Trước thông tin sản phẩm của Asanzo thực chất là nhập khẩu từ Trung Quốc về dán mác Việt Nam, có không ít người bày tỏ “không có gì ngạc nhiên”.
Trong đó, một số người biện hộ muốn sản phẩm giá rẻ thì phải chấp nhận thế thôi. Nhiều sản phẩm có bán trên thị trường Việt Nam đều như vậy – có thể dễ dàng nhận thấy qua mẫu mã, hướng dẫn sử dụng giống hệt, chỉ có cái tên sản phẩm là khác – vấn đề là không có được chứng cứ.
Không ít người còn cho rằng bây giờ hầu như không có sản phẩm nào mà không nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Ngay cả các hãng lớn như Apple, Samsung… cũng sử dụng linh kiện Trung Quốc hoặc “Made in China”. Còn chưa kể đến các hãng như đến 75% điện thoại Xiaomi cũng mua sản phẩm của nhà cung cấp ODM Trung Quốc. Cho nên Asanzo nhập linh kiện từ Trung Quốc có gì mà ầm ĩ?
Nhưng vấn đề ở đây không phải là câu chuyện nhập linh kiện Trung Quốc của Asanzo. Mà bản chất đó là cách doanh nghiệp này tạo ra những sản phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao” từ sản phẩm Trung Quốc, theo điều tra của báo Tuổi trẻ.
Theo báo Tuổi trẻ, Asanzo đã nhập sản phẩm nguyên chiếc từ Trung Quốc – nhiều sản phẩm trong số đó đã mang sẵn nhãn mác Asanzo – về tập kết tại nhà máy ở TP.HCM và sau đó thực hiện việc bóc tem xuất xứ, biến thành sản phẩm Asanzo chính hiệu trước khi bán ra thị trường. Chưa kể, điều tra của báo Tuổi trẻ cho thấy có bằng chứng việc công ty này đã gian lận trong khai báo Hải quan, nhập sản phẩm nguyên chiếc trong khi chỉ khai báo là nhập khẩu linh kiện.
Vậy mà trong nhiều năm, ngoài sự hấp dẫn của giá rẻ, chất lượng bình dân, Asanzo đã quảng bá và truyền thông khiến cho người tiêu dùng tin tưởng các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo là hàng Việt Nam, “công nghệ đỉnh cao” của Nhật. Thậm chí, đã có người còn ví sản phẩm của Asanzo là ‘TV quốc dân’, ‘điều hòa quốc dân’.
Cho đến tận thời điểm này, trên các trang web của một số chuỗi điện máy lớn nhất vẫn còn nguyên bài viết giải thích Thương hiệu tivi Asanzo là của nước nào? Có tốt không?, trong đó khẳng định “Được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản, tivi Asanzo là thương hiệu của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và do chính người Việt sở hữu, đã lấy được lòng tin và sự yêu mến của nhiều gia đình bởi mức giá bình dân”.
Bản thân công ty Asanzo cũng phải rất kỳ công chuẩn bị hồ sơ để cuối cùng được tặng cho danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” năm 2017. Đây cũng là “bảo chứng” để Asanzo lấy được lòng tin của khách hàng. Thậm chí, được đôn lên là “niềm tự hào” khi nói đến hàng Việt Nam.
Ngay khi điều tra của báo Tuổi trẻ về nguồn gốc sản phẩm Asanzo được công khai, Asanzo ngay lập tức bị tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là hành động đáng hoan nghênh lúc này, thay vì chờ đợi “kết quả thông tin chính thức” mà một số chuỗi bán lẻ đã trả lời phóng viên VnReview.vn hôm qua.
Tuy nhiên, đáng sợ hơn là sự bình thản của không ít người khi tiếp nhận được thông tin về việc một doanh nghiệp Việt nhập hàng Trung Quốc bán ra cho người Việt với danh nghĩa hàng Việt Nam chất lượng cao. Đã tự bao giờ sự gian dối được bênh vực chỉ vì nó là sản phẩm giá rẻ? Đã bao giờ giá rẻ được đặt lên trên cả danh dự của hàng Việt Nam? Trong khi đó, có những doanh nghiệp đang phải miệt mài nghiên cứu, chế tạo sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Và bao nhiêu nỗ lực lấy lại lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm nội địa của doanh nghiệp làm ăn chân chính lại đổ ra sông ra bể vì thỉnh thoảng lại “khui” ra được những vụ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.
Tổng hợp