Biên Hòa – Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.

21:31 | 22/01/2023

Xuân đã về trên từng con phố và các miền quê. Sắc Xuân, hương Xuân, khí Xuân đang tiếp nguồn sinh lực mới cho muôn nhà, khởi đầu một mốc mới cho vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai tròn 325 năm hình thành và phát triển.

Văn miếu Trấn Biên – điểm đến hành hương trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người dân và du khách. Ảnh: M.NY

Trong suốt 325 năm qua, có biết bao thế hệ đã bảo vệ và xây dựng vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai ngày một khởi sắc, mỗi tấc đất quê hương đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của tiền nhân. Ngày Xuân có dịp hành hương trên vùng “đất thiêng” này, ắt hẳn nhiều người không khỏi nghĩ đến sự giao hòa cân bằng giữa quá khứ hào hùng với một đô thị đang hiện đại hóa, phát triển mạnh mẽ từng ngày.

1. Tọa lạc trên diện tích rộng của đường Đặng Đại Độ, Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những địa điểm du lịch hành hương trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Theo người dân địa phương, di tích được dân làng Bình Kính xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, thờ thần Thành hoàng bổn cảnh. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm từ vách ván, mái ngói. Sau này, người dân cải miếu thành đình, thờ Nguyễn Hữu Cảnh làm phúc thần của làng xã. Thời vua Gia Long đã cho trùng tu lại đền và cắt cử 10 người làm nhiệm vụ trông coi, chăm sóc.

TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đặt doanh trại tại cù lao Phố, cùng quan chức dưới quyền thiết lập bộ máy hành chính nơi vùng đất mới. Nguyễn Hữu Cảnh định hướng cho vùng đất này, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, lập bộ tịch đinh điền… tạo cơ sở phát triển Đồng Nai, chính thức hóa vùng đất mới này vào lãnh thổ nước nhà.

“Bởi có công lao rất lớn, khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân Biên Hòa Đồng Nai tỏ lòng biết ơn đã cải đình Bình Hoàng thành đình Bình Kính (nay là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) thờ ông. Trong suốt 325 năm qua, người dân làm ăn ổn định, khí hậu thuận hòa, Đồng Nai trở thành vùng đất trù phú, thu hút nhân tài, doanh nghiệp đến đầu tư. Hàng năm, nơi đây đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh, nhất là trong các dịp lễ, Tết” – TS Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Văn miếu Trấn Biên cũng trở thành điểm đến hành hương trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người dân và du khách trên vùng đất đã 325 năm hình thành và phát triển. Văn miếu Trấn Biên được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng tại thôn Tân Lại, H.Phước Chánh (nay thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc. Kể từ khi xây dựng, văn miếu được trùng tu 2 lần vào năm 1794 và 1852, với quy mô lần sau lớn hơn lần trước. Năm 1861, sau khi chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm hủy hoại một biểu trưng về văn hóa của xứ Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Văn miếu Trấn Biên được quy hoạch, phục dựng và trở thành một thiết chế văn hóa tâm linh, nơi báo công, tuyên dương những giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục… của Đồng Nai. Văn miếu dành nơi trang trọng nhất trong nhà Bái đường để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; thờ các nhà giáo, nhà văn hóa tiêu biểu khác của cả nước và vùng đất Nam bộ. Mỗi hạng mục của công trình Văn miếu Trấn Biên đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đối với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc.

Thành kèn Biên Hòa – địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay

Trong cuốn Theo dòng chảy Đồng Nai, nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ rằng, đến các di tích, đứng trước các bậc tiền nhân và danh nhân văn hóa, ông nhớ lại dòng chảy lịch sử đã trôi qua, không phải vị nào cũng luôn được tôn quý qua tất cả các thời đại, thế lực khác nhau nhưng rồi cuối cùng họ vẫn là họ – những người được nhân dân ngưỡng vọng. Dẫu có lắm biến cố, nhiều thăng trầm hay đổi thay theo dòng lịch sử thì cuối cùng Biên Hòa cũng trở lại với cảnh yên bình, như sự yên bình cần thiết để phát triển của cả xứ Đồng Nai, dẫu phía trước vẫn có không ít khó khăn, thách thức…

Thành Kèn là cái tên dân gian quen thuộc của Thành cổ Biên Hòa (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) – là ngôi thành chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức có ghi lại việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng dinh Trấn Biên, lỵ sở trấn Biên Hòa đặt ở thôn Phước Lư. Năm Gia Long thứ 15 (năm 1816), lỵ sở được dời về khu gò đồi thấp ở thôn Bàn Lân. Thời vua Minh Mạng, thành Biên Hòa được sửa chữa, xây dựng và mở rộng. Năm 1834, thành xây đắp bằng đất do quan khâm sai Đoàn Văn Phú chủ trì. Năm 1837, thành được xây bằng đá ong.

