Hơn 30 năm đã trôi qua, liệu mùa xuân cũng có về qua đảo, để mang được sắc thắm của hoa đào, rực rỡ của hoa mai. Tôi nhớ đến Trường Sa, nơi có những hạt mưa hiếm hoi, nơi có những ngọn muống biển vẫn âm thầm vươn ra tới tận mép nước, nơi Trường Sa như là một pháo đài sừng sững mà kiên trung giữa biển Đông.
Đường tới Trường Sa (ảnh: Nguyễn Đồng Anh)
Trường Sa ơi… Có bao giờ Trường Sa được yên ả, có nơi nào luôn đón bão giông ngay từ lòng biển, có nơi nào trong hồn người cũng nổi sóng như người lính Trường Sa? Đảo Trường Sa ngẩng lên là trời, nhìn xuống là nước, bước xuống cũng là nước giữa Đại Dương biển cả mênh mông bao la. Có bao giờ Tổ Quốc ta quặn lòng thương nhớ biển, biển ngàn đời hoá tâm hồn dựng sóng, biển đau thương sẽ dựng sóng vì ai? Biển ngàn đời chở che, biển ngàn đời bao dung, biển ngàn đời ôm ấp, ôm đảo vào lòng để Tổ Quốc tựa lưng, để nảy mầm tình yêu quê hương trên cát mặn, đau đáu sóng trào, biển xao động mỗi hoàng hôn …
Hơn 30 năm đã trôi qua, ký ức về những câu chuyện nơi đảo Trường Sa và hình ảnh người cha già vẫn in đậm trong trái tim tôi. Bố tôi là đảo trưởng đảo Trường Sa, bố hay kể cho anh em chúng tôi nghe về những câu chuyện ở đảo. Anh em tôi yên lặng nghe như nuốt từng lời của bố. Tưởng chừng như chỉ có ở trong phim ảnh, rất cuốn hút anh em chúng tôi. Đảo Trường Sa quanh năm chỉ có nắng và gió biển làm bạn. Ban ngày rất nóng như thiêu, như đốt. Những người lính nơi đây da ai cũng sạm đen lại vì nắng nóng, bố tôi cũng không ngoại lệ.
Bố trông già hơn tuổi nhiều, nhìn gương mặt gầy và khắc khổ, mẹ tôi, anh em tôi rất thương bố. Môi trường khắc nghiệt, ăn không đủ no, tuy là thời bình, nhưng hầu như cái gì cũng thiếu thốn. Thiếu nhất là rau xanh, kế tiếp là nước ngọt (nước dùng cho sinh hoạt), thuốc men các loại. Một tháng mới có tàu chở lương thực và nước tới, bố tôi nói như vậy. Nước dùng trong sinh hoạt phải tiết kiệm, bất cứ cái gì cũng không được lãng phí. Khổ nhất ở đây nếu như có ai bị ốm. Từ đất liền ra đảo gần 500 km rất xa, lúc sóng yên biển lặng còn đỡ, nếu không thật vất vả.
Kỷ luật quân đội ở đây rất cao. Một lần có anh lính mới chưa hiểu chuyện, do thiếu thốn quá, đã bắt một con chim hải âu để làm thịt. Anh lính đó đã bị tạm giam 15 ngày. “Luật” ở đảo là như vậy, rất khắt khe, nhờ vậy những người lính nơi đây được tôi luyện hết sức nghiêm khắc, công phu, luôn chấp hành mệnh lệnh. Hằng ngày, ngày nào cũng vậy, ngoài luyện tập chiến thuật, phòng thủ, võ thuật, mỗi người lính phải bơi ít nhất 15 km một ngày. Họ có thể ở lâu dưới nước cả ngày. Những người lính được tàu đưa ra xa rồi tự bơi vào đảo. Bố tôi nói như vậy, nên bất kỳ ai bơi cũng rất giỏi.
Luyện tập như vậy nên người lính nơi đây luôn phải đề cao cảnh giác. Sống và luyện tập khổ cực, nhưng chính họ lại là những người rất vui tính, lãng mạn. Họ ca hát, làm thơ khi có thời gian rảnh. Những đêm trăng sáng, tiếng sóng biển rì rào, chỉ có mây trời, gió mát vi vu. Đảo và những người lính hoà cùng tiếng hát làm nên giai điệu rất đẹp về Trường Sa thân yêu.
Lãng mạn là vậy, nhưng khi Tổ Quốc cần thì chính họ lại là những người lính có ý chí thép, tinh thần sắt đá, trái tim đầy nhiệt huyết của lứa tuổi hai mươi. Những bức thư là cầu nối giữa người lính nơi đảo xa với hậu phương, nơi gia đình và người thân của họ. Sau này được mẹ cho đọc lại những bức thư mẹ viết cho bố, đọc thư của bố viết cho mẹ. Hồi đấy tình yêu chủ yếu chỉ là thư từ viết cho nhau nhưng sao lãng mạn và đẹp vậy. Những câu nói tình yêu mà bố mẹ dành cho nhau khiến tôi là con mà phải “ghen tị“. “Chiều chiều, khi hoàng hôn buông dần trên đảo, là lúc hải âu bay về tổ, lòng anh có nghĩ và nhớ tới em không!?” Đằng sau tấm ảnh hai người chụp chung, mẹ tôi còn viết “giữ trọn lời thề thuỷ chung”.
