“Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, đời vua Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 7 (1449), bổ giám sinh làm chuyển vận phó sứ các lộ. Giám sinh bổ làm quan huyện bắt đầu từ đấy.
“Toàn thư” viết: “Tháng 8, bổ nhiệm các học quan, giám sinh. Quốc tử giáo thụ Phạm Duy Ninh bổ làm giám sát ngự sử. Trực giảng Quốc tử giám Doãn Tử Bình làm an phủ phó sứ, ngự tiền học sĩ Đặng Doãn Mỹ cùng các giám sinh là Nguyễn Trung Cương, Nguyễn Tự Đắc, Cao Văn Xí làm chuyển vận phó sứ các lộ. Giám sinh làm quan huyện bắt đầu từ Trung Cương”.
Tiếp theo, tháng 11 năm ấy, triều đình vua Lê tiếp tục bổ bọn giám sinh Lỗ Thuận, Phạm Công Niệm 30 người làm thuộc lại các đạo. Giám sinh bổ làm thuộc lại bắt đầu từ lúc đó.
Thời Lê sơ, từ đời vua Lê Thánh Tông, Quốc tử giám được mở rộng, sau Văn Miếu là nhà Thái học, có Minh Luận đường là nơi giảng dạy. Ngoài ra, triều đình còn xây thêm Bí thư khố là kho trữ sách và khu nhà cho các giám sinh lưu trú từ nơi xa đến.
Quy chế học tập thời Lê mở rộng hơn các thời trước, không cấm con em nhà thường dân đi học như thời nhà Lý, nhà Trần. Tại các lộ đều có trường học, học trò ở đây gọi là Lộ hiệu sinh. Chỉ trừ con nhà hát xướng và người đang bị tội tù đày, con em các nhà lương thiện đều có thể vào học tại đây.
Sang thời Lê Thánh Tông, trường lộ đổi thành trường phủ. Giám sinh là sinh viên qua kỳ sát hạch đứng thứ nhất, nhì ở trường lộ, phủ, để tuyển lên học tại Quốc tử giám.
Đến đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), có quy định các giám sinh Quốc tử giám trúng trường các thi Hội được sung làm ba loại xá sinh, gồm loại trúng tam trường gọi là thượng xá sinh, trúng nhị trường là trung xá sinh, và trúng nhất trường là hạ xá sinh (mỗi xá 100 người). Các xá sinh trúng nhị tam trường đều có thể được bổ dụng làm thuộc lại các nha môn. Triều đình cũng sai bộ Lại khảo xét các học sinh cận thị (được hầu cận gần vua) để bổ làm huyện thừa các huyện.
Khi biên soạn bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí”, sách “Quan chức chí”, đến phần bổ dụng giám sinh Quốc tử giám, nhà bác học thời Nguyên, Phan Huy Chú, nhận định trước đây, chức lại ở nha môn thường bị coi là thấp kém.
Nhưng đến đầu nhà Lê, triều đình lấy giám sinh trúng trường bổ chức ấy, xem ra cũng là quan trọng. Ông cũng cho rằng, thời Lê trung hưng về sau, nho và lại chia làm hai đường, những người cầm bút viết văn coi việc làm lại (trông coi sổ sách, giấy tờ ở các nha môn) là hèn mạt nên không để ý đến. Tuy nhiên, theo “Chu lễ” thì những việc bếp núc, viết chữ thời thượng cổ đều dùng kẻ nho học làm cả. Cho nên Phan Huy Chú nhận xét rằng đời Lê dùng nho bổ lại, cũng là noi ý người xưa, không nên cho là sai.
Không chỉ bổ dụng về các huyện làm quan, thời Lê Thánh Tông cũng bổ dụng các cựu giám sinh vào giúp việc trong quân đội. Theo đó, năm Hồng Đức thứ 17 (1486), nhà vua có sắc chỉ về việc bổ các viên nho chỉ huy các vệ ty. Bộ Lại sẽ cùng với các quan bản vệ hội đồng xét chọn những viên văn chức hiện làm việc ở các nha môn trong ngoài, ai có thi Hương trúng trường, nhưng phải thêm điều kiện là thân thể khỏe mạnh, thì bổ để túc trực làm việc ở các vệ ty quân đội.
Không phải các văn nho được bổ vào quân đội sẽ phục vụ mãi mãi, vì cũng năm Hồng Đức thứ 17, nhà vua cũng có sắc chỉ cho nho chỉ huy các vệ ty túc trực làm việc đủ hạn 4 lần khảo khóa trở lên, người nào giữ công chăm việc, không tội lỗi, thì trưởng quan của vệ xét thực làm tờ trình lên, bộ Lại theo chỗ khuyết mà đổi bổ trở lại sang văn chức. Năm 1494, lại có chiếu rằng những hoa văn học sinh ai làm việc lâu năm, từng đi công cán hoặc đi theo đánh giặc có công thì bộ Lại tuyển bổ theo như lệ lại viên xuất thân ở các nha môn.
Năm Hồng Đức thứ 27 (1496), vua Lê Thánh Tông lại định lệnh chọn bổ các chức, theo đó, hễ Hiến ty (cơ quan giám sát hoạt động của các bộ, các địa phương) có khuyết, thì chọn trong khoa tiến sĩ cùng trong văn võ các nha môn, trong nho chỉ huy các vệ ty, có ai trúng trường thi Hội, giữ công chăm việc, ngay thẳng không kiêng sợ và không phạm lỗi, thì bổ chức Hiến sát phó sứ.
Những giám sinh, nho sinh, học sinh, thuộc lại các nha môn và án lại mà thi Hội nhiều lần trúng trường, làm việc lâu năm, hiểu công việc, siêng năng mẫn cán và có quân công, thì bổ vào các chức tri châu, huyện thừa, đồng tri châu, thủ lĩnh, tự ban. Các viên này làm việc đủ 3 năm mới cho nhậm chức thực thụ, sau đó thăng bổ theo quy định.
Ngoài ra, các nho sinh, giám sinh cũng có thể được bổ dụng làm học quan các địa phương. Theo lệ chọn bổ chức huấn đạo thời Lê Thánh Tông thì nếu các xứ có khuyết nho học huấn đạo thì bộ Lại tâu lên vua rồi gửi sang Quốc tử giám và các nha môn để chọn tiến cử các thuộc lại là nho sinh có trúng trường và các nho sinh 35 tuổi trở lên, có học hạnh không phạm lỗi, gửi sang bộ Lễ sát hạch, qua bốn trường nếu hợp cách thì tuyển bổ như thông lệ.
Phan Huy Chú bình luận: “Thời Lê tuyển người ứng vụ các vệ, thuộc lại các nha, đều lấy người trúng trường ra làm. Như thế, các chức các ty ai cũng phải là phường nho học, văn hóa do đó mà thịnh vậy”.
Đời Lê Hiến Tông, năm 1500, cũng có chiếu rằng, hoa văn học sinh, nho sinh, án lại, giám sinh, đô lại các nha môn đã được tuyển dụng, bộ Lại sẽ xét thực hàng năm thi Hội ai trúng nhiều trường thì thăng chức trước, ai trúng ít trường thì thăng sau. Nếu không trúng trường thi Hội thì ai lâu năm thăng trước, ai ít năm thăng sau.
Theo GD&TĐ