Trong thời gian chiến đóng sau năm 1861, quân Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn diện tích của Thành Biên Hòa. Hiện nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Thành Biên Hòa trở thành điểm đến hấp dẫn nhưng vẫn giữ được kiến trúc độc đáo cùng không gian thoáng mát. Nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, điểm tham quan, nghiên cứu và du khảo “về nguồn” của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

2. Những ngày đầu Xuân, hành hương trên vùng đất Biên Hòa không thể không nhắc đến những địa danh nổi tiếng của người Hoa như: đình Tân Lân (P.Hòa Bình); miếu Tổ sư (chùa bà Thiên Hậu,
P.Bửu Long); Thất phủ cổ miếu (chùa Ông); chùa Bửu Phong, chùa Đại Giác… Trong đó, chùa Ông được xây dựng vào năm 1684, sau 5 năm khi nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho đến Đồng Nai sinh sống. Đây là ngôi chùa Hoa được xây dựng sớm nhất ở Nam bộ, gắn với sự hưng thịnh của cộng đồng người Minh Hương ở vùng đất phương Nam.

Giếng Gia Long tại di tích chùa Bửu Phong (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa )

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu cho hay, các ngôi chùa do người Hoa dựng nên có cách bài trí tương tự nhau, thể hiện bản sắc riêng nhưng vẫn hài hòa trong không gian tín ngưỡng chung của nếp sống cộng cư các dân tộc anh em. Hàng năm, nơi đây diễn ra lễ hội chùa Ông từ ngày 10 đến 13 tháng Giêng với nhiều hoạt động như: lễ cúng Quan Thánh Đế Quân, lễ nghinh thần, thả phúc khí cầu, biểu diễn lân sư rồng… vừa giữ gìn giá trị văn hóa, vừa thu hút hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh.

Đến H.Xuân Lộc vào tháng Giêng hay các ngày lễ lớn trong năm, dễ nhận thấy hàng ngàn người dân và du khách hành hương về Khu di tích quốc gia núi Chứa Chan, vãn cảnh chùa Gia Lào (chùa Bửu Quang). Chùa nằm ở lưng chừng núi, trên độ cao 660m, là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo. Cũng trong hệ thống khu di tích này còn có cây da 3 gốc, miếu Sơn Thần rất linh thiêng ở dưới gốc cây; vãn cảnh 2 ngôi chùa nổi tiếng với độ cao từ 250-500m, tọa lạc lưng chừng núi: chùa Linh Sơn và Lâm Sơn; thăm mật khu hầm Hinh; khu căn cứ Rừng Lá (nơi lưu lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến của quân và dân Đồng Nai)…

Chùa Bửu Phong (TP.Biên Hòa) là điểm đến hành hương thu hút du khách trong và ngoài tỉnh

3. Đồng Nai hiện có hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông, 65 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Đó là những di sản vật thể. Đồng Nai còn là vùng đất có nhiều di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị riêng về lịch sử, những nét độc đáo riêng về nghệ thuật gồm: đờn ca tài tử, cải lương, múa rối nước, trò chơi dân gian hay các huyền thoại, huyền tích liên quan lịch sử, các nghề thủ công truyền thống như gốm, điêu khắc đá… Sức hấp dẫn của hệ thống di sản này càng thôi thúc việc khai mở giá trị trầm tích văn hóa Biên Hòa – Đồng Nai sao cho bài bản và hợp lý hơn, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn nhấn mạnh: “Để tiếp tục phát huy giá trị di sản, thời gian tới Bảo tàng Đồng Nai sẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo những giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh thắng cũng như lễ hội truyền thống tại hệ thống di tích và trong cộng đồng dân cư; ứng dụng khoa học công nghệ trong giới thiệu di sản. Từ đó, làm tăng thêm sự hấp dẫn, sức sống mới cho di tích, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa, kết hợp du lịch tâm linh, thu hút du khách thập phương”.

 

 

Ly Na

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