Bộ trưởng Hoàng Minh Giám – Người con của thế hệ vàng

10:22 | 03/11/2019

Dù đã qua nhiều cương vị khác nhau, bất kỳ đâu ông cũng cố gắng làm hết sức mình để xứng đáng với lòng tin yêu của của Bác Hồ. Đó là cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám!


Lễ ký Hiệp định sơ bộ Việt Nam – Pháp ngày 6/3/2019 tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Jean Sainteny – Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt Nam, Leon Pignon – Cố vấn Chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Luis Caput – đại diện Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam.

Những ngày cuối tháng Mười, sắp đến dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (4/11/1904 – 4/11/2019), bên tách trà nóng và những cuốn sách viết về “người con của thế hệ vàng”, chúng tôi có cơ hội được mạn đàm cùng ông Hoàng Vĩnh Thành, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám.

Trợ thủ tin cậy của Bác Hồ

“Ba tôi luôn điềm đạm. Tôi chưa thấy ai hiền như ông, chẳng bao giờ thấy ông tức giận! Có lẽ chính vì vậy, trong những hoạt động đối ngoại khó khăn, phải gặp, tiếp xúc, giải thích lập trường của ta với quốc tế, Bác Hồ và Trung ương đều cử ba tôi. Ba tôi am hiểu văn hóa, văn học Pháp và có thể sử dụng tiếng Pháp một cách tinh tế. Tôi nghĩ rằng đó là những đức tính vô cùng quan trọng của một người làm đối ngoại”, Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành chia sẻ.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lúc chưa họp Quốc hội khóa I, Bác Hồ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao. Văn phòng của Bác Hồ thiếu một người giúp việc phụ trách về quan hệ với Pháp, vì vậy, ông Võ Nguyên Giáp (khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) tiến cử ông Hoàng Minh Giám. Và Sắc lệnh đầu tiên mang số 01 do đồng chí Võ Nguyên Giáp thừa lệnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ngày 30/8/1945 là bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành “bật mí” thêm, không phải ngẫu nhiên Bác Hồ tin dùng ông Hoàng Minh Giám trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, ngay sau khi được ông Võ Nguyên Giáp giới thiệu. Trước đó, Bác Hồ đã biết về cụ Cao Xuân Dục (1843–1923), ông ngoại ông Hoàng Minh Giám. Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục, Tổng tài Quốc sử quán, từng có những giúp đỡ rất ý nghĩa đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929), thân sinh của Bác Hồ. Cụ Cao Xuân Dục vốn biết đến tài đức, trí tuệ của cụ Nguyễn Sinh Sắc; khi làm Chánh chủ khảo trong khoa thi năm Đinh Sửu (1901) không thấy tên của cụ Nguyễn Sinh Sắc trên bảng vàng nên khéo léo đề nghị Hội đồng Giám khảo, Bộ Lễ và Vua Thành Thái xét lại kết quả và cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ Phó Bảng…

Tuy chưa chính thức đảm nhiệm một chức vụ về ngoại giao nhưng trong những tháng ngày giúp việc Hồ Chủ tịch tại Văn phòng, ông Hoàng Minh Giám đã nhiều lần làm công tác “đối ngoại”. 16 giờ 30 phút ngày 6/3/1946, tại ngôi nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội, Hiệp định sơ bộ được ký kết. Ông Hoàng Minh Giám là người tham gia việc tổ chức và đọc dự thảo bản Hiệp định bằng tiếp Pháp trước khi Hồ Chủ tịch và ông Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ký. Đây là điều ước quốc tế đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giúp cho Việt Nam tạm hòa hoãn với Pháp để quét sạch quân Tưởng và tay sai về nước, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến.

Những câu chuyện về ứng xử ngoại giao của ông Hoàng Minh Giám trong quá trình đàm phán trực tiếp với Jean Sainteny cho đến nay vẫn là những bài học quý giá. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhiều lần tới nhà riêng của Sainteny ở góc giữa hai phố Lý Thường Kiệt và Quang Trung. Một lần, ông Hoàng Minh Giám đến nhà của Sainteny và thấy gói tiền to trong ngăn kéo mà Sainteny cố tình để hở… Sainteny trắng trợn nói: “Anh cần tiền thì tôi cho vay tạm một ít. Những người của Quốc dân Đảng ở đây mới ra tôi cũng cho một ít tiền”.

Với lòng tự trọng, ông rất giận nhưng đã kiềm chế và trả lời: “Anh hãy cất tiền đi, tôi không cần. Nếu anh có nhiều tiền thì anh hãy trực tiếp nói với cụ Hồ Chí Minh với tư cách là Nhà nước Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh vay…”.

Việc mua chuộc ông Hoàng Minh Giám đã không thành. Sau khi nghe ông báo cáo lại sự việc, Bác Hồ bảo: “Chú không cáu kỉnh thế là tốt. Trong ngoại giao, mình phải khéo léo. Vấn đề nó định dùng tiền mua chuộc, chú nói một câu như thế là nó hiểu rồi”.

Ngày 10/9/1946, Hội nghị Fontainebleau kết thúc trong bế tắc do lập trường ngoan cố của phía Pháp. Trước khi lên đường về nước, Bác Hồ đã cử ông Hoàng Minh Giám cùng hai ông Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh tiếp tục ở lại Pháp. Thời gian này, ông Hoàng Minh Giám cũng đã có nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Xã hội Pháp, đại diện cho Đảng Xã hội Việt Nam đặt quan hệ với Công đảng Anh. Để làm nhiệm vụ do Bác Hồ giao, ông có một số thuận lợi, lúc đó ở Pháp nhiều người biết ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ và được Bác Hồ tín nhiệm. Trong hồi ký của mình, Sainteny đã ví ông Giám là “cái bóng” của Bác Hồ.

