Buôn Ma Thuột phấn đấu sẽ là “Thành phố cà phê của thế giới”

20:14 | 09/05/2024

Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với cây cà phê và được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi chất lượng cà phê thơm ngon đậm đà đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Ngoài ra, Buôn Ma Thuột còn có nhiều công trình văn hóa, công trình sản xuất mang đậm dấu ấn cây cà phê như Bảo tàng cà phê, đồn điền cà phê gắn với văn hóa thưởng thức, chương trình lễ hội cà phê được tổ chức định kỳ 2 năm. Đến thời điểm hiện tại, Buôn Ma Thuột đang nỗ lực thực hiện, hướng đến mục tiêu và tầm nhìn mới, phấn đấu để trở thành “Thành phố cà phê của thế giới ”

Từng bước hình thành dáng dấp “Thành phố cà phê của thế giới”

Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng đất Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa của cường quốc cà phê Việt Nam, nơi hạt cà phê Robusta thơm ngon nhất thế giới, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước. 

Thành phố Buôn Ma Thuột phấn đấu trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dần dịch chuyển sang nền kinh tế sáng tạo, với thế mạnh của ngành cà phê – năng lượng của kinh tế tri thức, Buôn Ma Thuột hoàn toàn có thể trở thành một thành phố chuyên đề – Thành phố cà phê của thế giới. Thấu hiểu được lợi thế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã luôn chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cùng các giá trị của cà phê nhằm đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà phê thế giới.

Theo ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị có kết luận số 67-KLTW về việc Xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng Đề án phát triển thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện đề án đó, thành phố đang từng bước hình thành nên dáng dấp “Thành phố cà phê của thế giới” bằng việc triển khai xây dựng các điểm nhấn, các đặc trưng riêng mà khi du khách đến với TP. Buôn Ma Thuột sẽ nghĩ và nhớ đến như triển khai phố đi bộ ở đường Phan Đình Giót để mở ra một không gian thưởng thức cà phê; tổ chức chợ phiên nông sản cuối tuần tại trung tâm thành phố, trong đó sản phẩm chủ lực là cà phê. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang nỗ lực trong thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai những ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà phê của thế giới”

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với chủ đề “Điểm đến của cà phê thế giới” (diễn ra từ ngày 10-14/3/2023), phát biểu tại khai mạc lễ hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo: “Để chuỗi giá trị ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, ngoài việc nâng cao chất lượng cà phê cần chú trọng thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, chiến lược quảng bá phù hợp để đưa Đắk Lắk thành điểm đến của cà phê thế giới, Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới”

Đề án còn nhiều thách thức

Theo ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, đề án phát triển thành “Thành phố cà phê của Thế giới” đã và đang thực hiện, tuy nhiên hiện nay còn nhiều thách thức và khó khăn nhất định.

Dù là thủ phủ cà phê của cả nước, nhưng số lượng doanh nghiệp của Buôn Ma Thuột có quy mô lớn còn ít, mang tính cục bộ; chưa thể đi vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có điểm nhấn riêng biệt. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, kiểm soát chất lượng từ thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại chưa gắn kết chặt chẽ. Các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Việc sơ chế, chế biến cà phê quy mô nông hộ và các cơ sở sản xuất khác còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Lễ hội đường phố, một trong những hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra năm 2023 (ảnh: Vạn Tiếp)

Về nguồn lực, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ đề xuất Trung ương phương án cải tạo chỉnh trang, thiết kế đô thị cho một số khu vực nội thị theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố cà phê, trong đó, bao gồm các không gian công cộng gắn với thương hiệu cà phê như quảng trường, tuyến phố, công viên, công trình kiến trúc, khu vực cửa ngõ đô thị, khu vực điểm nhấn cảnh quan, công trình nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật….; nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu chức năng mới thuộc lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê như vị trí xây dựng các công trình sàn giao dịch cà phê, trung tâm tài chính, dịch vụ logistic về cà phê, trung tâm thương mại, trung tâm sản xuất chế biến cà phê chất lượng cao đẳng cấp quốc tế…; bảo tồn, trùng tu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch, lễ hội cà phê…

Tiếp đó, Trung ương cần cho địa phương cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng làm đẹp, xanh, sạch thành phố đáp ứng tiêu chí thành phố cà phê thế giới; ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê trên địa bàn; chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là các chương trình khuyến khích, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, có định hướng thị trường và mang thương hiệu thành phố cà phê của thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới”, về lâu dài, ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, còn nhiều việc phải làm từ cải tạo chỉnh trang đến xây dựng mới những công trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê, du lịch, sự hấp dẫn về kiến trúc, nghệ thuật, bản sắc và môi trường cảnh quan đô thị …

“Thành phố tiếp tục triển khai quy hoach chi tiết, đưa ý tưởng định hình chính sách để kêu gọi thu hút đầu tư thành phố cà phê là  phát huy lợi thế “Đô thị nông sản”; hướng tới không phải đầu tư nguồn lực mà xây dựng cơ chế để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia tạo ra chuỗi giá trị từ cà phê liên kết phát triển sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm cà phê; người nông dân thu nhập tăng cao từ việc phát huy lợi thế sản phẩm gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm”, ông Hưng nói.

Minh Tâm

 

Cùng chuyên mục

Hội chợ Triển lãm Quốc tế Vietbuild 2024

Hội chợ Triển lãm Quốc tế Vietbuild 2024

Đổi mới sáng tạo: “Từ khóa của hội nhập và phát triển”

Đổi mới sáng tạo: “Từ khóa của hội nhập và phát triển”

Bùng nổ các dịch vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ ở Quảng Bình

Bùng nổ các dịch vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ ở Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Đà Nẵng và triển lãm mỹ thuật “Nắng Tháng 4”

Đà Nẵng và triển lãm mỹ thuật “Nắng Tháng 4”

Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng khẳng định vị thế và phát triển về du lịch

Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng khẳng định vị thế và phát triển về du lịch