Biết trân quý người khác là một đức tính cao đẹp giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Bởi vì có trân trọng người khác mới biết nhìn lại những thiếu sót của mình, mà hiểu được rằng: “Núi cao lại có núi cao hơn, người tài lại có kẻ tài hơn”.
Francis Bacon, một nhà diễn thuyết nổi tiếng người Anh, từng nói: “Trong tâm người biết trân quý người khác có ráng chiều, có ngọc trai và hoa thơm quanh năm suốt tháng. Người khinh miệt người khác trong tâm băng kết dày như thành trì, bốn biển đều khô kiệt, rừng rậm trở nên hoang vu.”
Con người luôn mang trong mình hai nửa thiện và ác, như Phật gia giảng thì trong mỗi người đều có Phật tính và ma tính vậy. Sự trân trọng chính là biểu hiện của Phật tính, giúp việc thiện được hồng dương, việc ác bị ức chế, vậy nên con người ngày càng trở nên tốt hơn. Sự khinh miệt khiến ma tính trong lòng người trỗi dậy, khuấy đảo, nhiễu nhương, chúng bóp nghẹt lương tri và dung túng cho tội lỗi.
Chuyện kể rằng khi Lâm Thanh Huyền, một nhà văn nổi tiếng người Đài Loan, còn làm phóng viên cho một tờ báo, ông từng đưa tin về một vụ án trộm cướp. Cuối bài, Lâm Thanh Huyền bất giác cảm thán viết rằng: “Một tên trộm với lối tư duy tinh tế, tỷ mỷ như thế này, thủ pháp tinh xảo, phong cách độc đáo như thế này, ắt phải là người rất có khí chất. Nếu không làm kẻ trộm, thì dẫu làm bất cứ nghề gì, chắc hẳn đều sẽ có thành tựu.” Khi viết những dòng ấy, Lâm Thanh Huyền cũng không ngờ được ông đã tạo thành bước ngoặt cuộc đời cho kẻ phạm tội.
Sau này trong một buổi hội ngộ, một ông chủ của chuỗi cửa hàng dê nướng tại Đài Loan đã cảm kích nói với Lâm Thanh Tuyền rằng: “Bài đặc san mà tiên sinh viết năm xưa đã phá vỡ điểm mù trong cuộc sống của tôi, khiến tôi nghĩ rằng, vì sao ngoài làm một tên trộm ra, mình không nghĩ tới làm những việc chân chính khác?” Từ đó người thanh niên lầm lạc đã thay da đổi thịt, bắt đầu làm lại cuộc đời và trở thành một ông chủ thành đạt.
Chỉ một lời nói trân quý vu vơ của Lâm Thanh Huyền mà một tên trộm có thể hoàn lương, có thể thấy được rằng với mỗi con người, sự trân quý và hy vọng là vô cùng quan trọng. Nó giúp cho một người ở trong hoàn cảnh tối tăm nhất vẫn thấy được tia sáng le lói của ánh bình minh.
Trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện ngụ ngôn thế này. Một ngày nọ, một học giả lên chùa và ngồi thiền cùng một vị hòa thượng mà ông quen biết thân thiết. Một lúc sau, học giả mở mắt ra và hỏi vị hòa thượng: “Ngài thấy bộ dạng ta ngồi thiền thế nào?”
Vị hòa thượng nhìn học giả một lượt từ đầu đến chân, sau đó gật gù khen rằng: “Ngài ngồi thiền trông thật cao quý và trang nghiêm vậy!” Học giả nghe xong vô cùng mãn nguyện và lấy làm hài lòng lắm.
Ngay sau đó, vị hòa thượng cũng hỏi lại: “Vậy ngài thấy ta ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu đùa vị hòa thượng, học giả cười khà khà đáp: “Ta thấy ngài ngồi trông như một đống phân bò vậy!”.
Vị hòa thượng nghe xong không hề khó chịu, chỉ mỉm cười, không một lời phản bác. Học giả tự cảm thấy mình đã thắng được vị hòa thượng một phen nên vô cùng cao hứng.
Vừa về đến nhà, học giả phấn khích kể lại chuyện này với em gái của ông. Không ngờ, người em gái nghe xong chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười nhạo sự ngốc nghếch của anh trai mình.
Học giả lấy làm khó hiểu, hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Người em gái nói: “Hòa thượng vì trong tâm mang thiện niệm, cho nên nhìn huynh như vậy. Còn trong tâm của huynh chỉ toàn là phân bò nên huynh mới nói hòa thượng như vậy!”
Vị học giả không nói được lời nào vì quá thẹn.
Mỗi người trong xã hội đều khao khát được người khác trân trọng, đồng thời mỗi người cũng nên học cách trân quý người khác. Trân quý và được trân quý là động lực thúc đẩy lẫn nhau. Người trân quý người khác ắt sẽ vui vẻ và có tấm lòng nhân từ, có thiện niệm thành tựu, chúc phúc cho người khác.
Đời người không phải giống như giếng cạn khát nước, mà nên là dòng suối mát trong nuôi dưỡng vạn vật. Những người biết trân quý người khác mới có thể vui mừng với thành tựu của người khác nhờ tấm lòng đại lượng, bao dung của mình.
Theo Vision Times