Những người lính nơi đây rất đoàn kết, như anh em một nhà. Bố kể có lần bố hay mẹ của một anh chiến sĩ trong đơn vị bị ốm nặng rồi mất. Mấy anh em trong đơn vị quyên góp tiền (kể cả bố tôi) đưa cho anh lính đó về phép. Tình cảm của họ ở nơi đây thật trong sáng đáng ngưỡng mộ. Nhưng cái chết, sự nguy hiểm nơi đây luôn rình rập, khiến họ không thể ngơi bất kỳ giây phút nào, luôn phải cảnh giác ở mức cao nhất. Bố còn kể rất nhiều lần bắt được biệt kích của địch. Không chỉ có chiến lợi phẩm, còn có cả … vàng nữa! Tôi hỏi, sao bố không lấy một ít về? Nhà mình nghèo thế cơ mà! Giọng tôi dài ra đầy oán trách. Lúc đó tôi thương mẹ nhiều lắm! Cái gì mẹ cũng phải lo, phải làm. Một mình mẹ chăm sóc ba anh em tôi, ông bà ở rất xa, không giúp mẹ được, mẹ tôi thật vất vả. Hai năm bố mới được về phép thăm nhà, mỗi lần như vậy chỉ được một tháng.
Khi tôi nói tại sao bố không lấy? Bố ôn tồn nói: “của Thiên lại trả Địa thôi con ạ! “Tôi vẫn không chịu xuôi theo câu nói của bố. Trong suy nghĩ, bố tôi làm trưởng đảo Trường Sa rất oách, chúng tôi phải được sống thoải mái mới đúng, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Đúng là suy nghĩ của đứa trẻ chưa lớn. Thời gian trôi, anh em chúng tôi cứ thế lớn lên như vậy, trong sự vất vả của mẹ, tất cả vì Tổ Quốc của bố. Bố tôi đã cống hiến và hy sinh hết mình cùng với các chiến sỹ ở đảo, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Và đỉnh điểm là ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm đảo Gạc Ma. Trong trận thủy chiến năm đó, tàu chiến của họ được trang bị pháo và tên lửa, hai tầu HQ603 và HQ604 của ta đã bị địch bắn chìm, 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh. Những người lính Trường Sa đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, họ hy sinh khi đang ôm trọn lá cờ của Tổ Quốc, máu của người lính đã nhuốm thêm thắm màu cờ Việt Nam. Các anh đã dâng hiến tuổi hai mươi cho Tổ Quốc vì bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, nhân dân cả nước đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Biển Trường Sa đã mặn thêm vì máu, muối Trường Sa đắng lòng trong nỗi cô đơn …
Tranh vẽ trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988 (Ảnh: Vietnamnet)
Ta muốn vén mây để tìm lại một khoảng trời, nơi các anh canh giữ bình yên cho đảo. Ta muốn rẽ biển đưa thân xác các anh về được cõi vô tận, nơi mở ra chỉ có yêu thương ở đời… Chúng ta mãi không thể nào quên được nỗi đau mà quân Trung Quốc cũng như người Trung Quốc đã gây ra cho chúng ta. Bố tôi đã phải chứng kiến những người lính của mình, mới hôm qua thôi, vừa ăn cơm với nhau, nói cười …. Thế mà hôm nay máu của họ đã đổ, người đã lạnh rồi … Bố tôi không còn nữa … Bố đã mất cách đây hơn 20 năm. Hồi đó, khi bố kể lại chuyện ở Gạc Ma, giọng bố khàn lại, buồn và rất trầm, mắt bố như nhìn về nơi xa xăm… Lần ấy tôi nghĩ là lần bố buồn nhất. Năm 1988 bố tôi giữ chức vụ Trung tá, Lữ đoàn trưởng 146, Vùng 4 Hải quân, trưởng đảo Trường Sa.
Bố về hưu được mấy năm, đến năm 2000 ông mất. Cũng là do ảnh hưởng của những cuộc chiến, bố mang trong mình trọng bệnh. Cả đời bố tôi đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc của mình. Chúng tôi, những người con có quyền tự hào về người bố của mình, cả đời hy sinh, cả đời sống liêm khiết. Giờ đây, có điều gì liên quan đến biển đảo, đến Tổ Quốc, lòng tôi lại càng nhớ đến bố mình nhiều hơn …
Đồng chí Lê Minh Khả – Cựu lính đảo Trường Sa, bố của tác giả bài viết “Bố tôi và Trường Sa”
Hơn 30 năm đã trôi qua… liệu mùa xuân cũng có về qua đảo, để mang được sắc thắm của hoa đào, rực rỡ của hoa mai… Tôi nhớ đến Trường Sa, nơi có những hạt mưa hiếm hoi, nơi có những ngọn muống biển vẫn âm thầm vươn ra tới tận mép nước, nơi Trường Sa như là một pháo đài sừng sững mà kiên trung giữa biển Đông.
Tác giả: Lê Minh (VHVN) (Leipzig, Cộng hòa Liên Bang Đức)