Bời bời nắng gió ngõ Văn

19:31 | 05/03/2022

Phải nói ít phố phường nào có những con ngõ mang tên kèm theo chữ Văn như nơi tôi đang ở. Đó là các ngõ Văn Chương, Văn Hương và Huy Văn đều nằm trên trục đường chính của phường Văn Chương. Ngõ Văn Chương nối liền ba phố: Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng và Trần Quý Cáp. Có thời ngõ Văn Chương còn mang tên xóm cô đầu. Đó chính là nơi tá túc của các đào nương, đào rượu sau khi vãn chầu hát.


NƠI Ở ẨN CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG

Cụm xóm Văn thuộc làng Văn Chương xưa ở sát Hồ Văn thuộc quần thể Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Dân trong ba làng thịnh hành một thời làm nghề mở quán trọ cho các sĩ tử về kinh thuê ở. Họ còn kiêm luôn cả việc nấu cơm cho học trò đến trường thi. Có lẽ đây cũng là nguồn gốc tên của ba làng đều gắn với chữ Văn. Đường làng Văn Chương dài hun hút vòng quanh đến gần hai cây số có nhiều ngách thông nhau. Xưa bến đò ở gần hồ Văn Chương đi dọc theo các chi lưu sông Tô Lịch thuộc xã Văn Chương, huyện Thọ Xương cũ. Nay cả ba làng cổ đều thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Những chuyện ở ngõ Văn Chương luôn gắn với những số phận đào nương đêm đêm đi hát ngoài phố Khâm Thiên. Những cô gái trẻ trung từ các miền thôn quê tụ về học nhịp phách “tom chát” và cất lên những tiếng ca buồn sầu về cuộc đời. Đêm đêm lại trở về quán trọ. Cởi bỏ xiêm y họ bơ vơ và ẩn ức với những nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn. Nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-1989) cả đời sống ở ngõ Cống Trắng, nơi tụ hội nước thải bên sông ngõ Văn Chương đổ về. Ông đã viết về cuộc đời phiêu dạt của các cô đào nương với cảm xúc tủi buồn: “Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca/ Mênh mông trời đất vẫn không nhà/ Người ơi mưa đấy? Hay hồn phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa…” (Sầu chung).

Đền thờ vua Lê Thánh Tôn.

Sau này các đào nương đã được giải thoát khi hòa bình lập lại. Con ngõ lầm than xình lầy Văn Chương mọc lên những ngôi nhà khang trang. Kênh đào được san lấp và những con đường mới đã bồi đắp. Tuy được mở rộng nhưng ba ngõ vẫn thông nhau và cùng song hành đi ra phố. Riêng ngõ Văn Chương và ngõ Huy Văn còn có chung một ngôi chùa Dục Khánh và đền Huy Văn, đã hơn 500 năm qua. Nếu đi theo ngõ Văn Chương tới số nhà 34 là cổng sau chùa. Còn cổng chính chùa được mở ở số nhà 21 ngõ Huy Văn. Ngôi chùa cổ này mang đậm dấu ấn đời Lê Sơ (1428-1527) với những kiến trúc và điêu khắc dân gian khá tinh xảo. Ngôi chùa Dục Khánh xưa ẩn nấp sau những xóm làng hiu quạnh một thời. Nó ẩn dấu một cuộc đời của vị vua bí ẩn trong thời tao loạn binh đao dưới triều Lê Sơ.

Ban hát cô đầu xưa.

Góc hồ Văn Chương.

Dân trong làng Văn Chương vẫn còn lưu truyền câu chuyện một vị đế vương sống lưu vong trong dân gian (tại chùa Huy Văn). Đó chính là cuộc đời của vua Lê Thánh Tông. Bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao (vợ ba của Lê Thái Tông) khi mang thai ông đã phải bỏ trốn vì sự gièm pha và vu oan giá họa của người vợ cả. Đáng lẽ bà mắc phải tội chết nhưng do quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi (1380-1442) đã xin vua hạ xuống án đi đầy biệt xứ. Nguyễn Trãi đã cùng vợ Nguyễn Thị Lộ lén đưa bà trốn vào chùa Huy Văn chờ đến ngày sinh nở. Sau khi sinh con trai bà Ngô Thị Ngọc Dao đặt tên là Lê Tư Thành (sinh năm 1442). Hàng ngày bà ẩn dật bán hàng nước và bánh trái bên cạnh đền Trung Tả (gần hồ Văn Chương) để nuôi con. Đặc biệt bà còn là người dậy dỗ con từ bé. Những lời hát ru của bà đã ấp ủ nguồn thơ lai láng của Tư Thành sau này.

Mãi bốn năm sau thế sự triều đình ổn định và Tư Thành được đón về kinh phong vương. Tài thơ của Tư Thành sớm phát lộ sâu sắc với những cảnh đời dân gian trầm luân. Sau này lên ngôi vua (1460-1497) lấy niên hiệu là Lê Thánh Tông. Ông đã lập ra Tao đàn “Nhị thập bát tú” sinh hoạt thường kỳ. Tao đàn tập họp 28 người làm thơ xuất sắc nhất thời đó. Vua Lê Thánh Tông cũng là người đã giải nỗi oan cho hai ân nhân Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Nhà vua đã cho xây thêm chùa Dục Khánh bên điện Huy Văn để mẹ về tu tập thiền tịnh cho đến khi mất. Hiện chùa Huy Văn có điện thờ Lê Thánh Tông. Còn đền Trung Tả là nơi thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao.

