Với việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, trong những năm gần đây, Bỉm Sơn đã có những chuyển biến căn bản về mọi mặt, tự hào là vùng đất với những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử hào hùng. Những kết quả đạt được sẽ tạo thêm sức bật và động lực mới để Bỉm Sơn tăng tốc phát triển.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Bỉm Sơn được thành lập ngày 18/12/1981 trên nền tảng của 9 Tổng công ty Nhà nước và một phần địa giới hành chính của huyện Hà Trung. Với vị trí địa lý nằm ở phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố 34 km về phía Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 110 km về phía Bắc; phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp huyện Hà Trung, phía Đông giáp Nga Sơn, còn lại phía Tây giáp huyện Thạch Thành.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Mai Thế Trị
Bỉm Sơn có hệ thống hạ tầng giao thông khá thuận lợi: Tuyến QL1A, hệ thống đường sắt Bắc – Nam, tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 đã và đang đi vào hoàn thiện, tuyến Mai Sơn – Bỉm Sơn – Nghi Sơn – Nga Sơn – Hậu Lộc hoàn thành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển Logistics,…
Bỉm Sơn vùng đất địa linh, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với trữ lượng đá vôi lớn và tốt nhất cả nước, đất sét,… Không phải ngẫu nhiên, nơi đây được lựa chọn để đặt chân 01 trong những nhà máy đầu tiên trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Sau khi thăm dò địa chất, Đoàn chuyên gia Liên Xô đã khẳng định Bỉm Sơn (Thanh Hóa) là vùng đất có trữ lượng và chất lượng đá vôi tốt nhất cho sản xuất xi măng. Ngày 04/3/1980, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn thành lập, kéo theo sự ra đời, phát triển của nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác.
Khu công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn (Ảnh – Minh Hiếu)
Từ khi thành lập, Bỉm Sơn đã được Chính phủ xác định là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Hiện trên địa bàn Bỉm Sơn có 2 KCN lớn là Khu A và khu B được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện, lợi thế để lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng. Khu A có diện tích khoảng 308,36 ha, trong đó bắc khu A do Công ty CP Đầu tư Phát triển VID Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng KCN, diện tích khoảng 163,36 ha, nam khu A do Công ty CP Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 145 ha. Khu B do Công ty CP Đầu tư Xây dựng HUD4 làm chủ đầu tư với diện tích quy hoạch là 216,29 ha.
Nhằm xây dựng Bỉm Sơn ngày càng văn minh, hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, trong thời gian qua, các dự án chỉnh trang, cải tạo đô thị trên nền hạ tầng cũng được UBND Thị xã quan tâm, đưa vào danh mục đầu tư trung hạn và báo cáo UBND tỉnh để triển khai, như: đường Trần Phú, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Đặng Dung, dự án đường Lê Lợi qua cầu Hà Lan, đường Phan Chu Trinh đến đường Nam Bỉm Sơn 6 đi Hà Trung, dự án đoạn từ Nhà máy Xi măng Long Sơn đi Nga Sơn đến cảng Nga Bạch dài 11 km do Sở Giao thông Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư.
Công nhân Nhà máy Ô tô VEAM lắp ráp các linh kiện máy ô tô tải (Ảnh – Minh Hiếu)
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Mai Thế Trị, để thu hút đầu tư vào KCN trên đị bàn, Chính quyền Thị xã luôn quan tâm lựa chọn các dự án có chất lượng, vốn đầu tư cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và mang lại các giá trị gia tăng cao.
Đến nay, KCN Bỉm Sơn đã thu hút được 52 dự án đầu tư, trong đó có 31 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 7.077 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 3.769 tỷ đồng và 21 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 375,6 triệu USD, vốn thực hiện đạt 58 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt khoảng 60%. Các doanh nghiệp trong KCN Bỉm Sơn hoạt động đa ngành, sản xuất ở các lĩnh vực khác nhau như: lắp ráp, chế tạo, giày da, may mặc, chế biến, sản xuất vật tư y tế, chế biến nông sản, giấy,…
Tổng số doanh nghiệp đăng ký khoảng 600 doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có khoảng 400 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, số còn lại do ảnh hưởng của đại dịch covid – 19 hoạt động khó khăn, có những doanh nghiệp đã phá sản. Những doanh nghiệp điển hình hoạt động tốt, như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Long Sơn với tổng công suất của 02 nhà máy khoảng 20 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô VEAM; 05 nhà máy gạch, mỗi nhà máy khoảng 100 triệu viên/năm,…
Mặc dù tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp thế nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của Thị xã Bỉm Sơn hàng năm đạt trên 15%; tổng giá trị sản xuất đạt gần 29.500 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý: Công nghiệp – xây dựng 77,38%; dịch vụ, thương mại 21,77%; nông, lâm, thủy sản 0,85%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68,6 triệu đồng/năm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Mai Thế Trị cho biết thêm.
Thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá
Để đưa thị xã Bỉm Sơn phát triển, trở thành đô thị công nghiệp hiện đại và văn minh, đô thị hạt nhân của vùng kinh tế động lực phía Bắc Thanh Hóa, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của quê hương và sự tin tưởng, kỳ vọng, quan tâm của tỉnh, trong đó:
Thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; tranh thủ tối đa các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực hợp pháp khác, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Rà soát xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo đảm tính liên kết trong phát triển của thị xã với các khu kinh tế động lực của tỉnh, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc.
Cao tốc Mai Sơn – QL45 sẽ thúc đẩy kinh tế trọng điểm Ninh Bình – Thanh Hóa, góp phần đưa thị xã Bỉm Sơn trở thành thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa (Ảnh – Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng xanh, sạch, đẹp và hiện đại, gắn với mở rộng không gian đô thị, đưa thị xã Bỉm Sơn sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, động lực tăng trưởng ở phía Bắc của tỉnh.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn với trọng tâm là công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn, chế biến nông – lâm sản và dệt may.
Khuyến khích các doanh nghiệp hiện có đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ – thương mại trở thành ngành kinh tế trọng điểm trong cơ cấu kinh tế. Quan tâm phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nâng cao chất lượng đi đôi với đẩy mạnh xã hội hoá các mặt hoạt động văn hoá – xã hội. Tăng cường bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thế Hiếu/ VHVN