Đi trọn chặng đường lịch sử

Sau khi thành lập Chính phủ mới, tháng 11/1946, Bác Hồ là Chủ tịch nước và lần thứ hai kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hồ Chủ tịch cử ông Hoàng Minh Giám làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 3/1947, trên đường đi chiến khu Việt Bắc, ông Hoàng Minh Giám nhận được tin làm Bộ trưởng Ngoại giao thay Hồ Chí Minh qua báo Cứu quốc.

Các cơ quan bộ ở Việt Bắc lúc đó cũng rất ít người. Bộ Ngoại giao chỉ có vỏn vẹn 7 cán bộ, đông nhất là Văn phòng của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khoảng 30 đến 40 người. Phần lớn các bộ đóng trụ ở A.T.K Sơn Dương, cũng có một số bộ phận khác đóng rải rác ở các tỉnh xung quanh. Trụ sở Bộ Ngoại giao lúc đó đóng gần một làng hẻo lánh cách huyện lỵ Sơn Dương khoảng 11km. Từ Bộ Ngoại giao đi tiếp quãng nữa thì tới con suối Lê, qua suối Lê đi tiếp một đoạn nữa thì tới xã Tân Trào, nơi có đình Tân Trào – địa điểm Bác và Trung ương Đảng triệu tập họp Quốc dân đại hội và ra Lệnh Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Hạ tuần tháng 4/1947, Việt Nam gửi cho Pháp một thông điệp đề nghị ngừng bắn. Đáp lại, phía Pháp đề nghị Hồ Chủ tịch tiếp Paul Mus, đặc phái viên của Cao ủy Emile Bollart, người mới sang thay D’Argenlieu. Đêm 11/5/1947, ông Giám đã phối hợp sắp xếp để Bác Hồ gặp Paul Mus tại thị xã Thái Nguyên. Sau khi nghe Paul Mus đọc thuộc lòng thông điệp của Bollaert nêu bốn điều kiện láo xược đòi quân dân ta đầu hàng Pháp vô điều kiện, Hồ Chủ tịch với nét mặt nghiêm nghị nhưng vẫn bình tĩnh với giọng nói ôn tồn: “Phải là một con người hèn mạt, mới chấp nhận những điều kiện đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ hèn mạt. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt”.

Sáng 12/5/1947, Hồ Chủ tịch về Sơn Dương, theo Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành, đây chính là chuyến thăm đầu tiên của Bác Hồ tới căn cứ của Bộ Ngoại giao tại chiến khu Việt Bắc.

Những hoạt động đối ngoại của Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ở núi rừng chiến khu có lẽ cũng là những trang sử đầy ý nghĩa của ngành Ngoại giao trong những năm tháng khó khăn của đất nước. Bộ trưởng đã từng tiếp ông Léo Figuère, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm khu căn cứ kháng chiến Việt Bắc ngày 15/5/1950. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức ban đầu Bộ Ngoại giao trên an toàn khu Việt Bắc.

Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Minh Giám đã chỉ đạo ngành Ngoại giao làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô tháng 1/1950…

Ông đã tháp tùng Hồ Chủ tịch đi thăm nhiều nước ở Đông Nam Á và ở các châu lục Á – Âu, tham dự nhiều hội nghị quốc tế, qua đó đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa nước ta và các nước bạn bè, anh em.

Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã tỏ rõ tài năng đức độ của ông trong lĩnh vực đối ngoại, không chỉ trong thời gian giữ trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao mà cả sau này khi ông làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông đã tiếp tục phát huy hiểu biết và kinh nghiệm đối ngoại qua nhiều hoạt động ngoại giao nhân dân.

Tưởng nhớ về cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và công lao của ông đối với ngành Ngoại giao, xin trích một câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kết lại: “Hoàng Minh Giám là một trí thức yêu nước tiêu biểu, có học vấn uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, một người cộng sản chân chính, một nhà ngoại giao lão luyện luôn đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.

“Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và đồng bào, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Đối với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và cấp dưới, đầy tình cảm vị tha. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí luôn luôn giản dị, khiêm tốn, đồng chí được bạn bè, đồng nghiệp và bằng hữu quốc tế quý mến kính trọng”. (

Trích Điếu văn do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo đọc trong lễ truy điệu đồng chí Hoàng Minh Giám, ngày 16/1/1995)

“Nhớ anh Hoàng Minh Giám, chúng ta nhớ lại con người vốn có duyên với ngoại giao và có khả năng trời phú cho trong hoạt động ngoại giao nên đã sớm được con mắt tinh tường sáng suốt của Bác Hồ phát hiện và đưa anh trực tiếp giúp Bác thực hiện thắng lợi chủ trương, sách lược đúng đắn… Hoàng Minh Giám đã luôn phát huy phong thái bẩm sinh đôn hậu, điềm đạm, ân cần, chu đáo và phương pháp làm việc tận tụy của một nhà giáo tài năng và dày kinh nghiệm để xây dựng Bộ Ngoại giao về mặt tổ chức và đào tạo đội ngũ cán bộ cũng như về nội dung các mặt hoạt động của Bộ Ngoại giao từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và đa dạng, đa phương, làm cơ sở tốt và thuận lợi cho sự trưởng thành của Bộ Ngoại giao trong giai đoạn chiến tranh kết thúc và hòa bình lập lại ở Việt Nam sau tháng 7/1954”.

Lê Kim Chung, nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

 

Theo baoquocte

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