NHÀ VĂN ANH HÙNG TRONG NGÕ VĂN CHƯƠNG

Ngõ Văn Chương trở thành trục đường chính gắn kết khu dân cư phường Văn Chương gồm cả ba làng cũ. Giờ mọi con đường đã thành phố xá sầm uất nhộn nhịp. Nhưng riêng đường làng Văn Chương vẫn không lên phố mà vẫn là ngõ của hai con phố Khâm Thiên và Tôn Đức Thắng. Đặc biệt khu Tập thể Văn Chương sớm được hình thành (từ thập niên 60) trên miền đất trung tâm làng kề gần phố Khâm Thiên. Những căn hộ nơi đây bắt đầu cuộc sống mới. Những tao nhân mặc khách đã tìm về miền đất lành chim đậu này. Gốc lâu nhất phải kể đến gia đình nhạc sĩ Thế Song (người sáng tác bài “Nơi đảo xa” nổi tiếng). Gia đình ông ở đầu ngõ Văn Hương. Nơi đây luôn vang tiếng đàn dương cầm thánh thót bên ngôi chùa Huy Văn. Sau này có cố thi sĩ Tô Hà (1939-1991) cũng dọn về khu tập thể cơ quan ở ngõ Văn Hương trong mấy chục năm cho đến khi mất. Nghe nói có một thời nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944-2020) cũng trong ngõ này. Những ca khúc đậm chất dân ca của ông cũng đã được vang lên trong căn nhà bên ngôi chùa.
Nhưng người đến sớm nhất ở ngôi nhà tập thể Văn Chương là nữ sĩ Anh Thơ (1918-2005). Người đến muộn hơn một chút là nhà văn Sơn Tùng (1928-2021), người chiến sĩ thương bệnh binh đã viết tác phẩm “Búp sen xanh” nổi tiếng. Đây là tác phẩm đã được tái bản tới 30 lần. Nhưng con số đó vẫn thua kém năm tháng mà gia đình nhà văn đã sống ở khu A tập thể Văn Chương. Ông là nhà văn kỳ lạ nhất nước ta. Trước hết ông là người lao động phi thường chống lại những cơn đau dữ dội từ 14 vết thương trên cơ thề cùng với 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Ông đã làm không ít thơ tặng vợ mình bởi bà là người hỗ trợ đặc lực nhất giúp ông đánh máy hàng vạn trang viết trong hàng chục năm trời. Những vần thơ ông để lại làm xúc động lòng người: “Anh không nhớ thời gian/ Mà đếm tuổi cây bằng qua màu lá/ Và đo tầm lớn của em qua cửa sổ/ Qua chiều sâu thương nhớ giữa lòng anh” (Cửa sổ xanh-Sơn Tùng). Trong số hơn 30 tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng có đến 13 cuốn ông viết về cuộc đời Bác Hồ.

Nhà văn anh hùng Sơn Tùng ở khu tập thể Văn Chương.

Ngôi nhà ở ngõ Văn Chương gắn bó với ông như máu thịt. Đó là miền đất thánh giữ chân ông lại. Năm 1982, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng cấp cho gia đình nhà văn Sơn Tùng một ngôi nhà ở phố Liễu Giai nhưng ông đã từ chối. Sau khi tác phẩm “Búp sen xanh” nổi tiếng và được tái bản nhiều lần, Thành đoàn Hà Nội có nhã ý tặng ông một ngôi nhà “Tình nghĩa” nhưng ông cũng xin nhường cho người khó khăn hơn. Ông cứ lao động miệt mài trong ngôi nhà nhỏ gần 20 mét vuông tại khu tập thể ngõ Văn Chương. Với sự cống hiến to lớn của nhà văn Sơn Tùng, nhà nước đã phong tặng ông danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2011). Ông mất năm 2021.

Ngõ Huy Văn đi từ phố Tôn Đức Thắng.

CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI

Trước kia nhiều người tá túc trong ngõ đều là thợ may. Họ từ các vùng quê ngoại thành vào làm may thuê cho các cửa hiệu ở phố Khâm Thiên. Sau hòa bình lập lại xóm cô đầu bị giải tán, phố thợ may được hình thành và tồn tại khá lâu. Các văn nhân Hà Thành đều đánh giá phố Khâm Thiên chính là cái nôi văn nghệ sớm nhất. Bởi lẽ ca trù luôn là những sản phẩm quý phái xuất phát từ những sáng tác văn thơ sâu sắc. Lớp ca nương đã hình thành một đội ngũ nghệ sĩ trong dân gian.

1-Ngõ Văn Chương (Khâm Thiên).

3-Ngã ba ngõ Văn Chương 1 và 2.

Hình ảnh phía sau một dẫy nhà tập thể Văn Chương hiện nay.

Tập thể Văn Chương hiện nay.

Cụm ngõ Văn trong phường là những minh chứng lịch sử văn hóa đặc sắc của nền văn nghệ Việt Nam. Phố thợ may cũng chia năm sẻ bảy theo thị trường. Nhưng các mẫu áo dài tân thời luôn được các cô đầu trẻ mặc thử. Đó là những kiểm chứng cho ngành thời trang dần dần được hình thành ở Hà Nội. Kèm theo đó là những lời ca của các tác giả như Phạm Quỳnh, Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Xuân Khoát… Hay còn đó những Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Trần Huyền Trân, Nguyễn Thương…đều có những tác phẩm để đời tại cái nôi nghệ thuật Hà Thành xưa bên cụm xóm văn một thời yêu dấu.

Vương Tâm

VNCA 592 (3/10-3-2022)


Cùng chuyên mục

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động

Đưa phòng khám Răng Hàm Mặt Sài Gòn – Biên Hoà vào hoạt động