Sẽ thật đáng buồn nếu như chúng ta cứ mãi tự hào là có tỷ lệ học sinh giỏi cao nhưng ra đời chỉ trở thành người vô dụng. Bởi cái sự giỏi đó không phản ánh đúng với năng lực thật của các cháu. Cứ say sưa với cái thành tích ảo đó là hủy hoại thế hệ tương lai của đất nước.
Ngành giáo dục không ngừng đổi mới, cải cách. Các chuyên gia giáo dục cũng thường xuyên đi học tập nghiên cứu ở các nước. Song, giáo dục nước nhà vẫn ở trong vòng luẩn quẩn. Hơn nữa, xã hội bị lôi cuốn vào bệnh bằng cấp nên cùng với bệnh thành tích của ngành giáo dục, xuất hiện những con người giả dối, bất tài. Không ít trong số đó đã trở thành kẻ phá hoại vì háo danh, ngu dốt.
Phải nhìn thẳng vào sự thật, nhìn vào thực tế trước mắt mới thấy được con cháu mình đạt điểm giỏi mà buồn, để rồi sớm thay đổi tư duy!
Theo Toquoc