Trong những ngày tháng 4 lịch sử, tìm về Bình Phước thăm Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia Mộ 3.000 người với bao cảm xúc. Đây là nơi ghi dấu một quá khứ đau thương của chiến tranh đối với người dân Bình Long. 3.000 đồng bào đã nằm xuống trên mảnh đất nhỏ bé An Lộc. Họ đã chết cho chúng ta có cuộc sống hôm nay.
Mộ 3000 đồng bào Thị xã Bình Long là nơi ghi dấu một quá khứ đau thương của chiến tranh đối với người dân Bình Long. Đây là ngôi mộ tập thể của 3000 người chết trong giai đoạn Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra suốt 32 ngày đêm (từ 13/4 đến 15/5/1972).
Để có được cuộc sống bình yên và vẻ đẹp đất hình chữ S như ngày nay, đã biết bao mồ hôi, xương máu của các anh hùng liệt sĩ và người dân vô tội đã ngã xuống. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước là một minh chứng. Với quyết tâm giữ cho được Bình Long, bởi Bình Long mất, Sài Gòn cũng không còn, Mỹ tăng cường đánh bom, kể cả dùng máy bay B52 và đã gây ra cái chết cho hàng người ở khu vực này.
Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trong suốt 32 ngày đêm, một bên là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết chiếm Bình Long và một bên là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa quyết giữ Bình Long. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy chỉ tập trung mọi hoả lực hiện có kể cả máy bay B52 để thả bom rải thảm cày nát mặt đất, khiến hàng ngàn người bị chết, nhà cửa hư hại. Sau khi chiến sự kết thúc, để giải quyết số người chết trong 32 ngày đêm đó, Việt Nam Cộng Hòa đã dùng xe ủi tạo ra bốn rãnh lớn chôn các xác chết và gom lại với nhau, hình thành ngôi mộ tập thể trên 3.000 người. Mãi cho đến ngày 2/4/1975, Bình Long được hoàn toàn giải phóng. Ngày 01/04/1985, khu mộ 3000 người được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa khắc sâu tội ác dã man của Mỹ – Ngụy đối với nhân dân Bình Long.
Với diện tích của khuôn viên rộng hơn 4.000m2, gồm khu mộ tập thể, nơi chôn cất hàng ngàn người dân vô tội ở khu vực thị trấn An Lộc xưa và trong đó có cả binh lính Việt Nam Cộng hòa. Đó là hệ quả tày trời mà binh lính Mỹ gây ra trên lãnh thổ Việt Nam. Hơn 3.000 người dân An Lộc vô tội đã ngã xuống, hệ lụy của 32 ngày đêm Mỹ điên cuồng đánh phá Việt Nam trong chiến dịch Nguyễn Huệ hòng giữ Bình Long để giữ cho được Sài Gòn. Thế nhưng, “lấy trí nhân để thay cường bạo”, dù Mỹ đã sử dụng các phương tiện tối tân, hiện đại với B52 đánh phá, nhưng mọi cuộc chiến phi nghĩa đều thất bại. Tuyến quốc lộ 13 được giải phóng, thông tuyến, quân chủ lực Việt Nam tiến về Sài Gòn làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng chứng nhân vẫn còn đó, hàng ngàn gia đình mất con, vợ mất chồng, em mất anh. Để tưởng nhớ, hằng năm, nơi đây hàng ngàn lượt người đã tìm đến trong trầm mặc, trang nghiêm và xúc động. Họ về đây để được kính cẩn nghiêng mình, tri ân những người đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Những người cha, người mẹ, người vợ… với mong muốn tìm lại bóng dáng người thân. Những người cựu chiến binh tìm về thăm lại chiến trường xưa, để cùng tâm sự với đồng đội đã ngã xuống. Những chàng trai, cô gái về đây để ngưỡng vọng những con người quả cảm và hiểu thêm giá trị của độc lập, tự do… Nhưng lớn lao hơn tất cả đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc – “Uống nước, nhớ nguồn”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi năm cứ đến những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Việt Nam lại không thể quên được hy sinh, mất mát của cha ông ta để có được đại thắng mùa xuân ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Về với Di tích mộ tập thể 3.000 người đủ để ta thấy thêm yêu và trân quý hơn giá trị của hòa bình và tự do!.
Nguyễn Khánh/VHVN