Sáng 11-8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với sự tham dự của 13.000 đại biểu.
Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo Cục, Vụ, Viện thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTT&DL; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội; lãnh đạo các Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Phước có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp trong lĩnh vực VHTT&DL; các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị các đại biểu đã nghe trình bày 10 tham luận đề cập tới nội dung: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, các cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững.
Đối với vấn đề phát huy giá trị văn hóa, đại biểu được nghe các tham luận: Khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững; Phát huy nguồn lực di tích lịch sử văn hóa ở Bình Phước trong vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng và quảng bá triết lý và thương hiệu văn hóa tỉnh Bình Phước.
Đối với nhóm vấn đề về giải pháp, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày 3 tham luận về: Giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Bình Phước và những vấn đề đặt ra; Văn học nghệ thuật Bình Phước với khát vọng góp phần xây dựng phát triển tỉnh nhà trong thời kỳ mới; Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện Nghị quyết số 33 (Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước); Những ưu tiên trọng tâm phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh nhìn từ góc độ địa phương cấp huyện.
Những báo cáo tham luận này đã bao quát các lĩnh vực về văn hóa, con người Bình Phước. Qua đó làm rõ và sâu sắc hơn từ những luận cứ khoa học, bài học thực tiễn và những định hướng giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới.
Tại hội nghị Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã đọc báo cáo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước từ năm 1997 đến 2023. Qua hơn 25 năm tái lập, tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi thay và phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Những thành tựu của ngày hôm nay gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương; sự hợp tác, hỗ trợ của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt là truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo không ngừng của nhân dân, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh và sự góp sức của các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước (trước đây là tỉnh Sông Bé). Bình Phước cũng là nơi hội tụ của đông đảo nhân dân đến từ các vùng miền khác nhau đã chọn nơi này là quê hương thứ hai, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng của Bình Phước.
Trong hơn 25 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo hệ thống chính trị đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, có nhiều mặt phát triển mạnh mẽ, cụ thể:
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 1997 là 1.311 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 49.638,96 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, năm 1997 tỷ trọng nông lâm thủy sản chiếm 70,6%, công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 6,9%, dịch vụ chiếm 22,5%; đến năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 21,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,19%; khu vực dịch vụ chiếm 31,43%. Năm 1997 tỉnh có 31 doanh 255 02 8 2 nghiệp (trừ doanh nghiệp đã giải thể) với số vốn đăng ký 27 tỷ đồng; đến năm 2022 tỉnh có 10.721 doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp đã giải thể) với số vốn đăng ký 186.804.299 triệu đồng. Tỉnh đã thu hút 367 dự án đầu tư FDI với số vốn đầu tư 3.469.407.336 USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt gần 3 tỷ 850 triệu USD, tăng gấp 104 lần so với năm 1997 (36,7 triệu USD). Tổng thu ngân sách năm 2022 là 14.535 tỷ đồng, tăng gấp 82 lần năm 1997 (176 tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng gấp 19 lần so với năm 1997 (180 USD)
Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là hệ thống giao thông, thông tin – liên lạc và điện lưới quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến quốc lộ (192,7km), 15 tuyến đường tỉnh (544,10km), 135 tuyến đường huyện (1021,6km), 325 tuyến đường đô thị (419,85km), 2.135 tuyến đường xã (5577,9km). Tỷ lệ nhựa hóa chung đã đạt mức 69,64%. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt 99,31%. Các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tốt, thể dục – thể thao phát triển rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất ngành Y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đến năm 2023, có 23 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông, có 132/389 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 33,93%. Năm 1997 tỉnh có gần 18% hộ nghèo, đến nay hiện còn 1,14% (3.230 hộ)
Quốc phòng – an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được đảm bảo, Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia vào năm 2012. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, ngày càng phát triển tốt đẹp. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Nguyễn Khánh/VHVN