Bí ẩn về lũy đá cổ ‘độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam

10:10 | 25/06/2022

Lũy đá cổ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam được xây dựng bằng đá son nằm trong dãy Hoành Sơn hùng vĩ, chắn ngang con đường “thượng đạo” từ lâu đời giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. 


Một đoạn lũy đá cổ Kỳ Anh.
Năm 1993, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu các di tích trên địa bàn tỉnh, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một đoạn lũy đá còn nguyên vẹn thuộc địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.
Đây là lũy đá đã được ghi chép trong trong các sách lịch sử như: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… và các sách Địa chí như: Nghệ An ký, Hà Tĩnh địa dư chí và cuốn An Tĩnh cổ lục của học giả người Pháp là Le Breton…
Năm 2010, Viện Khảo cổ học đã tổ chức khảo sát thực địa và nhận thấy đây là một thành lũy cổ quan trọng ở Bắc Trung bộ, cho nên tháng 4/2012, Viện Khảo cổ học và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (BEFEO) phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh mở cuộc điều tra cơ bản di tích này.
Theo các kết quả nghiên cứu, đây là lũy đá cổ, điểm bắt đầu là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng hơn 1km men theo sườn núi lên đỉnh đèo thuộc núi Trầm Hương (tên gọi hiện nay) nằm trong dãy Hoành Sơn hùng vĩ.
Lũy đá cổ nằm chắn ngang con đường “thượng đạo” đã có từ lâu đời và sau này là đường 22, trục đường giao thông huyết mạch của nhân dân vùng núi phía Tây huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Lũy được xây dựng hoàn toàn bằng đá, loại đá tự nhiên có ở chính vùng đất này mà nhân dân địa phương gọi là đá son (vì khi mài đá ra có màu đỏ như son), không sử dụng chất kết dính vì loại đá này mềm và mịn để lâu ngày các bột đá bị phân hủy tạo thành chất kết dính rất chắc và bền, có độ cứng cao khi trải qua mưa, nắng tồn tại cùng năm tháng.
Qua hàng chục năm tìm hiểu, đồng hành cùng các nhà nghiên cứu, ông Nguyễn Trí Sơn – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh) khẳng định, đây là một lũy đá cổ hiếm có trên cả nước nói chung và khu vực bắc miền Trung nói riêng. Hiện tại chưa tìm thấy hệ thống thành lũy nào ở nước ta có kết cấu và quy mô độc đáo như lũy đá Kỳ Anh.
Về mặt kỹ thuật xây dựng thành lũy, người xưa đã tận dụng tuyệt đối lợi thế của tự nhiên, đó là địa hình hiểm trở núi non của dãy Hoành Sơn với độ dốc thẳng đứng về phía Nam để xây lũy.
Phía Đông Bắc là dãy Hoành Sơn, đỉnh có độ cao trên 1000m so với mực nước biển, trước lũy về phía Tây Nam là thung lũng có độ dốc kéo dài theo triền núi đèo Bụt từ Đông sang Tây.
Cũng theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh, với kết quả khảo sát địa hình tại chỗ, bước đầu điều tra dân tộc học hiện đại tại địa phương, qua các sử liệu và các công trình nghiên cứu có liên quan, các nhà khảo cổ bước đầu nhận định: Lũy đá Kỳ Anh được xây dựng vào thời kỳ nội chiến Trịnh – Nguyễn, do nhà Trịnh ở Đàng Ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân sự đề phòng quân Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra.
Hệ thống lũy đá Kỳ Anh là chứng tích lịch sử thế kỷ XVII-XVIII của chế độ phong kiến Việt Nam. Đây là thời kỳ lịch sử đầy bi hùng và chia cắt của đất nước ta, đẩy nhân dân ta và nhất là vùng “biên giới Đàng Trong và Đàng Ngoài” vào cuộc chiến tranh liên miên, là bãi chiến trường đẫm máu, thì những dấu tích còn để lại của lũy đá là một minh chứng hùng hồn về giai đoạn lịch sử đầy biến động của giai đoạn lịch sử này.
“Lũy được xây bằng những viên đá tự nhiên với kỹ thuật ghép đá công phu và điêu luyện, ở trên đèo núi cao, có độ dốc lớn, khí hậu vô cùng khắc nghiệt bão lũ xảy ra thường xuyên nhưng lũy đá vẫn tồn tại với thời gian suốt qua hàng mấy thế kỷ mà không hề bị phá hủy. Đây cũng là giá trị nổi bật của di tích mà chúng ta cần bảo vệ nguyên trạng để phục vụ cho công tác nghiên cứu khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật quân sự và phục vụ cho công tác du lịch khám phá trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Được biết, với những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, về khảo cổ học và lịch sử văn hóa, ngày 12 tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4105/QĐ-BVHTTDL công nhận và xếp hạng Lũy đá Kỳ Anh là di tích Kiến trúc nghệ thuật.
Ông Phan Hoàng Trường – Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết, với mục đích bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích lũy đá cổ huyện Kỳ Anh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định trích ngân sách 2 tỷ đồng để thi công hạng mục hàng rào bảo vệ lũy đá cổ với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng giao cho xã làm chủ đầu tư thực hiện và hoàn thành năm 2019.
“Hiện địa phương cũng như các ban ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị lịch sử của lũy đá. Đây không chỉ là di tích có tầm quan trọng đối với các nhà nghiên cứu mà hy vọng trong thời gian không xa sẽ thu hút nhiều du khách muốn tìm hiểu, khám phá”, ông Trường nói.

Theo GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/bi-an-ve-luy-da-co-doc-nhat-vo-nhi-o-viet-nam-post593137.html

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth